Thứ Sáu, 29/3/2024 - 16:30:28 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tiền gửi tiết kiệm chảy sang trái phiếu doanh nghiệp

THỨ TƯ, 15/07/2020 14:45:00 | KINH DOANH
(BKTO)- Hiện nay, trái phiếu doanh nghiệp có lợi tức đang thu hút khá nhiều lượng tiền từ các kênh đầu tư trong đó có tiền gửi từ ngân hàng khiến nhiều người lo ngại.

Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm


Hấp dẫn hơn tiền gửi 

Làn sóng giảm lãi suất huy động đang lan rộng ở tất cả các ngân hàng thương mại, và hiện mức lãi suất 7% cho kỳ hạn trên 12 tháng đã biến mất ở bảng biểu chào lãi suất tiền gửi. Thậm chí lãi suất kỳ hạn 24 tháng ở một số ngân hàng chỉ còn trên dưới 6%/năm cho các món gửi nhỏ. Mặt bằng lãi suất này khiến việc để tiền tiết kiệm trông như một lựa chọn “ngu ngốc” ở thời điểm chứng khoán đang tăng bùng nổ, còn giá vàng thì lên thủng trần.

Về lý thuyết, lãi suất huy động thấp nhằm giảm tình trạng tiền mặt nằm “chết” trong tài khoản tiền gửi, giảm giá vốn cho các ngân hàng và từ đó cho vay rộng rãi hơn để hỗ trợ tăng trưởng. Nhiều suy luận cũng cho rằng tiền tiết kiệm sẽ chảy sang lĩnh vực chứng khoán.

Chỉ riêng từ tháng 3-6 vừa qua, hệ thống của Trung tâm lưu ký chứng khoán (nơi quản lý các tài khoản đầu tư chứng khoán) đã ghi nhận 137.402 tài khoản mới do nhà đầu tư (NĐT) cá nhân mở. Rất có thể một bộ phận người gửi tiền đã điều hướng nguồn vốn sang kênh đầu tư này.

Nhưng đó không phải là tất cả. Thực tế đã chứng minh rằng những thời điểm trong quá khứ khi lãi suất huy động rất thấp, lượng tiền gửi của cư dân vào ngân hàng cũng không bị ảnh hưởng, thậm chí còn tăng.

Để giữ chân dòng vốn tiết kiệm, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh mảng dịch vụ hỗ trợ người gửi tiền chuyển sang đầu tư trái phiếu. Nếu như trước đây trái phiếu thậm chí là một kênh đầu tư nằm ngoài tầm với của cả NĐT cá nhân và chuyên nghiệp, thì lúc này mua trái phiếu chưa bao giờ dễ dàng hơn.

Đầu tư trái phiếu về mặt hình thức cũng đã hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm, vì lãi suất cao hơn đáng kể. Trên thị trường hiện nay, lãi suất bình quân trái phiếu doanh nghiệp phát hành sơ cấp dao động từ 10,1% - 11,2%/năm với kỳ hạn tăng dần từ 12 tháng đến 5 năm. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu trên thị trường thứ cấp dao động từ 7,5-10,5%/năm. Theo khảo sát của Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI Research, mức lợi tức này vẫn cao hơn 0,8-1,7%/năm so với mức lãi tiền gửi cạnh tranh nhất và 1,8-4%/năm so với lãi suất tại các nhà băng lớn có vốn Nhà nước tùy từng kỳ hạn.

Một lợi thế rất lớn là nhiều ngân hàng cũng có công ty chứng khoán nên việc liên thông giữa các tài khoản ngân hàng và tài khoản giao dịch dễ dàng. Số dư tài khoản tiết kiệm “nổi” ngay trong phần mềm giao dịch. Việc mở tài khoản chứng khoán thậm chí được tiến hành online hoàn toàn. Hàng loạt ngân hàng, công ty chứng khoán cũng xây dựng phần mềm giao dịch riêng có thể sử dụng trên điện thoại thông minh. 

Cẩn trọng với rủi ro

Mức lãi suất cao hơn hẳn tiền gửi có sức hấp dẫn mạnh với các NĐT. Tuy nhiên, lợi nhuận thường đi kèm với rủi ro, sở hữu trái phiếu đồng nghĩa với việc NĐT trở thành chủ nợ của tổ chức phát hành và sẽ đối mặt với các rủi ro về mất khả năng thanh toán/ thanh khoản của doanh nghiệp. Hiện tại, chưa có 1 đơn vị trung gian độc lập định hạng các trái phiếu doanh nghiệp, việc tự đánh giá các trái phiếu vượt quá khả năng của các NĐT cá nhân.

Trước tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp trên, mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra khuyến nghị đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và NĐT. Cụ thể, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án phát hành trái phiếu khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ. Đối với nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính khuyến nghị cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp phải đối với trái phiếu.

Trước khi quyết định đầu tư, cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu.

“Chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, NĐT nhất là NĐT cá nhân mới nên mua trái phiếu, không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu (bao gồm cả gốc và lãi) nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn” - khuyến cáo của Bộ Tài chính đối với các NĐT.

Sự gia tăng mạnh lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây có thể là bước tăng tốc trước khi dự thảo sửa đổi Nghị định 163 theo hướng siết chặt việc phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp đi vào hiện thực. Sau 2 năm tăng tốc, lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành hiện đã tương đối lớn và có thể là một trong những yếu tố khiến lãi suất tiền gửi khó có thể giảm nhiều trong nửa cuối năm 2020.
 
NAM SƠN (Tổng hợp)

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

(BKTO) - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh đã tiếp ông Yang Ruo Bing - Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình Luyện kim quốc tế (MCCI), trực thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201