Thứ Sáu, 29/3/2024 - 14:25:35 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu của TP. HCM trong giai đoạn mới

THỨ SÁU, 18/10/2019 09:14:20 | KINH DOANH
(BKTO)- Đánh giá lại một cách có hệ thống, khoa học cho xuất khẩu của TP. HCM và sự gắn kết xuất khẩu của Thành phố với các vùng lân cận, từ đó định vị nhóm ngành, sản phẩm chủ lực cần quan tâm hỗ trợ phát triển trong thời gian tới… là việc làm cấp thiết.

 

Quang cảnh Hội nghị chuyên đề về tình hình đầu tư và xuất khẩu TP. HCM - Nguồn: Chinhphu.vn


Đây là ý kiến được các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị chuyên đề về tình hình đầu tư và xuất khẩu TP. HCM, diễn ra ngày 17/10, nhằm đánh giá thực trạng hoạt động xuất khẩu và đề xuất định hướng, giải pháp thúc đẩy xuất khẩu của Thành phố trong giai đoạn mới.

Theo thống kê của Sở Công Thương TP. HCM, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Thành phố là trên 38 tỷ USD. 9 tháng 2019 ước đạt 30,7 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện TP. HCM có nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm. Dự kiến, năm 2019 kim ngạch xuất khẩu sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử ước đạt 10 tỷ USD, dệt may 4,2 tỷ USD, giày dép 1,9 tỷ USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ khoảng 1,6 tỷ USD và nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 500 triệu USD/năm như gạo, thủy hải sản, hàng rau quả, phương tiện vận tải và phụ tùng…

Trong các thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp TP. HCM, thì Trung Quốc và Mỹ vẫn là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Kế đến là Nhật Bản, Hong Kong, Hàn Quốc, Đức, Hà Lan, Ấn Độ... Ngược lại, xuất khẩu sang EU chiếm tỉ trọng thấp, chưa xứng với tiềm năng.

Theo đánh giá của Sở Công Thương TP. HCM, hoạt động xuất khẩu của Thành phố đã đến ngưỡng giới hạn, sẽ khó tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng trong thời gian tới nếu không có giải pháp chiến lược, đột phá. Kim ngạch xuất khẩu ngày càng phụ thuộc vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như sản phẩm điện, điện tử, dệt may, giày dép chủ yếu do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, xuất khẩu.

Theo TS. Đinh Công Khải- Viện trưởng Viện chính sách công (Trường Đại học Kinh tế TP. HCM), gần đây xuất khẩu của TP. HCM đã và đang mất dần lợi thế cạnh tranh, khả năng đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường thấp. Xuất khẩu vẫn theo mô hình tăng trưởng theo chiều rộng và chạy theo thị trường, thiếu định hướng chiến lược phát triển xuất khẩu theo lợi thế so sánh của Thành phố. Biểu hiện rõ nét nhất là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có xu hướng giảm so với cả nước và các địa phương khác, dẫn đến tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu so với cả nước ngày càng giảm.

TS. Đinh Công Khải phân tích, trong 1.014 sản phẩm mà TP. HCM xuất khẩu, có 186 sản phẩm có lợi thế so sánh bộc lộ (RCA), chiếm tới 90% kim ngạch xuất khẩu của Thành phố. Nhưng hầu hết các nhóm ngành, sản phẩm xuất khẩu của TP. HCM đang mất dần lợi thế so sánh bộc lộ (108/186 sản phẩm có RCA giảm).

Chính vì vậy, việc nhận dạng lại bức tranh chung về xuất khẩu của TP. HCM, trong đó đánh giá lại một cách có hệ thống và khoa học nền tảng cho xuất khẩu của TP. HCM và sự gắn kết của xuất khẩu của TP. HCM với các vùng lân cận, từ đó định vị nhóm ngành, sản phẩm chủ lực mà Thành phố cần quan tâm hỗ trợ phát triển trong thời gian tới là rất cấp thiết.

Ở góc độ doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) kiến nghị, để nâng cao năng lực và giá trị xuất khẩu, đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu, chỉ còn giải pháp là Thành phố chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu hàng xuất khẩu sang lĩnh vực sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và xuất khẩu dịch vụ. Mặt khác, triển khai các giải pháp tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; khuyến khích doanh nghiệp các tỉnh, thành phố bạn giao dịch thương mại, xuất nhập khẩu qua các cảng của Thành phố.

Theo HUBA, những ngành hàng hiện đang chiếm ưu thế xuất khẩu như dệt may, da giày, chế biến gỗ… vẫn chưa khắc phục được nhược điểm về thâm dụng lao động, năng suất phụ thuộc nhiều vào thiết bị lạc hậu.

Do đó, trong thời gian tới, các doanh nghiệp phải đầu tư vào thiết kế thời trang, xây dựng thương hiệu, chuyển dịch theo hướng sản xuất bằng công nghệ cao. Mặt khác cần trọng tâm vào số ngành có giá trị gia tăng cao, phù hợp điều kiện Thành phố như phần mềm tin học, dịch vụ tài chính, du lịch y tế (phẫu thuật thẩm mỹ, nha khoa…) có khả năng phát triển trong thời gian khá dài và nâng kim ngạch xuất khẩu.

Ông Nguyễn Ngọc Hoà- Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM cho biết, thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục duy trì và hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, tiêu biểu có kim ngạch và tốc độ tăng trưởng cao, tạo nhiều việc làm và đóng góp ngân sách lớn, đồng thời nâng cấp công nghiệp và gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các ngành hàng xuất khẩu này; nâng cao năng lực cạnh tranh các cụm ngành xuất khẩu tiêu biểu như sản phẩm hàng hoá, phần mềm và nội dung số, du lịch…

Về định hướng xuất khẩu của TP. HCM đến năm 2030, ông Nguyễn Ngọc Hoà cho biết, quan điểm chiến lược của Thành phố là lấy chất lượng tăng trưởng làm nền tảng, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và xuất khẩu dịch vụ, hàng hoá vô hình (phần mềm, sản phẩm nội dung số). Cân đối hài hoà giữa mục tiêu dài hạn là nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu.

Theo các chuyên gia, để hỗ trợ các doanh nghiệp XK phát triển, TP. HCM cần nâng cao các dịch vụ nền tảng về công nghệ; các dịch vụ tài chính, xúc tiến thương mại và logistics. Đồng thời phát huy nguồn nhân lực và tận dụng tốt nhất các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để hỗ trợ xuất khẩu.

Dự ước xuất khẩu của TP. HCM giai đoạn 2021-2030 sẽ tăng bình quân 7%/năm, trong đó các FTA góp phần tăng xuất khẩu khoảng từ 2-3%/năm.

ĐÔNG SƠN (tổng hợp)

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

(BKTO) - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh đã tiếp ông Yang Ruo Bing - Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình Luyện kim quốc tế (MCCI), trực thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201