Thứ Năm, 02/5/2024 - 12:17:35 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

EI Nino gây tổn thất lớn đối với nền nông nghiệp

THỨ HAI, 05/11/2018 08:55:00 | KINH DOANH
(BKTO) - Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam là nước đã và đang chịu nhiều tác động bất lợi về thời tiết do hiện tượng El Nino gây ra. Nếu không sẵn sàng các kế hoạch ứng phó, El Nino sẽ là một cú sốc ảnh hưởng tới nông nghiệp - lĩnh vực kinh tế quan trọng, chiếm hơn một nửa GDP và chiếm 2/5 lực lượng lao động của Việt Nam.

El Nino gây thiệt hại 3,6 triệu USD cho nông nghiệp

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, trong đó, những diễn biến thiên tai cực đoan như: hạn hán, mưa lũ… ngày càng có xu hướng gia tăng về tần suất. Các đợt mưa lũ đã làm nhiều người thương vong, gây thiệt hại lớn về tài sản; hạn hán xâm nhập mặn kéo dài từ năm 2014-2016, gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên; bão trên Biển Đông cũng xuất hiện nhiều hơn và có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng nặng nề đối với ngành nông nghiệp. Chỉ tính riêng năm 2016, thiên tai làm cho Việt Nam thiệt hại 1,7 tỷ USD, chiếm gần 1% GDP.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, đến nay, tỷ lệ thiệt hại về người và vật chất do thiên tai gây ra có giảm so với năm ngoái. Cụ thể, đến cuối tháng 10/2018, thiệt hại về vật chất là 15.000 tỷ đồng; năm 2017 là 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hầu hết các nhà khoa học dự báo, nhiều khả năng Việt Nam sẽ phải đối mặt với một đợt El Nino trước mùa đông năm 2018-2019 và sẽ tác động trực tiếp đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, đặc biệt sẽ gây ảnh hưởng đến vụ đông xuân. 
 

Nông nghiệp Việt Nam sẽ chịu nhiều tổn thất bởi hiện tượng El Nino nếu không có các kế hoạch ứng phó - Ảnh: HOÀNG TÂM   

Báo cáo về tăng cường tính chống chịu của hệ thống nông nghiệp, thực phẩm trước các tác động của El Nino - Dao động phương Nam (ENSO) - do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây cho thấy, Việt Nam có nhiều khả năng bị tác động bởi các cú sốc về khí hậu do ENSO gây ra. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 7 trong số các quốc gia dễ bị thiên tai nhất trên thế giới với hơn 13.000 người tử vong và tổn thất tài sản trị giá 6,4 tỷ USD trong vòng hơn 2 thập kỷ qua. Trong đó, El Nino, hạn hán và xâm nhập mặn trong giai đoạn năm 2014-2016 đã gây thiệt hại lớn. Riêng đối với ngành nông nghiệp, thủy sản đánh bắt và nuôi trồng, thiệt hại ước tính khoảng 3,6 triệu USD. Cụ thể, đợt El Nino diễn ra vào tháng 3/2016 đã ảnh hưởng trực tiếp, làm sản lượng thủy sản giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Những mô phỏng cho thấy, các hộ gia đình ở nông thôn chứng kiến sự sụt giảm 3,5% về phúc lợi khi có El Nino cường độ mạnh; một đợt El Nino cường độ mạnh cũng khiến cho tỷ lệ nghèo quốc gia tăng thêm 1,9%; phụ nữ là đối tượng dễ bị tổn thương bởi El Nino. Thực tế, tỷ lệ hộ gia đình do phụ nữ làm chủ lâm vào cảnh nghèo trong các đợt El Nino cường độ mạnh đã tăng 2,7%. 

Can thiệp bằng chính sách để giảm thiệt hại từ El Nino

Trước thực trạng trên, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực đầu tư về hạ tầng và nâng cao năng lực nhận thức của cộng đồng trong công tác giảm nhẹ rủi ro, phòng chống thiên tai; đồng thời, tiến hành cải thiện, nâng cao năng lực của hệ thống chính sách, nhằm huy động, phát huy mọi nguồn lực và sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân trong phòng chống thiên tai, đặc biệt là việc tăng cường tính chống chịu các hiện tượng bất thường của thời tiết như El Nino.

Mặc dù vậy, chuyên gia kinh tế trưởng về nông nghiệp của WB - ông William R.Sutton - cho rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều điểm có thể cải thiện để làm tốt hơn nữa công tác phòng ngừa và chống chịu hiện tượng El Nino. Cụ thể, Việt Nam có thể xây dựng chiến lược cũng như chính sách phòng ngừa các thảm họa khởi phát chậm liên quan đến El Nino. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực của cán bộ và tổ chức cũng như sự hợp tác giữa các cơ quan thuộc chính phủ, chủ động về nguồn ngân sách, lập kế hoạch kịp thời đối phó với các hiện tượng thời tiết bất thường. 

Ông William R.Sutton khuyến cáo, Việt Nam có thể thực hiện một số biện pháp can thiệp bằng chính sách để giảm thiểu thiệt hại từ El Nino, đó là dùng các giống cây trồng chịu hạn, bổ sung thêm hệ thống tưới tiêu cũng như các biện pháp can thiệp vào thị trường như cấm xuất khẩu gạo trong thời kỳ El Nino và tiến hành phân phối lương thực dự trữ. Cùng với đó là các biện pháp hỗ trợ về mặt xã hội như trợ cấp tiền mặt cho các hộ gia đình nghèo, bị tổn thất do thiên tai gây ra. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có cơ quan điều phối cho các hoạt động dự phòng, bao gồm thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý thiên tai, do đó, hình thành cơ quan dự phòng hiện tượng El Nino là việc làm cấp thiết. Đồng thời, Việt Nam cũng cần xây dựng và hình thành khả năng dự báo thời tiết, khí hậu theo địa phương và chuyển những dự báo đó thành những thông tin hữu ích tới người nông dân và cán bộ kỹ thuật có thể sử dụng.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 44 ra ngày 01-11-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

(BKTO) - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh đã tiếp ông Yang Ruo Bing - Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình Luyện kim quốc tế (MCCI), trực thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201