Thứ Sáu, 19/4/2024 - 17:38:30 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Sắp có quy định đầy đủ về việc cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập

THỨ HAI, 19/08/2019 09:50:00 | KINH DOANH
(BKTO) - Chủ trương và cơ sở pháp lý để chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thành công ty cổ phần đã có từ năm 2015. Nhưng cho đến nay, số đơn vị được cổ phần hoá (CPH) mới chỉ có 0,09% trên tổng số ĐVSNCL của cả nước. Bộ Tài chính cho biết, quý IV năm nay, Bộ sẽ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định mới nhằm thúc đẩy tiến độ CPH các đơn vị này.

Tại sao mới chỉ có 0,09% ĐVSNCL được cổ phần hóa?

Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) - cho biết: Cả nước hiện có khoảng 58.000 ĐVSNCL với hơn 2,5 triệu lao động. Sau vài năm thực hiện cơ chế chuyển đổi ĐVSNCL sang công ty cổ phần, đến cuối năm 2018, mới chỉ có gần 50 ĐVSNCL được CPH, chưa đạt 0,09% số đơn vị đang hoạt động.

Thực tế, sau khi ĐVSNCL chuyển thành công ty cổ phần, có DN đã thành công hơn về mặt tài chính. Đơn cử như Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp Đồng Văn 3, tỉnh Hà Nam. Khi CPH vào năm 2016, lợi nhuận của DN này chỉ là 669 triệu đồng, nhưng đến năm 2018, lợi nhuận đã đạt 60,8 tỷ đồng, tăng 87 lần. Thu nhập của người lao động năm 2018 đạt 9,3 triệu đồng/người/tháng, trong khi năm 2016 chỉ là 5,5 triệu đồng. Một ví dụ khác, Công ty Quản lý các bến xe khách Hải Dương, tỉnh Hải Dương sau 2 năm chuyển đổi, doanh thu năm 2018 tăng thêm 2 tỷ đồng, lên 7,6 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 579 triệu đồng (năm 2016 lợi nhuận chỉ có 121 triệu đồng). Bình quân thu nhập của người lao động cũng tăng từ 5 triệu đồng lên 7 triệu đồng/người/tháng. Cùng với việc tăng doanh thu, nhiều ĐVSNCL sau khi chuyển đổi đã đa dạng hóa được dịch vụ. Khi còn là ĐVSNCL, đơn vị chỉ cung cấp dịch vụ trong phạm vi của tỉnh, nhưng khi chuyển sang công ty cổ phần, đơn vị đã trúng thầu ở địa phương khác. 

Giải thích nguyên nhân tại sao có quá ít ĐVSNCL được CPH, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng: ĐVSNCL được CPH phải thuộc diện tự chủ về chi thường xuyên, hoặc cả chi thường xuyên và đầu tư. Cùng với đó, ĐVSNCL muốn chuyển sang công ty cổ phần phải thuộc danh mục và phương án chuyển đổi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hơn nữa, vấn đề lớn nhất khi CPH ĐVSNCL là việc sắp xếp, xử lý nhà, đất, nhưng những nội dung này lại chưa có hướng dẫn. Mặt khác, Nhà nước cũng chưa có quy định chặt chẽ về nghĩa vụ tiếp tục cung cấp dịch vụ công đối với DN chuyển đổi từ ĐVSNCL, trong trường hợp các đơn vị này không tiếp tục cung cấp dịch vụ công hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; chưa quy định cơ chế giám sát, tổng hợp báo cáo về tình hình cung cấp dịch vụ công của các DN; chưa quy định hết đối tượng ĐVSNCL có khả năng chuyển đổi thành công ty cổ phần như: ĐVSNCL thuộc các cơ quan chuyên môn của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh; chưa có hướng dẫn xử lý một số nội dung tài chính đặc thù của ĐVSNCL hay chưa có quy định về bán toàn bộ phần vốn nhà nước hiện có tại ĐVSNCL hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ…

Những điều kiện để ĐVSNCL được cổ phần hóa

Để khắc phục các vướng mắc trong quá trình chuyển đổi ĐVSNCL và đẩy nhanh tiến độ CPH ĐVSNCL, quý IV năm nay, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về vấn đề này. 

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất 3 điều kiện mà ĐVSNCL cần đáp ứng để chuyển thành công ty cổ phần, bao gồm: tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư hoặc tự đảm bảo chi thường xuyên trong năm gần thời điểm thực hiện chuyển đổi nhất; vẫn đang còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị ĐVSNCL; thuộc danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển ĐVSNCL thành công ty cổ phần do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ và giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh phê duyệt phương án chuyển đổi để giảm thủ tục, thời gian thực hiện.

Cũng theo Dự thảo, các hình thức chuyển đổi ĐVSNCL, bao gồm: giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại ĐVSNCL, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; bán một phần vốn nhà nước hiện có tại ĐVSNCL hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại ĐVSNCL hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Ông Đặng Quyết Tiến cho biết thêm:  Dự thảo Nghị định quy định, các ĐVSNCL trong lĩnh vực y tế, giáo dục chưa thuộc diện chuyển đổi thành công ty cổ phần, vì bệnh viện và trường học cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Tuy nhiên, đơn vị nào đủ điều kiện và xung phong CPH thì cơ quan quản lý rất hoan nghênh. Riêng các cơ sở y tế, giáo dục thuộc các tập đoàn, tổng công ty sẽ được CPH khi tập đoàn và tổng công ty thực hiện việc này. Đây là trường hợp đã thực hiện tại Bệnh viện Dệt may thuộc Tập đoàn Dệt may; Viện Nghiên cứu của Tập đoàn Cao su cũng đang tiến hành CPH cùng Tập đoàn. 

Ông Tiến nhấn mạnh: Khi xây dựng Nghị định, cơ quan soạn thảo đặc biệt chú trọng việc xử lý căn cơ về vấn đề đất đai cho các đơn vị thuộc diện chuyển đổi. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp này phải có phương án sử dụng đất cụ thể khi thực hiện phương án CPH. Sau khi CPH, các công ty cổ phần phải sử dụng đất đúng mục đích đã được phê duyệt. Chẳng hạn, trường nghề sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần nếu vẫn dạy nghề thì diện tích đất sử dụng phải phục vụ chính cho việc dạy nghề. Trường hợp diện tích đất, tòa nhà phục vụ cho đào tạo nghề còn dư thì có thể cho thuê, nhưng không thể chỉ dành 10% diện tích cho đào tạo nghề còn lại 90% là cho thuê. Trường hợp ĐVSNCL sau khi CPH không cung cấp dịch vụ công nữa thì đất đai phải được thu lại để giao cho địa phương quản lý và đấu giá.

Theo ông Tiến, ĐVSNCL sau khi chuyển đổi sang DN phải đảm bảo hiệu quả hoạt động và quyền lợi của người lao động. Do đó, tại Dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất người lao động được mua cổ phần với giá ưu đãi. Đặc biệt, người lao động là chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn cao thì được mua thêm cổ phần. 

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định còn đề xuất các chính sách liên quan đến việc xác định giá trị ĐVSNCL, việc quản lý, sử dụng tiền thu từ quá trình chuyển đổi, quyền hạn và trách nhiệm của các bên liên quan khi tổ chức thực hiện chuyển đổi…

THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 33 ra ngày 15-8-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

(BKTO) - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh đã tiếp ông Yang Ruo Bing - Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình Luyện kim quốc tế (MCCI), trực thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201