Thứ Bảy, 20/4/2024 - 20:45:02 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Ngành du lịch thiệt hại nặng nề do virus Corona

THỨ BA, 18/02/2020 08:20:00 | KINH TẾ - XÃ HỘI
(BKTO) - Ngành du lịch Việt Nam đang phải chịu quả hậu quả nặng nề vì dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, khiến thị trường khách chủ lực Trung Quốc sụt giảm mạnh, trong khi khách tại một số thị trường khác cũng bắt đầu hủy tour. Các DN lữ hành và DN liên quan đến du lịch đang trong tình thế rất khó khăn.


Ngành du lịch sẽ chuẩn bị chương trình kích cầu lớn để thu hút du khách. Ảnh: Thái Anh

Du lịch Việt Nam có thể thiệt hại khoảng 7 tỷ USD 

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Trung Quốc là thị trường khách du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới, tăng vọt từ 4,5 triệu người vào năm 2000 lên tới 150 triệu người vào năm 2018. Trong năm 2020, con số này được dự báo sẽ tăng gấp đôi khi tỷ lệ người sở hữu hộ chiếu tại Trung Quốc tăng từ mức 10% dân số hiện tại lên 20%. Ở Việt Nam, khách Trung Quốc cũng vẫn đang xếp vị trí số 1 với 5,8 triệu lượt năm 2019, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tập đoàn Trip.com - một trong những hãng du lịch trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc - dự báo, năm 2020, Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến du lịch ngắn ngày ưa thích của người Trung Quốc.

Tuy nhiên, dịch nCoV bùng nổ vào đúng mùa cao điểm khiến ngành du lịch Việt Nam lao đao. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Lê Hoài Chung cho biết, ước tính con số thiệt hại của ngành du lịch Việt Nam trong 3 tháng tới khoảng 5,9 - 7,7 tỷ USD nếu không có các giải pháp quyết liệt thu hút khách. Trong đó, tập trung chủ yếu ở thị trường khách Trung Quốc, quốc tế và nội địa. Theo đó, với thị trường Trung Quốc, khách du lịch sẽ giảm 90 - 100%, tương ứng từ 1,7 - 1,9 triệu lượt (1,8 - 2 tỷ USD); các thị trường quốc tế khác được dự báo giảm 50 - 70%, tương đương 2 - 2,8 triệu lượt (2,2 - 3 tỷ USD); thị trường nội địa giảm 50 - 70%, khoảng 10,9 - 15,3 triệu lượt (1,9 - 2,7 tỷ USD). 

Các địa phương trên cả nước cũng ghi nhận sụt giảm mạnh về lượng khách chỉ trong nửa tháng dịch bệnh bùng phát. Theo thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, địa phương này dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do khách Trung Quốc hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số khách quốc tế đến khu vực, tới hơn 70% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019. Bên cạnh đó, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) trung bình đón khoảng 12.000 lượt khách/ngày, tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, chỉ đón khoảng 3.000 khách/ngày, giảm 2/3 so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, TP. Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng và Huế cũng chịu sự ảnh hưởng nặng nề khi lượng khách sụt giảm đến 70%.

Chủ động tìm kiếm thị trường mới

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, Hiệp hội thường xuyên đề xuất, định hướng cho các DN lữ hành cập nhật tình hình kịp thời, không tuyên truyền phổ biến thông tin không chính thống, tuân thủ hướng dẫn của ngành y tế trong phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Hiệp hội cũng sẽ triển khai chương trình kích cầu mạnh mẽ trước, trong và sau khi dịch bệnh chấm dứt. Trong khi đó, theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, việc phục hồi lượng khách sẽ mất rất nhiều thời gian ngay cả khi dịch bệnh chấm dứt, tuy nhiên, ngành du lịch đã chuẩn bị để trở lại ngay tháng 4 năm nay. 

Bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, cơ quan quản lý du lịch, hiệp hội du lịch T.Ư và địa phương đã liên tục có những cuộc họp bàn về các biện pháp để ứng phó với dịch bệnh do nCoV gây ra. Ý kiến chung từ các cuộc họp này là ngành du lịch sẽ chuẩn bị chương trình kích cầu lớn để thu hút du khách quay lại sau dịch. Tiếp đó, cơ quan quản lý cần đề nghị Chính phủ xem xét khả năng miễn lệ phí, đơn giản thủ tục visa cho khách du lịch trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế phục vụ, cho phép triển khai cấp visa tại cửa khẩu. Mặt khác, cần kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố xem xét giảm giá, miễn phí vé, phí tham quan từ 1 - 2 tháng sau khi hết dịch để kích cầu du lịch. 
Cùng với chính sách kích cầu dành cho du khách, DN cũng cần được hỗ trợ bằng các hình thức như: giãn thuế, giảm thuế, giãn lãi suất cho DN lữ hành, khách sạn, vận chuyển bị thiệt hại do dịch bệnh. Đồng thời, để tạo hiệu ứng tốt giúp ngành du lịch sớm lấy lại đà tăng trưởng khi dịch bệnh chấm dứt và tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá ngay khi có thể, các địa phương, DN cần phải bình tĩnh, chủ động trong công tác ứng phó với dịch bệnh, tránh nghiêm trọng hóa tạo ra sự kỳ thị khách. Vì vậy, nếu có thông tin về trường hợp phân biệt, kỳ thị khách, cơ quan chức năng sẽ xử phạt nghiêm.

Mặc dù nhìn nhận khó khăn nhưng một số DN cho rằng, đợt sụt giảm này cũng là cơ hội để đẩy mạnh việc tái cơ cấu thị trường, tránh lệ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường lớn. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng nêu ví dụ, Trung Quốc là thị trường rất lớn của thế giới và vị trí ngay bên cạnh Việt Nam nên không thể xem nhẹ nhưng cũng không nên quá lệ thuộc, phải mở rộng ra các thị trường khác để tránh sụt giảm sâu khi có sự cố, như dịch nCoV lần này. Đồng quan điểm, một số ý kiến khác cũng cho rằng, khi thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam là Trung Quốc bị ảnh hưởng mạnh, ngành du lịch cần mở rộng thị trường có kết nối đường bay thuận tiện đang có tốc độ tăng trưởng cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN; tập trung khai thác thị trường lớn, tiềm năng như Ấn Độ; tăng cường thu hút khách du lịch từ Bắc Mỹ, khai thác mạnh hơn thị trường Mỹ và Canada, nhất là khi có đường bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ.

LÊ HÒA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201