Chủ Nhật, 5/5/2024 - 14:54:59 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Làng nghề gỗ gặp khó khăn trong hội nhập

THỨ NĂM, 22/02/2018 10:05:00 | KINH DOANH
(BKTO) - Hiện nay, hoạt động của các hộ sản xuất kinh doanh tại một số làng nghề gỗ còn mang đậm tính tự phát, hiểu biết về các quy định pháp lý còn khiêm tốn, thiếu thông tin về cơ chế chính sách… Những hạn chế này đã và đang cản trở quá trình hội nhập của các làng nghề gỗ.

Phần lớn các hộ không đăng ký kinh doanh

Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 300 làng nghề gỗ đang hoạt động với hàng chục nghìn hộ gia đình và hàng trăm nghìn lao động. Trong những năm qua, đã có những tín hiệu thể hiện sự dịch chuyển trong việc sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu tại các làng nghề gỗ.

Cụ thể, số lượng các loài gỗ quý hiếm có rủi ro cao về tính pháp lý, nguồn gốc từ nhập khẩu giảm, trong khi các loài gỗ thân thiện với môi trường tăng. Sự dịch chuyển này là những tín hiệu tích cực, phản ánh thực trạng ngành gỗ của Việt Nam nói chung và các làng nghề gỗ nói riêng đang đi theo hướng bền vững hơn về nguồn nguyên liệu, thân thiện hơn về mặt môi trường. 

Tuy nhiên, bên cạnh những dịch chuyển tích cực, các hộ trong làng nghề vẫn đang phải đối mặt với những rủi ro, khó khăn. Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền cho biết, đến nay hoạt động của các hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề gỗ còn mang đậm tính tự phát; hiểu biết về các quy định pháp lý còn hạn chế. Đồng thời, hoạt động của các hộ tại làng nghề là hoạt động phi chính thức (chưa đăng ký kinh doanh) do chưa được công nhận một cách chính thống từ hệ thống pháp luật hiện hành. 

Thực trạng trên được thể hiện qua khảo sát của Tổ chức Forest Trend (Hoa Kỳ) tại 5 làng nghề gỗ lớn ở đồng bằng sông Hồng (Đồng Kỵ, La Xuyên, Vạn Điểm, Hữu Bằng và Liên Hà). Kết quả khảo sát cho thấy, có 74,5% số hộ không đăng kí kinh doanh, 64% số hộ không có mặt bằng sản xuất, phải sử dụng không gian sống của gia đình, 100% lao động thuê bởi các hộ là hợp đồng miệng, khoảng 90% các giao dịch giữa các hộ sản xuất và hộ cung cấp gỗ nguyên liệu, giữa hộ bán sản phẩm sau chế biến và người mua thiếu các bằng chứng về tính hợp pháp của gỗ… 

Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA) về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản được Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cơ bản thống nhất vào tháng 5/2017 có mục tiêu loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung. Hiệp định đưa ra các quy định cụ thể về tính hợp pháp của các sản phẩm gỗ, bao gồm cả các sản phẩm được sản xuất bởi các hộ thuộc làng nghề.

Điều này đòi hỏi các hộ cần đáp ứng những yêu cầu pháp lý có liên quan đến vận chuyển và buôn bán gỗ, chế biến và hoàn thành các nghĩa vụ về thuế, phí. Với thực trạng sản xuất, kinh doanh của các hộ trong làng nghề hiện nay, hầu hết các hộ tại nhiều làng nghề được khảo sát không thể đáp ứng với các quy định này.

Cần chính thức hóa hoạt động sản xuất kinh doanh

Tại Hội thảo “Làng nghề gỗ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập: Thực trạng và các lựa chọn về chính sách” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Forest Trends tổ chức mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Mạnh Hà cho biết, xu thế chung của toàn thế giới là truy xuất được nguồn gốc.

Nhờ các đàm phán về lâm nghiệp nên chúng ta chưa có thẻ vàng như hải sản. Tuy nhiên, vẫn còn phần lớn hộ sản xuất ở các làng nghề chưa đăng ký kinh doanh. Do vậy, để đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp, sau này cần kiểm soát theo đối tượng kinh doanh, chế biến, vận chuyển, bán sản phẩm…, kiểm tra, kiểm soát cả sản phẩm và người sản xuất ra sản phẩm.

Đại diện Tổ chức Forest Trends kiến nghị, lựa chọn chính sách tốt nhất cho các hộ tại các làng nghề gỗ trong bối cảnh hội nhập là chính thức hóa các hộ kinh doanh. Đây là cơ sở giúp các hộ đáp ứng được với các yêu cầu của VPA, bao gồm tuân thủ các quy định hiện hành về sử dụng nguyên liệu đầu vào, sử dụng lao động, các biện pháp bảo vệ môi trường. Đồng thời, chính thức hóa sẽ có cơ hội giúp các hộ cải thiện điều kiện làm việc, đáp ứng các yêu cầu về tính hợp pháp của sản phẩm gỗ, tạo nguồn thu cho NSNN.

Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các cam kết nhằm loại bỏ nguồn gỗ bất hợp pháp thì việc hỗ trợ các hộ chuyển đổi sang mô hình sản xuất kinh doanh chính thức là hết sức cần thiết. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, việc làm này không chỉ đòi hỏi mối quan tâm xác đáng và các ưu tiên của Chính phủ mà còn cần sự nỗ lực, phát huy vai trò quan trọng từ phía cộng đồng quốc tế, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cộng đồng DN và bản thân các hộ sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề gỗ hiện nay.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 06 ra ngày 08-02-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

(BKTO) - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh đã tiếp ông Yang Ruo Bing - Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình Luyện kim quốc tế (MCCI), trực thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201