Thứ Sáu, 26/4/2024 - 01:07:21 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Thêm điểm tựa công lý cho cộng đồng doanh nghiệp

THỨ HAI, 11/06/2018 09:05:00 | KINH DOANH
(BKTO) - Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ổn định trong khu vực và thế giới. Với những cam kết và hành động mạnh mẽ, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện cải cách theo hướng kiến tạo nhằm xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh với nhiều điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, DN, đồng thời, giúp DN làm ăn lâu dài, bền vững tại Việt Nam, trong đó có việc hoàn thiện khung pháp lý cho các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại.

VMC ra đời đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Có thể thấy, việc ban hành Nghị định số 22/2017/NĐ-CP của Chính phủ về hòa giải thương mại đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, góp phần khuyến khích việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, nâng cao hiệu quả của việc sử dụng hòa giải, đặc biệt là bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của các bên tranh chấp khi lựa chọn phương thức hòa giải. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của Việt Nam có một nghị định dành riêng cho hòa giải thương mại.

Để triển khai Nghị định này, cụ thể hóa bằng việc cung cấp dịch vụ hòa giải, ngày 28/4/2018, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã thành lập Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) và công bố Quy tắc Hòa giải VMC có hiệu lực từ ngày 01/7/2018. Ngày 29/5 vừa qua, Trung tâm VMC đã chính thức ra mắt tại Hà Nội.

Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch VIAC - sau một thời gian chuẩn bị với sự hỗ trợ của Tổ chức Tài chính thế giới (IFC) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Tư pháp, Trung tâm Hoà giải các tranh chấp thương mại đầu tiên của Việt Nam đã đi vào hoạt động.

Trước đó, trải qua trên 50 năm hoạt động trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại, VIAC đã giải quyết hàng nghìn vụ tranh chấp liên quan đến tất cả lĩnh vực thương mại như: mua bán hàng hóa, vận tải, bảo hiểm, xây dựng, tài chính, ngân hàng, đầu tư… với các bên tranh chấp đến từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Với việc ra mắt Trung tâm VMC, VIAC muốn cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp bằng hoà giải.

Hiện nay, có 4 phương thức giải quyết tranh chấp trong hoạt động thương mại đang được áp dụng, gồm: thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án. Tuy nhiên, Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 cho thấy, khi có tranh chấp thương mại, các DN Việt Nam có xu hướng lựa chọn dùng trọng tài (47%), dùng quan hệ (32%), áp lực của báo chí (14%), phương thức phi chính thức khác (4%) thay thế cho phương thức toà án truyền thống. Vì vậy, Trung tâm VMC ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của DN trong thực tiễn - ông Trần Hữu Huỳnh cho biết.

Phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế

Tại Lễ ra mắt, VIAC đã giới thiệu Ban Giám đốc cùng danh sách các hòa giải viên đợt 1 của VMC, trong đó có nhiều chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam về các lĩnh vực pháp luật và kinh tế.

Đồng thời, Bộ Quy tắc Hòa giải VMC cũng được công bố với 15 Điều, mô tả các trình tự, các bước tiến hành, các hướng dẫn cũng như các nguyên tắc bắt buộc của một thủ tục hòa giải. Theo đó, bất cứ bên nào khi có tranh chấp, dù đã có hay chưa có một thỏa thuận hòa giải, nếu mong muốn giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đều có thể thực hiện theo các hướng dẫn tại Điều 3 (Bắt đầu hòa giải khi có thỏa thuận hòa giải) và Điều 4 (Bắt đầu hòa giải khi chưa có thỏa thuận hòa giải).

Những đặc điểm chính của thủ tục hòa giải tại VMC gồm: sự đồng thuận của các bên trong suốt quá trình hòa giải; các yêu cầu về tính độc lập, vô tư, khách quan và trung thực; nguyên tắc hai tầng bảo mật. Ngoài ra, Bộ Quy tắc cũng quy định rõ vai trò của VMC trong việc điều phối, hỗ trợ và thúc đẩy thủ tục hòa giải để đảm bảo các thủ tục được vận hành tuân thủ pháp luật, linh hoạt, thân thiện, hiệu quả và mang lại sự hài lòng cho DN.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm VMC - cho biết, Bộ Quy tắc này được chắp bút bởi Tổ biên tập với sự tham gia của các chuyên gia hòa giải của IFC. Điều này giúp đảm bảo thủ tục hòa giải tại VMC đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc của thủ tục hòa giải điển hình trên thế giới. Bộ Quy tắc cũng đã được góp ý chi tiết và kỹ lưỡng từ các chuyên gia về các thủ tục tố tụng tại Việt Nam để đảm bảo thủ tục hòa giải của VMC tuân thủ các khuôn khổ của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại và có thể vận hành tốt trong thực tiễn tại Việt Nam.

Trao đổi với báo giới về xu hướng phát triển của dịch vụ hòa giải thương mại, ông Trần Hữu Huỳnh nhận định, với tinh thần hòa giải, đây luôn là một phương thức tốt, bởi một bản án tốt, một phán quyết trọng tài tốt có thể không hiệu quả bằng phương thức hòa giải với một kết quả hòa giải. Vì rõ ràng, khi đã hòa giải, các bên thường có tinh thần tự nguyện thi hành các thỏa thuận hòa giải mà không cần đến sự cưỡng chế từ phía cơ quan nhà nước như phán quyết trọng tài hay bản án của Tòa án.

Theo ông Nguyễn Sỹ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Giám đốc VMC - vấn đề giải quyết tranh chấp là một phần của môi trường kinh doanh. Môi trường kinh doanh không thể tốt đẹp nếu các tranh chấp không được xử lý. Vì vậy, việc thành lập Trung tâm VMC nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam nhìn từ góc độ giải quyết tranh chấp thương mại. Tất nhiên, kết quả giải quyết được đến đâu phụ thuộc rất nhiều vào năng lực và đạo đức của hoà giải viên cũng như sự tín nhiệm của cộng đồng DN.

PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 23 ra ngày 07-6-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

(BKTO) - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh đã tiếp ông Yang Ruo Bing - Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình Luyện kim quốc tế (MCCI), trực thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201