Thứ Sáu, 26/4/2024 - 05:53:59 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đón đầu Luật Quy hoạch có hiệu lực từ năm 2019

THỨ SÁU, 03/08/2018 15:30:00 | PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
(BKTO) - Luật Quy hoạch (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019) được đánh giá là công cụ quan trọng giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Để đón đầu Luật Quy hoạch đi vào cuộc sống, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đang tích cực triển khai hoàn thiện khung khổ pháp lý dưới luật.

Theo đánh giá của Chính phủ, Luật Quy hoạch sẽ giúp đẩy nhanh việc thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng; loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở đầu tư, phát triển, tạo rào cản gia nhập thị trường của DN, hàng hóa, dịch vụ đang gây khó khăn cho việc huy động các nguồn lực, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và người dân. Đồng thời, Luật sẽ tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng trong huy động, tiếp cận cũng như phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư và phát triển.

 
Một trong những giá trị quan trọng của Luật Quy hoạch được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 24/11/2017 là bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, để sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật phù hợp với Luật Quy hoạch, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung 13 luật liên quan. Quá trình thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 đã đi đến kết luận Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng tiếp tục được để lại để nghiên cứu, rà soát thêm cho thống nhất và sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua cùng với các luật còn lại liên quan đến quy hoạch tại Kỳ họp thứ 6 tới.

Hiện nay, để triển khai kịp thời, đồng bộ các quy định của Luật Quy hoạch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 về triển khai thi hành Luật Quy hoạch. Trong đó, Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cùng xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành. Đáng chú ý, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch trình Chính phủ, ban hành Thông tư hướng dẫn về định mức kinh tế - kỹ thuật lập, thẩm định, công bố và điều chỉnh quy hoạch; Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn về giá trong hoạt động quy hoạch…

Tích cực triển khai nhiệm vụ được giao, Bộ KH&ĐT đã tiến hành rà soát, tổng hợp danh mục các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại Luật Quy hoạch, danh mục các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Một nhiệm vụ quan trọng khác, theo yêu cầu của Chính phủ, là Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng quy hoạch thời kỳ 2021-2030, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 31/12/2020.

 
Theo Luật Quy hoạch, hệ thống quy hoạch gồm 3 loại: Quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch vùng và Quy hoạch tỉnh. Trong đó, Quy hoạch vùng có vị trí vai trò quan trọng, là quy hoạch cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia ở cấp vùng về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, xây dựng vùng liên tỉnh, kết cấu hạ tầng, nguồn nước lưu vực sông, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối các tỉnh.
Cụ thể hóa việc thực hiện nhiệm vụ này, mới đây, Bộ KH&ĐT đã tổ chức Hội thảo nghiên cứu phân vùng phục vụ triển khai thực hiện Luật Quy hoạch giai đoạn 2021-2030.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh, công tác phân vùng đóng vai trò hết sức quan trọng, là công cụ không thể thiếu trong công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, phương án phân vùng thành 6 vùng kinh tế - xã hội trong giai đoạn vừa qua đã bộc lộ nhiều hạn chế so với bối cảnh mới trong nước, quốc tế và khu vực. Mặt khác, các quy hoạch vùng được lập trước đây chỉ còn hiệu lực đến năm 2020.

Trong khi đó, Luật Quy hoạch được ban hành với nhiều nội dung đổi mới, hướng đến xây dựng quy hoạch tích hợp, đa ngành phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường, chú trọng nhiều hơn đến khía cạnh không gian trong quản lý phát triển, đặc biệt là tính liên kết về không gian phát triển. Do đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải nghiên cứu phân vùng lại, tạo tiền đề cho việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch vùng.

Ông Nguyễn Văn Vịnh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cho biết, Dự thảo Báo cáo nghiên cứu phân vùng phục vụ triển khai thực hiện Luật Quy hoạch đề xuất phân chia lãnh thổ quốc gia thành 7 vùng phục vụ lập quy hoạch vùng cho giai đoạn 2021-2030.

 
Dự kiến lãnh thổ quốc gia được phân chia thành 7 vùng: giữ nguyên các vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long; tách vùng Trung du miền núi phía Bắc thành vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc; tách vùng Bắc Trung bộ từ Thanh Hóa đến Quảng Trị; nhập các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận vào vùng Đông Nam bộ hiện nay; thành lập vùng Nam Trung bộ gồm tỉnh Thừa Thiên - Huế, các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa và 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông).
Theo đại diện Bộ KH&ĐT, đây là phương án cơ bản phù hợp với quan điểm về vùng theo Luật Quy hoạch vừa có tính kế thừa, vừa mang tính đổi mới, đột phá, phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường, đặt tính liên kết vùng cao hơn tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội, dân cư, khắc phục được hạn chế vùng có khoảng cách quá dài, đồng thời tạo ra không gian phát triển mới hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập và liên kết quốc tế.

Việc phân vùng để lập và quản lý nhà nước về quy hoạch theo vùng phù hợp với Luật Quy hoạch hướng đến mục tiêu định hình lãnh thổ quốc gia, tạo không gian phát triển mới, phát huy hiệu quả phát triển tổng hợp các vùng và cả nước, khai thác chức năng đặc thù các vùng hướng đến tương lai lâu dài - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh nhận định.

Đồng thời với nhiệm vụ phối hợp với các Bộ, ngành lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành, Bộ KH&ĐT còn được Chính phủ giao tổng hợp kế hoạch vốn cho việc lập các quy hoạch ngành quốc gia cho thời kỳ 2021-2030 ngay trong năm 2018 để trình cấp có thẩm quyền quyết định bố trí kế hoạch vốn.
 
Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành được sử dụng nguồn 10% dự phòng trên tổng mức vốn đã được phân bổ trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 hoặc nguồn vốn chi sự nghiệp kinh tế đã bố trí trong dự toán năm 2018 của các Bộ, ngành để tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030 ngay trong năm 2018.
 
QUỲNH ANH
 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

(BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201