Thứ Sáu, 17/5/2024 - 09:12:29 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài: Cơ chế nào mang lại hiệu quả?

THỨ NĂM, 24/03/2016 11:00:00 | PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
(BKTO) - “Cơ chế sử dụng vốn vay nước ngoài mang tính cấp phát đã bộc lộ nhiều bất cập. Dự kiến, đến giữa năm 2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tranh thủ tối đa nguồn vốn ODA để đầu tư, phát triển và phải chuyển đổi cơ chế để sẵn sàng bước sang giai đoạn mới”- Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính quốc tế (Bộ Tài chính) Trương Hùng Long khẳng định tại cuộc họp báo chuyên đề về chính sách cho vay lại vốn ODA ngày 23/3.

Hầm Thủ Thiêm (TPHCM) được xây dựng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Ảnh: TL

Cơ chế cho vay lại còn nhiều bất cập

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giai đoạn 2005-2015, tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết (khoảng 45 tỷ USD) được phân chia một cách đồng đều cho 3 loại chương trình, dự án. Đáng lưu ý, trong tổng số vốn dành cho chương trình, dự án của địa phương, tỷ trọng vốn cấp phát chiếm 92,2%; cho vay lại chỉ chiếm 7,8%. Đối với phần vốn để cho vay lại các dự án đầu tư trọng điểm của Nhà nước, hầu hết Chính phủ vẫn chịu toàn bộ các rủi ro tín dụng; ngân hàng chỉ thực hiện cho vay lại và hưởng phí dịch vụ. Giai đoạn này, với điều kiện, bối cảnh phù hợp, cơ chế đó đã mang lại hiệu quả nhất định, góp phần làm thay đổi diện mạo của nền kinh tế đất nước.  

Tuy nhiên, việc duy trì cơ chế trên trong thời gian dài đã tạo ra tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, chưa thực sự khuyến khích các chủ đầu sử dụng vốn một cách tiết kiệm, hiệu quả. Bên cạnh đó, tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư còn nhiều. Tính hợp lý trong phân bổ nguồn vốn giữa các địa bàn còn bất cập. Mức độ tiếp cận nguồn vốn của các địa phương miền núi, khó khăn thường hạn chế hơn các tỉnh, thành phố lớn. “Đã đến lúc, chúng ta phải tính toán lại để nguồn vốn tập trung vào những điểm cần quan tâm, đặc biệt là những tỉnh nghèo”- ông Trương Hùng Long nhấn mạnh.  

Mặt khác, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. So với giai đoạn trước đó, thời hạn ưu đãi của các khoản cho vay mà các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đã giảm xuống một nửa, trong khi chi phí vay lại tăng lên gấp đôi. Dự kiến, đến tháng 7/2017, Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ chính thức tuyên bố chấm dứt ODA với Việt Nam, tức là Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Đồng thời, khi Việt Nam “tốt nghiệp” ODA, nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2 - 3,5%. Do đó, từ nay đến năm 2017, cùng với việc tận dụng tối đa các nguồn vốn ODA để đầu tư cho hạ tầng kinh tế, việc nghiên cứu, chuyển đổi cơ chế quản lý, sử dụng vốn vay nước ngoài là điều cần thiết.

Xóa bỏ cơ chế trông chờ cấp phát

Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của nước ngoài, đại diện Bộ Tài chính, ông Trương Hùng Long nêu quan điểm: Trước hết, nên tập trung nguồn vốn ODA vào những lĩnh vực then chốt, các dự án công trình trọng điểm, thu hẹp phạm vi cấp phát từ NSNN và giảm tính bao cấp của Nhà nước trong cơ chế sử dụng vốn vay nước ngoài. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay, tư tưởng dựa vào Nhà nước để trông chờ cấp phát và Nhà nước “dang tay” ra đối với toàn bộ nền kinh tế là không phù hợp.

Trên thực tế, chúng ta đang thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, huy động vốn từ các nền kinh tế trong và ngoài nước. Điều này đòi hỏi phải cấu trúc lại vốn cho nền kinh tế theo hướng ưu tiên lĩnh vực đầu tư. Quan điểm của đại diện Bộ Tài chính là: Những dự án thiết yếu, mang tính tạo dựng cơ bản và là “bệ đỡ” cho hoạt động khác của nền kinh tế thì nhất thiết Nhà nước phải làm. Đối với các lĩnh vực, các dự án có khả năng hoàn vốn và có khả năng huy động từ các thành phần kinh tế thì phải chuyển dần sang cơ chế thị trường thông qua cơ chế cho vay chịu rủi ro và về lâu dài sẽ thực hiện đúng theo cơ chế thị trường. Việc mở rộng cơ chế cho vay lại để chia sẻ rủi ro với Chính phủ là cần thiết. Cùng với đó, phải tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn vốn vay công cũng như trách nhiệm của tất cả các chủ thể liên quan đến quản lý và sử dụng nguồn vốn vay.

Nhằm cải cách cơ chế quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của nước ngoài, thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách mới đã được xây dựng. Chẳng hạn, đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg, trong đó yêu cầu tăng cường cho vay lại chính quyền địa phương và cho vay lại chịu rủi ro tín dụng thông qua cơ quan cho vay lại đối với nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ. Để thực hiện, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ 2 cơ chế trên. Đáng lưu ý, Luật NSNN (sửa đổi) năm 2015 (có hiệu lực từ năm 2017) đã chính thức quy định ngân sách địa phương được phép bội chi; tức là xác lập quyền vay nợ và nghĩa vụ trả nợ của địa phương. Theo ông Trương Hùng Long, quy định này đã tách bạch quyền, nghĩa vụ trong việc vay, trả nợ giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; đồng thời, thông qua cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chính quyền địa phương sẽ chủ động và trách nhiệm hơn trong việc sử dụng vốn vay; từ đó góp phần quản lý hiệu quả nợ công.

Theo Bộ Tài chính, năm 2016, trách nhiệm trả nợ của Việt Nam vẫn đang ở ngưỡng cao và sẽ giảm từ năm 2017. Ước lượng, các khoản phải trả nợ và đảo nợ chiếm hơn 24% trên tổng chi ngân sách, riêng trả nợ là 14,7% tức là tương đương trên 150.000 tỷ đồng, còn lại khoản đảo nợ là 95.000 tỷ đồng.

NGỌC MAI

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

(BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201