Thứ Ba, 30/4/2024 - 00:05:32 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Chính phủ nỗ lực cắt giảm chi phí kinh doanh

THỨ HAI, 27/08/2018 09:25:00 | KINH DOANH
(BKTO) - Thêm một động thái thể hiện quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN và sẽ có hiệu lực ngay từ ngày ký. Chương trình nhằm cắt giảm chi phí cho DN, đặc biệt là những chi phí bất hợp lý, nâng cao khả năng cạnh tranh và năng suất của nền kinh tế.

Gánh nặng chi phí đè lên vai doanh nghiệp

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong những năm gần đây, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật là một trọng tâm của Chính phủ. Một loạt nghị quyết của Chính phủ đã và đang được triển khai thực hiện, trong đó tập trung vào cải cách thể chế và thủ tục hành chính, thuận lợi hóa các hoạt động kinh doanh. Việc thực hiện các nghị quyết này đã góp phần giảm gánh nặng chi phí kinh doanh nói chung và chi phí tuân thủ pháp luật nói riêng cho DN. 

Trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây, đại diện Văn phòng Chính phủ dẫn chứng, chi phí cho kiểm tra chuyên ngành và tuân thủ các điều kiện kinh doanh là rất lớn. Năm 2016, các DN phải bỏ ra 28,8 triệu ngày công tương đương 14,2 nghìn tỷ đồng để thực hiện chi phí thông quan. Đây là rào cản rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. Từ những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của các Bộ, ngành, năm 2017, chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng đã giảm 19 USD. Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, DN tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan (tương đương hơn 4 nghìn tỷ đồng); tiết kiệm 16 triệu giờ lưu kho đối với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu và tiết kiệm 34 triệu giờ lưu kho đối với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu. Kết quả này đã góp phần giảm tiêu cực rất nhiều so với trước đó.

Hay đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, việc thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP cắt giảm hoàn toàn thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với 5 nhóm sản phẩm, 90% lô hàng thực phẩm không phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan đã giúp tiết kiệm gần 2,9 triệu ngày công, tương đương 2,5 nghìn tỷ đồng…

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc cắt giảm chi phí cho DN vẫn còn những hạn chế. Minh chứng là Chỉ số Môi trường kinh doanh (Doing Business) của Việt Nam theo khảo sát của WB tuy có cải thiện đáng kể nhưng thứ hạng của nhiều chỉ số còn thấp so với các nước trong khu vực. Năm 2018, tổng mức thuế và chi phí bảo hiểm DN Việt Nam phải nộp chiếm 38,1% lợi nhuận trước thuế, trong khi con số này ở Thái Lan là 28,7%, ở Indonesia là 30%. 

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 cho thấy, 59,3% DN cho rằng DN cùng ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức; lãnh đạo của khoảng 30% DN phải dành hơn 10% quỹ thời gian cho tìm hiểu và tuân thủ quy định pháp luật; 44% DN cho rằng thủ tục thuê, mua đất phức tạp; 16% DN cho rằng giá đất theo quy định nhà nước cao. 

Nhìn chung, các khoản chi phí do Nhà nước tạo ra hoặc quy định mà DN phải trả vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế của DN bị hạn chế. Điều này cản trở việc thực hiện các chính sách về nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Sẽ cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ KH&ĐT đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN và đang lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương, DN, hiệp hội DN…

Khắc phục những bất cập từ thực tiễn, Chương trình hành động xác định phải cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh. Dự thảo Nghị định nêu rõ, các Bộ, ngành, địa phương phải thực hiện cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật về gia nhập thị trường; xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; đầu vào sản xuất, kinh doanh cho DN (như chi phí tín dụng và dịch vụ thanh toán; chi phí lao động; chi phí khoa học công nghệ; chi phí logistics và thương mại qua biên giới). Các địa phương cần rà soát, đánh giá toàn bộ các quy định về phí, lệ phí do UBND các cấp ban hành để yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giảm phí, lệ phí.

Dành một mục riêng quy định về chi phí không chính thức, Dự thảo Nghị định đề nghị các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các tài liệu hướng dẫn tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình; đảm bảo quy định pháp luật về kinh doanh dễ hiểu, dễ tuân thủ, không hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Đồng thời, xây dựng quy tắc đạo đức công vụ của cán bộ, công chức và tập huấn về các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo và chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi hành công vụ.

Đặc biệt, cần phải tổ chức khảo sát ý kiến người dân và DN về chất lượng hành chính công và chi phí không chính thức ở cấp sở, ngành, huyện theo mô hình Dân chấm điểm ở Quảng Trị, công khai kết quả và yêu cầu các sở, ngành, huyện có giải pháp nâng cao chất lượng hành chính công và cắt giảm chi phí không chính thức.
 
Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu của Chính phủ là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh như đã nêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018. Đến năm 2020 cần: cắt giảm, đơn giản hóa quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, nộp thuế và bảo hiểm xã hội để đạt điểm số trung bình của ASEAN-4 theo Doing Business của WB; giảm một nửa tỷ lệ DN cho rằng DN cùng ngành phải chi trả chi phí không chính thức theo Khảo sát PCI đến năm 2020; công khai 100% các hoạt động thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý trên trang internet của cơ quan có thẩm quyền; chi phí thuế và bảo hiểm xã hội của DN theo Doing Business giảm xuống mức trung bình ASEAN-4.
 
PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 34 ra ngày 23-8-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

(BKTO) - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh đã tiếp ông Yang Ruo Bing - Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình Luyện kim quốc tế (MCCI), trực thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201