Chủ Nhật, 5/5/2024 - 22:39:51 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Thúc đẩy đầu tư, kinh doanh bằng chính sách thuận lợi

THỨ NĂM, 02/05/2019 09:15:00 | KINH DOANH
(BKTO) - Theo Tờ trình gửi Chính phủ về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhận định, mặc dù Luật Đầu tư và Luật DN đã có nhiều cải cách theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh sau gần 4 năm thi hành, nhưng thực tiễn cho thấy, một số quy định còn thiếu tính khả thi, minh bạch và hiệu quả.

Quy định hiện hành còn nhiều bất cập

Đối với Luật Đầu tư, Bộ KH&ĐT nêu rõ, quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện còn một số nội dung chưa đầy đủ, dẫn đến cách hiểu không thống nhất trong quá trình thực hiện; chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ việc đề xuất sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Cùng với Luật Đầu tư, một số luật có liên quan chưa có công cụ cần thiết để sàng lọc, thu hút nhà đầu tư thật sự có năng lực thực hiện dự án chất lượng cao, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, lao động, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường và ngăn chặn tình trạng chuyển giá, trốn thuế.  

Bên cạnh đó, các lĩnh vực, ngành, nghề ưu đãi đầu tư còn dàn trải, thiếu tính chọn lọc. Một số tiêu chí, điều kiện và hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư thiếu tính linh hoạt, chậm được đổi mới để thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy liên kết ngành, liên kết giữa DN trong nước và DN FDI. Địa bàn ưu đãi đầu tư còn dàn trải do chưa có tiêu chí xác định cụ thể; chưa có sự phân biệt ưu đãi giữa ngành sản xuất với các hoạt động thương mại, dịch vụ và giữa các ngành, nghề đầu tư khác nhau trong các khu kinh tế; chưa có cơ chế phù hợp để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn lớn nắm giữ công nghệ nguồn...

Hơn nữa, các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường chưa được quy định thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đầu tư và các luật có liên quan. Luật cũng chưa quy định cụ thể, minh bạch các lĩnh vực, ngành, nghề khuyến khích, cấm, hạn chế đầu tư ra nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài có điều kiện; một số quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư và thực hiện dự án đầu tư ở nước ngoài chưa rõ ràng, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đối với Luật DN, thực tiễn cho thấy, quy định về việc áp dụng luật chuyên ngành liên quan đến thủ tục thành lập DN (như Luật Đấu giá, Luật Luật sư, Luật Chứng khoán…) dẫn đến sự phân tán đầu mối đăng ký thành lập DN. Một số thủ tục hành chính về đăng ký DN không còn phù hợp, không cần thiết, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho DN; một số quy định chưa rõ ràng, không tương thích với sự thay đổi pháp luật có liên quan hoặc chưa tạo thuận lợi cho cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. 

Đồng thời, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành T.Ư khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN đã đề ra chủ trương sửa đổi khái niệm DNNN. Do vậy, Luật DN cần có quy định tương ứng.

Cải thiện, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp

Theo đề xuất của Bộ KH&ĐT, Luật Đầu tư sẽ được sửa đổi 20 điều, bổ sung 2 điều, bãi bỏ 2 điểm và chia thành 4 nhóm. Thứ nhất là nhóm các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó dự kiến cắt giảm 17 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; sửa đổi 6 ngành, nghề và bổ sung 2 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Thứ hai là nhóm các quy định về ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư, trong đó bổ sung một số dự án đầu tư/hoạt động đầu tư thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư; sửa đổi, bổ sung các quy định bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật về thuế; khoa học và công nghệ; ngành, nghề ưu đãi đầu tư. Bên cạnh đó, Luật sẽ bổ sung cơ chế cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định mức ưu đãi thu nhập cao hơn để khuyến khích phát triển một ngành, địa bàn đặc biệt quan trọng hoặc dự án đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến kinh tế - xã hội. 

Thứ ba là nhóm các quy định về thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh sẽ bổ sung quy định làm rõ nguyên tắc, điều kiện và thứ tự ưu tiên áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Đồng thời, thu hẹp phạm vi dự án trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo hướng loại bỏ dự án có quy mô vốn đầu tư trên 5.000 tỷ; phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư một số dự án phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thứ tư là nhóm các quy định về đầu tư ra nước ngoài với việc bổ sung quy định về ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài; ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện; thu hẹp đối tượng phải điều chỉnh Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài...

Liên quan đến Luật DN, Bộ KH&ĐT đề xuất sửa đổi 19 điều, bãi bỏ 1 điều, 6 khoản và 2 điểm. Trong đó, Điều 3 sẽ được để áp dụng thống nhất trình tự, thủ tục đăng ký DN theo Luật DN. Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của DN thì áp dụng quy định của Luật đó. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật bãi bỏ các thủ tục đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng; báo cáo thay đổi thông tin người quản lý DN; gửi thông tin cho cơ quan đăng ký kinh doanh nơi DN đặt trụ sở chính khi thành lập chi nhánh, đặt địa điểm kinh doanh mới. 

Đồng thời với việc sửa đổi khái niệm “DNNN là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối; được tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn”, Dự thảo Luật cũng đề xuất bãi bỏ các yêu cầu về thời gian sở hữu cổ phần khi thực hiện quyền của cổ đông; sửa đổi các quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động, quản trị DN; sửa đổi các quy định cho phép DN linh hoạt trong việc chia, tách DN để nâng cao hiệu quả hoạt động và quản trị của các DN.

Nếu được thông qua, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.
 
.Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật DN còn nhằm cải thiện, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh Việt Nam. Với kết quả xếp hạng môi trường kinh doanh thứ 69/190, năng lực cạnh tranh thứ 77/140 năm 2018, Việt Nam mới ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế. Bên cạnh một số chỉ số có mức cải thiện nhanh, vẫn còn nhiều chỉ số chậm được cải thiện, thậm chí bị tụt hạng: Giải quyết phá sản DN giảm 8 bậc so với năm 2016, ở vị trí cuối bảng xếp hạng; Giao dịch thương mại qua biên giới giảm 7 bậc… Các chỉ số liên quan tới công nghệ, sáng tạo (Cách mạng công nghiệp 4.0) chậm được cải thiện khiến Việt Nam bị giảm 1 bậc về Môi trường kinh doanh, giảm 3 bậc về Năng lực cạnh tranh toàn cầu.
 
PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 17+18 ra ngày 25-4-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

(BKTO) - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh đã tiếp ông Yang Ruo Bing - Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình Luyện kim quốc tế (MCCI), trực thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201