Chủ Nhật, 28/4/2024 - 07:23:03 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Hải Phòng: Quy định thu phí chưa hợp lý làm khó doanh nghiệp

THỨ NĂM, 16/02/2017 11:15:00 | KINH DOANH
(BKTO) -Vừa vặn tròn 2 tháng sau ngày HĐND TP.Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 148/2016/NQ-HĐND về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng, ngày 13/02, Diễn đàn Kinh tế tư nhân đã tiếp tục nhóm họp cùng các Hiệp hội DN, ngành hàng liên quan nhiều đến xuất - nhập khẩu để trao đổi tình hình, cập nhật thông tin về những phản hồi của các DN trước mức phí được cho là quá cao, gây “sốc” đối với DN mà TP. Hải Phòng đưa ra.


TP. Hải Phòng đã áp dụng hình thức thu phí theo Nghị quyết 148 dù gặp phải nhiều ý kiến phản đối từ DN. Ảnh: TS

DN “sốc” với mức phí mới

Nghị quyết số 148 nêu trên quy định mức phí áp dụng từ ngày 01/01/2017 đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu là 250 nghìn đồng/container 20 feet; 500 nghìn đồng/container 40 feet và 20 nghìn đồng/tấn hàng lỏng, rời - trong khi Quyết định 152/QĐ-UBND năm 2015 của UBND TP. Hải Phòng áp dụng trước đó quy định là không thu phí. Đối với hàng tạm nhập, tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, Nghị quyết 148 quy định loại hàng khô thu 2,2 triệu đồng/container 20 feet và 4,4 triệu đồng/container 40 feet; loại hàng lạnh thu 2,3 triệu đồng/container 20 feet và 4,8 triệu đồng/container 40 feet (mức cũ theo Quyết định 152/QĐ-UBND lần lượt là 1,3 triệu đồng và 2,6 triệu đồng; 1,6 triệu đồng và 3,2 triệu đồng)… Ngay sau khi Nghị quyết có hiệu lực, quy định này lập tức vấp phải làn sóng phản ứng của các DN trong nước và của cả các DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, bởi mức phí mà TP. Hải Phòng đưa ra quá “khủng”. Hàng loạt các Hiệp hội: Dệt may, Bông sợi, Da giày - túi xách, Thủy sản, Logistics… và tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phải gửi công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Hải Phòng tạm dừng Nghị quyết số 148.

Theo phản ánh của các Hiệp hội, với mức thu như Nghị quyết 148 thì chi phí phát sinh mỗi năm của DN sẽ lên tới hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng. Hiệp hội Dệt may cho biết, nếu giải sử áp dụng mức thu trên cho năm 2016 thì Tổng công ty May 10 sẽ phát sinh chi phí 2,18 tỷ đồng; Tổng công ty Dệt may Hà Nội khoảng 686 triệu đồng; May Tinh Lợi trên 2,2 tỷ đồng; May Hưng Yên khoảng 473 triệu đồng; may Đức Giang khoảng 5 tỷ đồng. Đại diện của Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cũng cho biết, nếu như trước đây DN Nhật Bản chỉ phải chi 4 triệu đồng tiền phí cho 1 container 40 feet xuất - nhập khẩu thì nay theo quy định mới, chỉ riêng đoạn đường nối từ cao tốc vào cảng, DN đã phải chịu phí 500 nghìn đồng/container 40 feet. “DN Nhật Bản không thể chịu được mức phí này” - đại diện Hiệp hội nhấn mạnh.

Trong văn bản do ông Trần Anh Vương - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân gửi lên Thủ tướng cho biết: “Tổng mức thu phí cửa khẩu cảng biển dự kiến của Hải Phòng năm 2017 là 1.500 tỷ đồng, nhưng theo số liệu tính toán nhanh của các Hiệp hội DN sau những ngày đầu áp dụng thu phí thì năm 2017, Hải Phòng sẽ thu ít nhất 2.300 tỷ đồng”.

Cơ sở ban hành Nghị quyết còn nhiều lỗ hổng?

Cùng với việc nêu ra vấn đề kết cấu và mức đóng chưa hợp lý dẫn đến phí chồng phí làm gia tăng gánh nặng cho DN, đại diện Hiệp hội DN, ngành hàng đều đặt ra câu hỏi: “TP. Hải Phòng đưa ra mức thu phí mới dựa trên cơ sở nào?”. Hiện DN đã phải chịu các phí: Vận chuyển, D/O, handling, vệ sinh container, THC, CIC, CB Lissur, cân tải trọng container, Ex doc… tại khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng. Các phí này được DN nộp thông qua các công ty được TP. Hải Phòng cho kinh doanh dịch vụ cầu cảng, kho bãi có sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng ở khu vực cảng biển. Trong khi đó, theo thẩm quyền, TP. Hải Phòng chỉ được quy định và thu phí đối với các hạng mục đầu tư của địa phương mà không thuộc diện do T.Ư quản lý và thu phí; do các đơn vị kinh doanh dịch vụ tại khu vực cảng biển được Nhà nước cho phép tính thành giá dịch vụ. Các DN cho rằng, mức phí mới ban hành là quá cao, trong khi Hải Phòng không làm rõ các thành phần kết cấu phí, không lý giải mức thu so với chi phí cần bù đắp như quy định tại điều 8, Luật Phí và lệ phí năm 2015.

Một số điểm đáng lưu ý khác được các DN nêu ra, Hải Phòng đã vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 do không thực hiện việc đánh giá tác động và lấy ý kiến các đối tượng có liên quan đối với Dự thảo Nghị quyết, không đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Thành phố tối thiểu 30 ngày cho các bên góp ý kiến. Thời điểm ban hành Nghị quyết vào cuối năm trước và có hiệu lực ngay từ đầu năm sau là không hợp lý khi các DN xuất - nhập khẩu đều đã đàm phán, ký kết hợp đồng với các đối tác khiến DN “trở tay” không kịp. Hải Phòng thực thi Nghị quyết khi chưa bố trí đủ hoặc hợp lý các nguồn lực thực hiện, mọi việc đều thực hiện thủ công gây bất cập cho DN. Theo khảo sát nhanh từ các Hiệp hội DN, để thực hiện xong việc nộp phí/1 lần thông quan, mỗi DN phải bố trí ít nhất 1 nhân viên chuyên trách mà mất khoảng 90 phút để hoàn tất nộp phí. Do thu phí theo thời gian hành chính, nên nếu việc nộp phí diễn ra cuối ngày, DN còn phát sinh chi phí lưu kho, bãi ít nhất 1 đêm (ít nhất có xác suất 18,75% DN làm thủ tục ở Hải Phòng bị lưu kho, bãi qua 1 đêm)…

Tiếp nhận kiến nghị của các Hiệp hội, tổ chức, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến của 5 Bộ liên quan, cùng ý kiến từ phía Hải Phòng và cộng đồng DN để tìm hướng giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian chờ đợi quyết định cuối cùng của Thủ tướng, Diễn đàn Kinh tế tư nhân dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp mời đại diện của các Bộ liên quan và Hải Phòng để cập nhật tình hình, phản ánh của các DN trong vài ngày tới.
QUỲNH ANH

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

(BKTO) - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh đã tiếp ông Yang Ruo Bing - Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình Luyện kim quốc tế (MCCI), trực thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201