Chủ Nhật, 5/5/2024 - 21:37:28 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước

THỨ HAI, 19/11/2018 09:25:00 | KINH DOANH
(BKTO) - Quá trình cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020 đến nay đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, như: số lượng DNNN đã giảm đáng kể, nhiều DN quy mô lớn và rất lớn đã được cổ phần hóa (CPH); thoái vốn nhà nước tại các DN đã thu về gần 160.000 tỷ đồng (gấp hơn 9 lần giá trị sổ sách)… Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động và đóng góp của một số DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực mà Nhà nước đầu tư; một số dự án thua lỗ, thất thoát vốn lớn; kết quả CPH, thoái vốn còn chậm.

Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước vẫn chưa đạt mục tiêu

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Văn Hiếu, những kết quả đạt được cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thúc đẩy tiến trình đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Thế nhưng, các DNNN đang hoạt động và đóng góp chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư và khối lượng tài sản được giao quản lý, sử dụng; những mục tiêu kế hoạch đặt ra trong CPH, thoái vốn nhà nước tại các DN vẫn chưa đạt.

Bên cạnh đó, từ những kết quả nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng, năng lực của DNNN còn hạn chế do lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh của khu vực DNNN phụ thuộc vào một vài DN lớn. Ở các ngành có mức độ cạnh tranh cao giữa các thành phần kinh tế như thương mại, xây dựng, công nghiệp chế tạo…, hiệu quả kinh doanh của DNNN rất thấp, bộc lộ những điểm hạn chế về năng lực cạnh tranh của DNNN. Hơn nữa, đối với các DN 100% vốn nhà nước, phần lớn nguồn lực tập trung vào 7 tập đoàn và hơn 60 tổng công ty, trong đó 7 tập đoàn nắm giữ tới 66% tài sản; 66,7% vốn chủ sở hữu nhà nước; tạo ra 61,7% doanh thu; 56,5% lợi nhuận trước thuế và 56,7% thu NSNN. Thế nhưng, bình quân DNNN có nợ phải trả cao gấp 3,1 lần vốn chủ sở hữu, trong khi mức trung bình của DN Việt Nam là 2,1 lần.

Còn theo Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Kinh tế T.Ư, công tác CPH, thoái vốn nhà nước tại các DN ở một số địa phương còn chậm, CPH còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, theo kế hoạch năm 2018, TP. HCM phải thực hiện CPH 39 DN, TP. Hà Nội phải thực hiện CPH 11 DN, nhưng đến nay, hai địa phương này chưa CPH được DN nào. Bên cạnh một số DN CPH không thành công thì số lượng DN thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán chưa nhiều, có tới 747 DN chưa đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu tính đến ngày 15/8/2017; việc xử lý các dự án thua lỗ, đặc biệt là 12 dự án thua lỗ của ngành công thương tuy đã đạt được kết quả bước đầu nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức. Việc thực hiện quản lý nhà nước đối với DNNN còn bất cập, trong đó có việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu từ các Bộ, ngành, địa phương về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) còn chậm, đến nay, mới tiếp nhận 24/62 DN giai đoạn 2016-2020…

Đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình mới

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, thời gian tới, CPH, thoái vốn vẫn là nhiệm vụ trọng tâm để tái cơ cấu DNNN. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, nhiệm vụ đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN đặt ra vô cùng nặng nề, đòi hỏi quyết tâm cao và các giải pháp quyết liệt, đột phá hơn.

Theo nhiều chuyên gia, có một số giải pháp căn bản cần thực hiện để thúc đẩy cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN. Trong đó, cần sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, tạo khuôn khổ và hành lang pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất; tập trung xử lý dứt điểm các dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; có chính sách ưu tiên nguồn thu từ CPH, bán vốn nhà nước, lợi nhuận Nhà nước thu về cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, có sức lan tỏa lớn và cho các ngành, lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ lâu dài…

Đồng thời, cần tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý DNNN, thúc đẩy DN niêm yết trên thị trường chứng khoán sau CPH; rà soát và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của DNNN…
Đề cập đến giải pháp thúc đẩy quá trình thoái vốn nhà nước tại các DN, ông Lê Song Lai - Phó Tổng Giám đốc SCIC - kiến nghị, cần bổ sung, sửa đổi một số quy định theo hướng hạ giá khởi điểm bán vốn; bổ sung hướng dẫn trong trường hợp đấu giá cả lô có nhiều nhà đầu tư trả giá cao nhất bằng nhau; bổ sung trường hợp được bán cả lô cổ phần… Bên cạnh đó, cần tiếp tục tách bạch quá trình bán vốn với việc thu hồi nợ; cho phép thiết lập cơ chế hợp tác mua bán nợ giữa SCIC và các tổ chức mua bán nợ trên thị trường...

Trước sự ra đời và vừa đi vào hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, đại diện Ban Kinh tế T.Ư đề xuất, cần tiếp tục kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, có các cơ chế đặc thù để Ủy ban hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm trong việc thay đổi phương thức quản lý vốn nhà nước đối với DNNN.

Để đáp ứng xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Đức Trung (CIEM) cho rằng, từ năm 2020-2025, phải hoàn thành áp dụng thông lệ quản trị DN quốc tế đối với DNNN và được các tổ chức uy tín xếp hạng, thừa nhận. Nghiên cứu của Viện năm 2018 cho thấy, xét trong quan hệ giữa DN 100% vốn nhà nước và tiềm năng tăng trưởng kinh tế, với quy mô tài sản hiện tại là trên 3,1 triệu tỷ đồng, nếu tăng hiệu quả sử dụng tài sản thêm 1% thì phần giá trị gia tăng lợi nhuận từ phần vốn nhà nước có thể tăng 0,8% đến 0,9% GDP. Do đó, các cơ quan đại diện chủ sở hữu cần áp dụng cơ chế quản trị và công cụ quản lý kinh doanh hiện đại nhằm giám sát chặt chẽ, hiệu quả, nắm được thông tin tài chính hằng ngày, thậm chí hằng giờ của từng DN, để đưa ra những quyết định phù hợp, cảnh báo rủi ro kịp thời…

PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 46 ra ngày 15-11-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

(BKTO) - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh đã tiếp ông Yang Ruo Bing - Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình Luyện kim quốc tế (MCCI), trực thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201