Thứ Sáu, 26/4/2024 - 02:05:51 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Sàng lọc dự án FDI trong xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam

THỨ HAI, 29/07/2019 08:40:00 | KINH DOANH
(BKTO) - Tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019: Kết quả và Góc nhìn diễn ra tại Hà Nội mới đây, các chuyên gia đã phân tích về những khía cạnh, vấn đề xoay quanh sự chuyển dịch của các nhà đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc và của cả các nhà đầu tư Trung Quốc sang Việt Nam.

Việt Nam là điểm đến được nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn

Theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang trong bối cảnh tương đối thuận lợi. 

Có ý kiến cho rằng việc gia tăng FDI vào Việt Nam là do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhưng theo ông Nguyễn Anh Dương, đây không phải là yếu tố duy nhất, mạnh nhất. Bởi ngay cả khi chưa có chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chúng ta đã chứng kiến xu hướng Thái Lan +1, Trung Quốc +1, có nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài cần một cơ sở ngoài Thái Lan, ngoài Trung Quốc để đa dạng hóa cơ sở đầu tư, tránh rủi ro đối với chuỗi giá trị. Tất nhiên, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ là yếu tố để họ đẩy nhanh hơn quá trình chuyển dịch này. Như vậy có thể thấy, những chiến lược của nhà đầu tư ít nhiều đã có sự định hướng sang Việt Nam từ trước. Lý do tiếp theo là Việt Nam có những yếu tố rất quan trọng, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đi vào thực hiện từ tháng 01/2019, ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, bởi nếu không đến Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường CPTPP.

Một vấn đề được các nhà phân tích chính sách trong khu vực đặt ra: Việt Nam không phải là nước duy nhất trong khu vực tham gia CPTPP, không phải là nước duy nhất có môi trường kinh doanh tương đối cạnh tranh, vậy tại sao rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam để đầu tư mà không phải là Malaysia, Indonesia…? Trả lời cho câu hỏi này, ông Dương phân tích, Việt Nam không phải là nước có môi trường kinh doanh tương đối cạnh tranh nhất, nhưng Việt Nam lại là nước có môi trường kinh doanh được cải thiện nhanh nhất. Vì thế, nếu nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam thì lợi thế trong tương lai sẽ lớn hơn rất nhiều.

Mới đây nhất, Báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN ở Đông Á đánh giá việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và cách quản lý của Việt Nam đứng thứ 4 khu vực, ngang bậc với Thái Lan, chỉ dưới Singapore và Malaysia. Điều đó chứng tỏ những nỗ lực về cải cách văn bản quy phạm pháp luật, cắt giảm điều kiện kinh doanh trong thời gian qua được khu vực đánh giá tương đối cao. Từ góc độ của các nhà đầu tư, đây cũng là những yếu tố rất quan trọng. Một lý do nữa khiến các nhà đầu tư chọn Việt Nam là Chính phủ Việt Nam có cam kết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cam kết này được đảm bảo bởi môi trường chính trị ổn định. Từ góc độ đó, Việt Nam tương đồng nhất với Trung Quốc. Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài muốn rời khỏi Trung Quốc thì sang Việt Nam là một lựa chọn khá hấp dẫn.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề chuyển dịch FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM - cũng cho rằng, khi có chiến tranh thương mại, các DN sẽ tính đến chuyện phân bố lại rủi ro, đầu tư và cơ cấu sản phẩm. Vì thế, việc nhà đầu tư có xu hướng giảm đầu tư vào Trung Quốc và tăng đầu tư vào nước khác là dễ hiểu. Trong quá trình này, Việt Nam là một địa điểm được ưu tiên lựa chọn bởi chúng ta có những lợi thế.

Cần có chính sách, tiêu chí cụ thể sàng lọc dự án FDI

Tuy nhiên, nếu đặt trong bối cảnh gần đây để trả lời cho câu hỏi chúng ta có lạc quan với FDI vào Việt Nam hay không thì ông Nguyễn Anh Dương lựa chọn câu trả lời là “Không”, bởi dòng vốn FDI vào nhiều nhưng chúng ta không sàng lọc. Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị định hướng mới về thu hút FDI, các tiêu chuẩn liên quan, những lĩnh vực ưu tiên… Tuy nhiên, khi nói về ưu tiên thu hút dự án có công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, không có tác động xấu về mặt xã hội thì rất đơn giản, nhưng thực tế việc thẩm định các dự án FDI trong lĩnh vực này mất rất nhiều thời gian và chi phí nên việc sàng lọc là không dễ. Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài sang Việt Nam nhiều nhưng năng lực hấp thụ của Việt Nam chỉ có hạn. Bài học từ năm 2007-2008 cho thấy, dòng vốn FDI vào nhiều trong khi chính sách tỷ giá của Việt Nam cần phải ổn định, điều này có thể gây áp lực rất lớn đối với cung tiền và kinh tế vĩ mô. Do đó, Việt Nam phải lưu ý đến năng lực hấp thụ. Đây là vấn đề cần đặc biệt lưu ý.

Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung, chủ thể xuất khẩu hiện nay vẫn là DN FDI khi họ chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Môi trường kinh doanh Việt Nam hiện chỉ tốt với DN FDI mà chưa tốt với DN trong nước. Nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành… đã khiến cho DN trong nước không lớn được hoặc không muốn lớn. “Nếu chúng ta không thay đổi thì chỉ nhận được một phần rất nhỏ lợi ích từ sự chuyển dịch dòng vốn này” - TS. Cung nhấn mạnh và nêu vấn đề phải làm sao để trong quá trình dịch chuyển này, người Việt Nam, DN Việt Nam được hưởng lợi.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN FDI - cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay là phải sàng lọc được các dự án FDI hiệu quả, có sức lan tỏa tới các DN Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ, tham gia vào chuỗi giá trị… Muốn sàng lọc thì phải sàng lọc từ chính sách, từ những tiêu chí rất cụ thể. Khi chúng ta có chính sách sàng lọc tốt và những tiêu chí rất cụ thể thì chúng ta sẽ có thể thu hút tốt FDI. Song song với đó, để tăng khả năng hấp thụ nguồn vốn FDI, Việt Nam phải nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị thông qua sự bình đẳng trong liên kết giữa DN trong nước và DN FDI.

PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 30 ra ngày 25-7-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

(BKTO) - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh đã tiếp ông Yang Ruo Bing - Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình Luyện kim quốc tế (MCCI), trực thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201