Thứ Năm, 25/4/2024 - 08:59:20 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Cơ hội và thách thức phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã

THỨ HAI, 14/10/2019 21:25:00 | PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
(BKTO) - Chiều 14/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Quang cảnh Hội nghị- Nguồn: QĐND

Sáng cùng ngày, Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã 2019 với chủ đề “Cơ hội và thách thức phát triển Kinh tế hợp tác, Hợp tác xã” đã diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ- Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX).

HTX là bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế

Chuỗi sự kiện trên do Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, thu hút khoảng 500 đại biểu là lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành T.Ư, địa phương; các tổ chức chính trị xã hội; Liên minh HTX 63 tỉnh, thành phố; các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, các HTX và các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Những nội dung chính được chia sẻ tại Hội nghị, Diễn đàn gồm: Rà soát những cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác; Đánh giá hoạt động của các mô hình HTX kiểu mới tại các địa phương, các chính sách thúc đẩy phát triển HTX hoạt động có hiệu quả; Bài toán thị trường cho các HTX và chia sẻ những khó khăn từ phía các HTX trong thực tiễn hoạt động tại địa phương, kiến nghị giải pháp tháo gỡ...
 

Quang cảnh Diễn đàn- Nguồn: MPI

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế hợp tác, HTX được khẳng định là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế, hiện đang đóng góp 10% GDP của cả nước và có vai trò quan trọng trong mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và cải thiện môi trường.

Đại diện Ban tổ chức cho rằng, đây là dịp để các HTX và các cơ quan quản lý Nhà nước, các đoàn thể, hiệp hội nhận diện rõ hơn các cơ hội, thách thức, những vấn đề mới trong phát triển kinh tế hợp tác, HTX nước ta nói riêng và thế giới nói chung.

Đồng thời, đây cũng là dịp tăng cường giao thương hợp tác giữa các HTX với nhau, giữa HTX với các doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác, kết nối thị trường, công nghệ… Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các HTX, liên hiệp HTX trên tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu của người dân và các tổ chức, cá nhân muốn hợp tác để xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Số liệu thống kê cho biết, 9 tháng đầu năm 2019, số HTX thành lập mới đạt 1.598 HTX, giải thể 341 HTX yếu kém; thành lập mới 02 LHHTX. Lũy kế đến tháng 9/2019, cả nước có 23.905 HTX đã được thành lập, tăng 6,5% so với năm 2018, trong đó có 22.649 HTX đang hoạt động (gồm 14.379 HTX nông- lâm- ngư- diêm nghiệp- thủy sản; 1.923 HTX công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp; 1.944 HTX thương mại; 1.375 HTX vận tải và dịch vụ vận tải; 852 HTX xây dựng- sản xuất vật liệu xây dựng; 483 HTX môi trường). Cùng với đó, trên cả nước có 1.180 Quỹ tín dụng nhân dân, Quỹ dịch vụ; 76 Liên hiệp HTX và trên 100 nghìn Tổ hợp tác.

Theo Liên minh HTX Việt Nam, tổng vốn điều lệ của các HTX là 32 nghìn tỷ đồng, bình quân đạt 1,3 tỷ đồng/HTX. Tổng tài sản của các HTX là 171 nghìn tỷ đồng, bình quân đạt 7,7 tỷ đồng/HTX. Trong đó, Quỹ dụng nhân dân đạt trung bình 96 tỷ đồng/Quỹ. Các HTX có doanh thu bình quân đạt 4,2 tỷ đồng, lãi bình quân 305 triệu đồng. Tổng số lao động thường xuyên của các HTX khoảng 2,5 triệu lao động, với thu nhập bình quân 45 triệu đồng/năm/ người.

Tập trung phát huy tiềm năng của kinh tế tập thể

Hòa vào xu thế hội nhập và phát triển loại hình kinh tế hợp tác, HTX lên tầm cao mới, tính đến tháng 9/2019, cả nước đã có khoảng 1.500 HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị thị trường trong nước và nước ngoài, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn sản phẩm, ký kết hoạt động tiêu thụ sản phẩm dài hạn với doanh nghiệp. Các HTX đã có sự tương trợ lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, thông tin và tiêu thụ sản phẩm… góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo cho người dân địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vai trò của các HTX là đóng góp vào việc xây dựng xã hội hợp tác, đoàn kết, cùng chia sẻ sự thịnh vượng, vì lợi ích thiết thực của mỗi thành viên trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng. Những năm qua, kinh tế tập thể, HTX đã có sự phát triển khá mạnh về cả lượng và chất, hỗ trợ cho gần 6 triệu hộ thành viên, chủ yếu là các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh, tạo ra số lượng lớn việc làm, xây dựng các liên kết phát triển mới trong nông nghiệp, cùng với các loại hình doanh nghiệp tạo ra một diện mạo nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững, ổn định xã hội.
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị- Nguồn: VGP

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ những hạn chế, yếu kém của khu vực kinh tế hợp tác, HTX: tốc độ tăng trưởng chậm, thiếu ổn định, chưa phát huy được tiềm năng của kinh tế tập thể, HTX; đóng góp vào GDP của cả nước còn khiêm tốn và có xu hướng giảm; mô hình HTX kiểu mới thành công số lượng chưa lớn, quy mô HTX còn nhỏ, tính liên kết còn hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp; một bộ phận chưa thật tin tưởng, cuốn hút bởi mô hình HTX kiểu mới…

Cùng với việc chỉ ra những nguyên nhân và giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập trên, Thủ tướng cũng chia sẻ về quan điểm, định hướng phát triển kinh tế tập thể, HTX: “Qua phát triển kinh tế hợp tác, Đảng và Nhà nước mong muốn người dân tham gia liên kết, hợp tác sản xuất, tạo năng lực phát triển mới, vươn ra thị trường thế giới, được hưởng nhiều lợi ích về văn hóa, tinh thần, an sinh xã hội và phát triển cộng đồng…”. Do đó, chúng ta cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, trong nước, những mô hình thành công để phát huy tối đa sức mạnh của HTX kiểu mới và các mô hình kinh tế tập thể”.

Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết cần xác định rằng, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Phát triển kinh tế hợp tác phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, đề cao nguyên tắc “tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi”, đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển HTX, tổ hợp tác; rà lại các chính sách để sửa đổi, tạo thuận lợi hơn cho kinh tế hợp tác, HTX, tổ hợp tác phát triển.

QUỲNH ANH

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

(BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201