Thứ Sáu, 17/5/2024 - 16:46:45 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Hướng tới tín dụng nông nghiệp bền vững tại Việt Nam

THỨ NĂM, 24/03/2016 11:00:00 | KINH DOANH
(BKTO) - Tín dụng nông nghiệp được xem như chìa khóa để phát triển nông nghiệp và khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những năm qua nguồn tín dụng được đưa vào nông nghiệp rất ít và người nông dân rất khó tiếp cận. Tìm giải pháp cho vấn đề này, vừa qua, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp cùng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị “Hướng tới tín dụng nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - từ nghiên cứu cho tỉnh Lâm Đồng”.


Dự án thúc đẩy tín dụng nông nghiệp sẽ triển khai thí điểm tại Lâm Đồng. Ảnh: TS

Nguồn tín dụng mới đáp ứng được 50% nhu cầu

Ngành nông nghiệp có vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam. Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 17,4% trong GDP nhưng ngành nông nghiệp thu hút trên 50% lực lượng lao động cả nước, kim ngạch xuất khẩu nông – lâm - thủy sản năm 2015 đạt 30,45 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 18,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Dù có vị trí quan trọng như vậy, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, những chính sách về tín dụng đối với lĩnh vực này vẫn chưa phát huy hiệu quả tướng xứng.

Từ kết quả khảo sát tại tỉnh Lâm Đồng, ông Mori Mutsuya - Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam nhận định, Lâm Đồng là một trong những địa phương tiên phong trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đang là địa phương dẫn đầu cả nước về mức độ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông sản. Tuy nhiên, sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp tại đây chưa thực sự bền vững, giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp thấp. DN nông nghiệp và nông dân có nguyện vọng mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư trên diện tích, quy mô lớn, nhưng lại thiếu nguồn vốn. Qua khảo sát, những người nông dân chuyển từ trồng cà phê sang trồng hoa có thu nhập cao gấp 9 lần. Dù vậy, do không có đủ nguồn vốn nên nhiều nông dân không thể đầu tư nhà kính, cơ sở vật chất để tiếp tục mở rộng sản xuất. Vì vậy, việc cung cấp dịch vụ tín dụng đảm bảo nguồn vốn đầu tư cơ sở thiết bị lâu dài, đẩy mạnh chuỗi giá trị nông nghiệp là rất cần thiết.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, nông nghiệp nông thôn là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên và chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn đối với lĩnh vực này. Tăng trưởng tín dụng bình quân đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011 – 2015 là 17,39%/năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (13,51%). Đến cuối năm 2015, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc đạt 843.795 tỷ đồng, tăng 13,32% so với năm 2014.

Tuy nhiên, đứng trên bình diện chung của việc tiếp cận tín dụng tại nông thôn, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn, đánh giá: Hiện chỉ có khoảng 50% người dân tiếp cận được tín dụng và nguồn tín dụng cũng mới đáp ứng được 50% nhu cầu vốn đầu tư; 65% DN cho rằng thiếu vốn là vấn đề cản trở trong sản xuất kinh doanh, 40% DN cho rằng cần loại bỏ các thủ tục quan liêu…

Thêm nguồn tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp

Trở lại vấn đề thiếu vốn của người nông dân Lâm Đồng, ông Mori Mutsuya cho biết, người nông dân Malaysia đã xuất khẩu rau sang Singapore và mỗi 1 ha, doanh thu cao hơn gấp 10 lần so với Lâm Đồng. Mặc dù để tăng lên gấp 10 lần như vậy, người nông dân cũng chịu nhiều thách thức nhưng không phải là không thể thực hiện được.

Để giúp người nông dân tháo gỡ vướng mắc trong vấn đề vốn sản xuất, đại diện JICA đã đề xuất khung Dự án thúc đẩy tín dụng nông nghiệp bền vững ở Việt Nam nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu cao nhất là tăng cường chuỗi giá trị của nông sản. Theo đó, Lâm Đồng sẽ là tỉnh thực hiện thí điểm ở hai sản phẩm trọng điểm gồm rau và hoa. Nếu thành công, Dự án sẽ được triển khai rộng ra các địa phương khác, tập trung vào từng thế mạnh riêng. Chương trình hỗ trợ này sẽ hướng đến những người vay là các DN, hợp tác xã, nông dân sản xuất quy mô vừa và lớn và có điều kiện tiếp cận tín dụng chính thức. Các hạng mục vay đủ điều kiện gồm: vốn lưu động (vay ngắn hạn dưới 01 năm) về giống, phân bón; đầu tư thiết bị (vay dài hạn 07-10 năm) sử dụng cho cải thiện mặt bằng, thiết bị sản xuất, thiết bị sau thu hoạch, dây chuyền chế biến, nhà kho, phương tiện vận chuyển… Quy mô khoản vay tối đa gồm 100 tỷ đồng cho vay dài hạn, 20 tỷ đồng cho vay ngắn hạn. Trong đó, tỷ lệ tài trợ từ khoản vay ODA tối đa 85%, từ vốn của tổ chức tín dụng tối thiểu 15%.

Dự án tín dụng được triển khai có những điểm mới về tài sản đảm bảo với các khoản vay ưu đãi bớt điều kiện ngặt nghèo, đăng ký vay vốn với kế hoạch kinh doanh khả thi… Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị sẽ được phát triển cho từng nhóm hoạt động (sản xuất, sau thu hoạch, công tác thị trường, phân phối…). Dựa trên các tiêu chuẩn này, việc lập kế hoạch kinh doanh sẽ khả thi hơn, nhờ vậy, ngân hàng sẽ định giá tài sản đảm bảo cao hơn trong quá trình đăng ký vay vốn hoặc thanh lý, phát mãi.

Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động của Dự án sẽ tạo ra cú hích thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp, đồng thời giúp cho tín dụng trong nông nghiệp tiếp cận được những cách làm tiên tiến. Đồng thời, đây là hướng đi mới cho việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

THANH TÙNG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

(BKTO) - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh đã tiếp ông Yang Ruo Bing - Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình Luyện kim quốc tế (MCCI), trực thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201