Thứ Bảy, 27/4/2024 - 02:08:33 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Việt Nam đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng tài nguyên nước

THỨ BA, 11/06/2019 15:45:00 | KINH DOANH
(BKTO) - Kết quả nghiên cứu độc lập của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây đã xác định tình trạng ô nhiễm tài nguyên nước là mối đe dọa lớn đối với việc đảm bảo an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của Việt Nam. Dự báo đến năm 2035, vấn đề ô nhiễm nguồn nước có thể gây tổn thất cho nước ta khoảng 3,5% GDP mỗi năm.

Nghèo về nước nhưng sử dụng lãng phí

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, Việt Nam là một quốc gia nghèo về nước. Tổng lượng dòng chảy mặt trên lãnh thổ Việt Nam vào khoảng 830 tỷ m3, trong đó, khoảng 63% dòng chảy có nguồn gốc từ các quốc gia khác. Tính đến năm 2018, tổng lượng nước bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 8.760 m3/người/năm, nếu tính theo lượng nước nội sinh thì chỉ đạt khoảng 3.250 m3/người/năm, thấp hơn chuẩn của quốc gia theo quan điểm của Hiệp hội Nước quốc tế là 4.000 m3/người/năm. Bên cạnh đó, dòng chảy phân bố không đều theo mùa và theo vùng, trong đó, 70 - 80% tổng lượng dòng chảy tập trung trong mùa lũ, mùa khô kéo dài từ 6 đến 9 tháng với tổng lượng dòng chảy chỉ chiếm khoảng 20 - 30%. Do đó, nhiều lưu vực sông đã ở tình trạng khan hiếm nước vào mùa khô.

Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong các quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Do tác động của biến đổi khí hậu, nguồn nước mùa khô có xu hướng suy giảm, hạn hán kéo dài hơn và diễn ra nghiêm trọng hơn, nhiều khu vực nước ngọt bị xâm nhập mặn và ô nhiễm gia tăng, khả năng chống chịu với thiên tai suy giảm, đặc biệt là hạn hán sẽ tạo ra thách thức lớn đối với bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển bền vững. Nghiên cứu độc lập của WB cũng đã chỉ ra trên 90% lượng nước hiện đang được sử dụng để tưới tiêu và nuôi trồng thủy sản trên khắp cả nước nhưng chưa mang lại hiệu quả, còn lãng phí. Giá trị từ mỗi đơn vị (m3) nước được sử dụng ở Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 USD GDP trong khi mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD, cao hơn gần 10 lần.

Đánh giá về thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Đã đến lúc chúng ta không nên ngộ nhận rằng Việt Nam là quốc gia giàu về tài nguyên nước mà cần thẳng thắn chỉ ra rằng nguồn tài nguyên nước còn nghèo nhưng lại bị sử dụng lãng phí… Những áp lực này sẽ tạo nên các yếu tố kém bền vững cho phát triển tài nguyên nước.

“Quá nhiều - quá bẩn - quá ít”

Theo dự báo của WB, trong mùa khô, tổng nhu cầu sử dụng nước của Việt Nam sẽ tăng 32% vào năm 2030, căng thẳng nước sẽ diễn ra nghiêm trọng tại các lưu vực kinh tế trọng điểm. Hiện mức độ khai thác, sử dụng nước ở các lưu vực sông tăng quá nhanh và đang tiến tới mức không bền vững; các lưu vực này đóng góp khoảng 80% GDP của Việt Nam. Sự gia tăng nhanh chóng của nhu cầu nước được dự báo sẽ gây áp lực cho nguồn nước của 11 trong số 16 lưu vực sông lớn tại Việt Nam vào năm 2030.

Ngoài ra, những bất cập trong công tác quản lý tài nguyên nước cũng được WB chỉ ra. Cụ thể, nhiều Bộ, ngành cùng tham gia vào công tác quản lý và nhiều luật điều chỉnh công tác quản lý tài nguyên nước. Điều này gây khó khăn cho thực hiện quản lý tài nguyên nước thống nhất theo lưu vực, cả nước mặt và nước dưới đất, cả số lượng nước và chất lượng nước. Bên cạnh đó, khung pháp lý đã có nhưng thực thi còn chưa hiệu quả; cơ chế xử phạt chưa đủ răn đe; thiếu đầu tư lớn cho xử lý nước thải công nghiệp và đô thị; chưa có cơ chế, chính sách hiệu quả làm giảm ô nhiễm nguồn nước do sử dụng phân bón, chất hóa học trong ngành nông nghiệp; ô nhiễm từ nước thải chăn nuôi…

Đánh giá về thực trạng tài nguyên nước tại Việt Nam, ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam nhận định: “Việt Nam đang đứng trước một cuộc khủng hoảng cận kề về tài nguyên nước mà tôi gọi là quá nhiều, quá bẩn và quá ít. Quá nhiều nước vì những tác động tàn phá của lũ lụt, bị biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng thêm, đang gây tổn hại trước hết và nhiều nhất cho người nghèo. Quá bẩn vì quá nhiều nước thải không được thu gom hoặc xử lý, trong khi các ngành công nghiệp và tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng. Quá ít nước do bị thay đổi bởi biến đổi khí hậu và quản lý nước yếu kém, điều này khiến hạn hán đang trở nên thường xuyên hơn và tình trạng khan hiếm nước ngày càng trầm trọng ở một số vùng trên cả nước vào mùa khô”.

Theo khuyến nghị của WB, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả sử dụng nước theo hướng chuyển đổi sang những cây trồng và những hệ thống thuỷ lợi tạo ra thu nhập cao hơn cho mỗi đơn vị nước sử dụng, tiết kiệm, giảm lượng nước sử dụng thông qua việc ứng dụng công nghệ mới và có biểu giá nước hợp lý để giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nước. 

Bà Jennifer Sara - Giám đốc Cấp cao Ban Nước toàn cầu của WB - nhấn mạnh: Tăng trưởng kinh tế bền vững ở Việt Nam sẽ không thể đạt được nếu không có hành động mạnh mẽ để bảo vệ tài nguyên nước. Nếu các quyết định tốt được đưa ra ngay bây giờ, các hệ thống nước có thể được tăng cường để chống lại các cú sốc như biến đổi khí hậu, đảm bảo cho các thế hệ hiện tại và tương lai gặt hái những lợi ích của nước.

LONG HOÀNG
Theo Báo Kiểm toán số 23 ra ngày 06-6-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

(BKTO) - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh đã tiếp ông Yang Ruo Bing - Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình Luyện kim quốc tế (MCCI), trực thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201