Thứ Năm, 25/4/2024 - 15:08:20 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Chính sách thuế thương mại điện tử - đâu là giải pháp hiệu quả?

THỨ HAI, 20/05/2019 14:55:00 | KINH DOANH
(BKTO) - Chính sách thuế hiện hành không phân biệt hoạt động kinh doanh theo phương thức truyền thống và hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT). Nhiều tổ chức, cá nhân thu lợi hàng trăm tỷ đồng từ các trang mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Google… mà không nộp thuế. Giới chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp để việc quản lý thuế đối với TMĐT đạt hiệu quả cao hơn.

Quản lý thuế đối với thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Tại Hội thảo “Quản lý thuế trong nền kinh tế số” do Tổng cục Thuế và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa tổ chức, ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế - cho biết: Chính sách thuế hiện hành không phân biệt hoạt động kinh doanh theo phương thức truyền thống và hoạt động kinh doanh TMĐT. Để mở rộng nguồn thu, tránh thất thu với loại hình kinh doanh đầy tiềm năng này, Tổng cục Thuế cùng các cơ quan liên quan đã xây dựng và hoàn thiện chính sách quản lý thuế trong hoạt động kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số và TMĐT. Tuy nhiên, cơ quan quản lý vẫn khó xác định đúng bản chất đối với một số giao dịch trong nền kinh tế chia sẻ để làm cơ sở tính thuế. Một số hoạt động TMĐT như kinh doanh “tiền ảo”, “tài sản kỹ thuật số” chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh; việc quản lý thu thuế nhà thầu đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới vẫn còn bất cập, nhất là đối với thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Google...

Hiện nay, các DN và cá nhân hoạt động trên các trang mạng này có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Nhiều DN có doanh thu mỗi năm lên tới hàng trăm tỷ đồng và những khoản thu nhập đó đều được chuyển về Việt Nam cho người thụ hưởng thông qua các ngân hàng thương mại trong nước. Tuy nhiên, chỉ một số DN có kê khai và nộp thuế, còn lại các nhà thầu nước ngoài, các cá nhân có phát sinh thu nhập vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ này. Ngoài ra, việc quản lý hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ, sản phẩm số trên website và các trang mạng xã hội khác cũng rất khó khăn… 

Ông Phạm Đạt - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Fado (đơn vị quản lý sàn giao dịch xuyên biên giới) - cho biết: Đa số các DN nước ngoài đều có ý thức thực hiện nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, cơ chế hiện nay chưa cho phép chuyển trả khoản tiền mà Công ty Fado đang tạm giữ để thanh toán cho các DN nước ngoài, vì Ngân hàng Nhà nước chỉ thực hiện thanh toán đối với tổ chức nước ngoài, trong khi người mua hàng chỉ là những cá nhân nhỏ lẻ đứng tên nhập khẩu hàng hóa. Vì thế, Công ty phải thực hiện thu hộ và chuyển tiền trả cho DN nước ngoài. 

Cũng theo ông Phạm Đạt, việc xây dựng chính sách thuế đối với hoạt động TMĐT cần phải đơn giản, dễ thực hiện và giảm chi phí tuân thủ cho DN. Điều này rất quan trọng, bởi lẽ, nếu chính sách thuế chặt chẽ và chi phí tuân thủ của DN cao thì sẽ gây ra các rào cản đối với sự phát triển của nền kinh tế số, tạo ra tình trạng tham nhũng vặt, DN dễ có xu hướng tìm giải pháp khác thuận lợi hơn, thậm chí là tìm cách trốn thuế.

Chính sách thuế thương mại điện tử cần đơn giản, dễ thực hiện

Góp ý cho chính sách thuế đối với hoạt động TMĐT, ông Phạm Đạt cho rằng, Việt Nam đã ký kết rất nhiều hiệp định đa phương, theo đó, thuế suất đối với nhiều mặt hàng chỉ từ 0 - 5%. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thu ngân sách. Các kênh TMĐT tuy nhập khẩu đơn chiếc, nhỏ lẻ nhưng số lượng giao dịch nhiều nên doanh thu hằng năm cũng khá lớn. Nếu chính sách thuế đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động TMĐT thì Nhà nước có thể thu được số thuế không nhỏ. Do đó, Việt Nam có thể thành lập trung tâm dữ liệu của DN TMĐT xuyên biên giới và yêu cầu các sàn giao dịch điện tử đều phải thanh toán thông qua trung tâm dữ liệu quốc gia. Khi đó, cơ quan thuế, cơ quan hải quan, Ngân hàng Nhà nước có thể truy cập, đối chiếu, thực hiện thanh, kiểm tra, giúp cho việc thu thuế được minh bạch.

Đề cập đến các giải pháp để quản lý thuế đối với các giao dịch điện tử xuyên biên giới, ông Jonathan Leigh Pemberton - Chuyên gia thuế cấp cao của WB - cho rằng: Đối với thuế gián thu (thuế giá trị gia tăng - GTGT), nhiều nước áp dụng nguyên tắc người dùng ở đâu thì cơ sở tính thuế là tại nước đó. Nghĩa là, nếu người dùng tại Việt Nam thì cơ sở thuế tại Việt Nam, nghĩa vụ thuế của các tổ chức cung cấp dịch vụ cũng phát sinh tại Việt Nam. Trường hợp nhà cung cấp dịch vụ ở ngoài Việt Nam thì việc khai thuế, nộp thuế phải được thực hiện bằng phương thức điện tử. 

Một nguyên tắc khác là việc quản lý thuế phải công bằng giữa loại hình kinh doanh truyền thống và kinh doanh TMĐT. Các cơ chế, chính sách về thuế phải tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động TMĐT phát triển, không tạo ra rào cản đối với người tiêu dùng. Các nước thường đơn giản hóa việc đăng ký, kê khai, nộp thuế và các bước này đều được thực hiện qua mạng internet... 

Đồng quan điểm với chuyên gia WB, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước - cho biết: Để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới, các giao dịch cần phải được thanh toán thông qua các cổng thanh toán trực tuyến do Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Ngoài ra, ông Dũng cũng khuyến nghị Tổng cục Thuế nên xây dựng cơ sở dữ liệu có kết nối với ngành ngân hàng, viễn thông…, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để cập nhật kịp thời việc kê khai, nộp thuế.

Theo ông Lưu Đức Huy, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung quy định: Nhà cung ứng nước ngoài không có cơ sở thường trú ở Việt Nam có hoạt động thương mại điện tử thì có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam. Tổng cục Thuế sẽ hướng dẫn tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động kinh doanh trên mạng kê khai và nộp thuế. Đây là một trong những giải pháp để quản lý thuế đối với các DN nước ngoài có phát sinh doanh thu và thu nhập tại Việt Nam.

Đồng tình với giải pháp được ngành thuế đưa ra, tuy nhiên, bà Nguyễn Vân Chi - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - vẫn băn khoăn về việc sẽ xây dựng cơ chế như thế nào để đảm bảo thực thi quy định các DN cung cấp dịch vụ sản phẩm ở nước ngoài phải kê khai và nộp thuế tại Việt Nam. Nếu được thông qua, đây sẽ là chính sách mới nên không thể đảm bảo tất cả các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có phát sinh thu nhập, có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam sẽ thực thi đầy đủ. Do đó, ban đầu nên đi từ việc quản lý DN lớn đến đối tượng nhỏ. Cơ quan thuế cần phải hoàn thiện khung pháp lý để đảm bảo chính sách thu công bằng, tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế.

THÙY ANH
(Theo Báo Kiểm toán số 20 ra ngày 16/5/2019)
 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

(BKTO) - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh đã tiếp ông Yang Ruo Bing - Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình Luyện kim quốc tế (MCCI), trực thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201