Thứ Sáu, 26/4/2024 - 05:37:13 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Hướng tới Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3): Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

THỨ TƯ, 20/02/2019 09:40:00 | KINH DOANH
(BKTO)- Xác định quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam là nhân tố trọng tâm của quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa, cả hệ thống chính trị đã và đang tích cực vào cuộc để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Những động thái này càng được thể hiện rõ ràng hơn trước thềm Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3).

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều khó khăn

Theo đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương (T.Ư) Đảng, trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và đoàn thể nhân dân quan tâm và đạt được một số kết quả bước đầu, song thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe, an toàn và tính mạng của người tiêu dùng. Nếu tình trạng này, không sớm được khắc phục, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhân dân, mà còn suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
 

Công tác bảo vệ người tiêu dùng ngày càng được quan tâm- Ảnh: Q.ANH

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém là do các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ và lãnh đạo, chỉ đạo chưa sâu sát, quyết liệt. Năng lực thực thi pháp luật, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa có giải pháp căn cơ, hữu hiệu để ngăn chặn vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng nâng cao khả năng tự bảo vệ. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật chưa đạt yêu cầu, hiệu quả kém. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, hỗ trợ, giải quyết yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng, xử lý vi phạm pháp luật còn nhiều hạn chế; chưa huy động hiệu quả các nguồn lực và các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Do đó, Ban Chấp hành T.Ư Đảng vừa ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (Chỉ thị).

Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, Chỉ thị số 30 khẳng định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Những chuyển động từ thực tế

Đảm nhiệm vai trò đại diện cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, những năm qua, đặc biệt là trong vài năm trở lại đây, Bộ Công Thương đã liên tục thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng trực tiếp tham gia công tác này. Đáng chú ý, năm 2017, Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được kiện toàn theo hướng nâng cấp công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lên một tầm cao mới, thống nhất đầu mối quản lý và thực thi các chính sách, xử lý hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh, xâm phạm đến quyền lợi người tiêu dùng.

Cùng với đó, Bộ đã chủ động ban hành các kế hoạch, chương trình hành động thiết thực để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Minh chứng tiêu biểu là việc thực hiện chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3) trong suốt những năm gần đây.
 

DN hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam- Ảnh: Q.ANH

Tại nhiều địa phương trên cả nước, Thực hiện Quyết định số 1997/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2016-2020, nhiều tỉnh, thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn đến năm 2020. Trong đó, mỗi địa phương đều giao nhiệm vụ cho Sở Công Thương phối hợp, hướng dẫn các sở, ban, ngành, các tổ chức xã hội, DN tổ chức, thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng theo chủ đề do Bộ Công Thương phát động…

Tăng cường giải pháp bảo vệ người tiêu dùng từ năm 2019

Chủ động trong công tác triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2019, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 9266/KH-BCT, trong đó nêu rõ chủ đề tổ chức các hoạt động hưởng ứng là “Kinh doanh lành mạnh- Tiêu dùng bền vững”. Trong đó, Kế hoạch đặc biệt tăng cường các sự kiện tri ân người tiêu dùng; đẩy mạnh tuyên truyền, bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới, giao dịch qua các trang mạng xã hội…
 

Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại-
Ảnh: Q.ANH

Đặc biệt, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng vừa thông báo số điện thoại đường dây nóng (0945131911) tiếp nhận thông tin tố giác hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hành vi gian lận thương mại; các thông tin phản ánh về đạo đức công vụ...

Để nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ năm 2019, Chỉ thị của Ban Bí thư đã nhấn mạnh 06 nhóm giải pháp cụ thể, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp phải thực hiện nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
 

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua sản xuất và kinh doanh hàng chính hãng- Ảnh: Q.ANH

Cụ thể là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; phát huy vai trò tiên phong, giám sát của chi bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng; Đẩy mạnh xã hội hoá, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong các hoạt động hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng trong khuôn khổ ASEAN và quốc tế.

QUỲNH ANH

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

(BKTO) - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh đã tiếp ông Yang Ruo Bing - Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình Luyện kim quốc tế (MCCI), trực thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201