Thứ Tư, 8/5/2024 - 10:47:19 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Doanh nghiệp cần tận dụng các hiệp định thương mại tự do để nhanh chóng phục hồi

THỨ BẢY, 20/08/2022 17:30:29 | KINH DOANH
(BKTO) - Với mạng lưới gồm 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được thực thi đã đem đến nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp (DN) Việt. Do đó, các DN cần chủ động tận dụng tối đa các cơ hội do các FTA mang lại để thúc đẩy nhanh hơn quá trình phục hồi.

 
Chia sẻ tại Diễn đàn “Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của DN phục hồi và phát triển bền vững” do Tạp chí Diễn đàn DN, thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào chiều 19/8, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi với nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, quý II/2022, tăng trưởng GDP đạt 7,72%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được đảm bảo…
 

Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: Tạp chí Diễn đàn DN


Mặc dù vậy, theo ông Phòng, một kết quả khảo sát gần đây của VCCI cho thấy cộng đồng DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, có tới 92% DN (bao gồm cả DN tư nhân trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài) cho biết bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Hầu hết các DN trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề tại các địa phương đều phải đối mặt với những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra như khó tiếp cận khách hàng (60% DN), thiếu hụt nguồn lao động (53% DN), mất cân đối dòng tiền (52% DN), đứt gãy chuỗi cung ứng (52% DN)… Những khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh đã ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh của DN.

Trong bối cảnh DN đang gặp nhiều khó khăn như vậy, ông Phòng cho biết, Chính phủ đang hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, nhằm hỗ trợ các DN Việt Nam phục hồi, phát triển bền vững cả về số lượng, chất lượng, thực sự trở thành lực lượng quan trọng góp phần đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo ông Phòng, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, mỗi doanh nhân, DN cũng cần sẵn sàng đối mặt với những thách thức, chủ động nắm bắt, chắt chiu từng cơ hội đổi mới sáng tạo, có phương án đón đầu xu hướng kinh doanh mới để xây dựng uy tín, thương hiệu của DN Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế.

Đồng quan điểm trên, chia sẻ định hướng để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong việc khai thác và mở rộng thị trường quốc tế, ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam đã ký kết và thực thi 15 FTA, các FTA này mang đến nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho các DN Việt nhờ các cam kết về cắt giảm thuế quan. Do đó, các DN cần chủ động, tích cực hơn trong việc tìm hiểu, đón bắt các cơ hội, lợi thế do các FTA mang lại để thúc đẩy nhanh hơn quá trình phục hồi của DN sau đại dịch.
 

Ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Công Thương phát biểu. Ảnh: Tạp chí Diễn đàn DN


Theo đó, DN cần đặc biệt chú ý đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, bởi đây là một yêu cầu rất nghiêm ngặt trong các FTA và là điều kiện để DN Việt được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa ra thị trường các nước. Đồng thời, DN cần khai thác cơ hội ở các thị trường mà Việt Nam đã có FTA, nhất là những thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ… theo nhiều hướng khác nhau.

Bên cạnh đó, DN cần liên kết chặt chẽ trong các chuỗi ngành hàng, tìm hiểu rõ các chuỗi cung ứng sản phẩm cả ở thị trường trong nước và ngoài nước để có thể tham gia sâu hơn hoặc lấp đầy các chỗ đứt gãy của chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, trong bối cảnh nhiều tập đoàn sản xuất lớn của nước ngoài đang dần rút khỏi Trung Quốc, các DN cần đón đầu và tận dụng cơ hội từ sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư này để thâm nhập sâu rộng hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu…

Chia sẻ thêm thông tin giúp các DN Việt Nam có thể khai thác tốt hơn thị trường EU, ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, các nước châu Âu đã đề ra chiến lược phát triển bền vững từ nhiều năm nay, trong đó có 3 trụ cột chính là bảo vệ môi trường, thúc đẩy quyền của người lao động, trách nhiệm của DN với xã hội. Các trụ cột này được lồng vào các chính sách thương mại của khối, cũng như được thể hiện trong các cam kết của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Các DN châu Âu cũng tự đặt ra nhiều điều kiện, tiêu chuẩn về phát triển bền vững như sử dụng năng lượng sạch trong sản xuất, sử dụng tiết kiệm các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nước, năng lượng… buộc các nhà xuất khẩu phải đáp ứng. Do đó, các DN Việt Nam cần phải đạt được các yêu cầu liên quan đến phát triển bền vững; sản xuất, kinh doanh theo xu hướng “xanh hóa” mới có thể thâm nhập tốt vào thị trường EU.

Đưa thêm khuyến nghị đến DN, ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý DN, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển rất mạnh mẽ như hiện nay thì việc đẩy mạnh chuyển đổi số cũng sẽ giúp các DN nhanh chóng phục hồi mạnh mẽ hơn.

Cũng theo ông Đường, thời gian qua, Bộ TTTT đã có nhiều giải pháp cụ thể để thúc đẩy việc chuyển đổi số của DN, trong đó tập trung hỗ trợ cung cấp thông tin về các công nghệ mới để tối ưu hóa quy trình sản xuất, tổ chức mạng lưới tư vấn về kinh tế số và chuyển đổi số DN, hỗ trợ các DN đánh giá mức độ chuyển đổi số thông qua việc ban hành Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số DN (DBI)…

Ông Đường cũng cho biết thêm, theo một số kết quả nghiên cứu, có 69% DN khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đẩy nhanh chuyển đổi số để đối phó với đại dịch, nhưng con số này ở Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 47%. Do đó, cùng với sự chủ động của DN, trong năm 2022-2023, Bộ TTTT sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của DN, qua đó giúp DN có thể phục hồi nhanh hơn…/.
DIỆU THIỆN

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

(BKTO) - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh đã tiếp ông Yang Ruo Bing - Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình Luyện kim quốc tế (MCCI), trực thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201