Thứ Năm, 25/4/2024 - 11:44:48 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015

THỨ NĂM, 07/03/2019 22:50:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Sáng 7/3, tại Hà Nội, dưới sự điều hành của Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cùng một số cán bộ của Vụ Pháp chế tham dự phiên họp.

Tham dự phiên họp còn có đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ và đại diện một số Bộ, ngành liên quan.
 

Quang cảnh Phiên họp

Theo Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN 2015 do Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đặng Văn Hải trình bày tại Phiên họp, trên cơ sở mục đích, quan điểm xây dựng Dự án Luật, Tờ trình đã tổng kết, đánh giá và đề xuất 12 nhóm vấn đề liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung 18 nội dung phát sinh vướng mắc trong quá trình thi hành Luật, trong đó tập trung vào các quy định liên quan đến: Đơn vị được kiểm toán; Nhiệm vụ của KTNN trong phòng, chống tham nhũng, giám định tư pháp; Lập và gửi báo cáo kiểm toán; Việc cung cấp thông tin, tài liệu dưới dạng dữ dữ liệu điện tử để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của KTNN, kiểm toán viên nhà nước; Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán; Trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; Kiểm toán một số hoạt động thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng.

Thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015, Dự thảo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách nêu rõ: Về phạm vi sửa đổi, bổ sung luật, đa số ý kiến cho rằng, các quy định của Luật KTNN về cơ bản vẫn bảo đảm tính ổn định, phù hợp với thực tiễn nên thống nhất với tên gọi của Dự thảo Luật và phạm vi sửa đổi theo Tờ trình của KTNN.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Dự án Luật có liên quan đến một số luật như: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Giám định tư pháp, Luật Xử phạt vi phạm hành chính…Vì vậy, để đảm bảo tính nhất quán của hệ thống pháp luật, KTNN cần nghiên cứu, bổ sung điều, khoản chuyển tiếp, thể hiện rõ các nội dung sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan.
 

Các đại biểu tham gia ý kiến tại Phiên họp

Tại Phiên họp, các đại biểu cũng đã tham gia ý kiến vào các nội dung cụ thể của trong Dự thảo Luật như: Quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán; thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, giám định tài chính, tài sản; quyền kiểm tra, xác minh theo pháp luật về phòng, chống tham nhũng và xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán Nhà nước; tiêu chuẩn bổ nhiệm kiểm toán viên; quyền truy cập, kết nối dữ liệu điện tử của Kiểm toán viên; đơn vị được kiểm toán; trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán…

Một số ý kiến đề nghị, Ban soạn thảo cần rà soát một cách tổng thể những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật, nhằm đảm bảo tính ổn định và sức sống của Luật; đồng thời, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cần cân nhắc các vấn đề sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất với các luật liên quan; đảm bảo tính cụ thể của Luật…

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 xuất phát từ thực tiễn nhằm góp phần hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của KTNN và Tổng Kiểm toán Nhà nước; làm rõ và đầy đủ phạm vi, đơn vị được kiểm toán phù hợp với đối tượng kiểm toán theo quy định của Hiến pháp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, đảm bảo sự đồng bộ với các luật khác có liên quan; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý tài chính, tài sản công.
 

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại Phiên họp

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng trao đổi, làm rõ một số nội dung cụ thể, trong Dự thảo Luật. Đặc biệt, liên quan đến quy định về đối tượng kiểm toán của KTNN trong đó có người nộp thuế, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh: KTNN không thay cơ quan thuế để thực hiện kiểm tra thuế, truy thu, nộp thuế mà qua kiểm toán cơ quan thuế thuế, KTNN có quyền kiểm tra đối chiếu thuế theo mẫu tại một số DN nhằm kiến nghị truy thu các khoản thất thu về cho NSNN; đồng thời đánh giá việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của cơ quan thuế và phục vụ cho công tác giám sát của Quốc hội. Thực tế thời gian qua, qua kiểm tra đối chiếu, KTNN đã truy thu về cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng. Vì vậy, nếu quy định vấn đề này rõ ràng trong Luật sẽ tạo thuận lợi cho KTNN thực hiện công việc này tốt hơn…

Kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao các ý kiến phát biểu, chia sẻ thẳng thắn tại Phiên họp. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách yêu cầu thường trực Ủy ban trên cơ sở tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 32, dự kiến diễn ra từ 11-13/3.

Tin và ảnh: N. HỒNG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201