Thứ Sáu, 19/4/2024 - 15:54:51 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Ngành khai thác khoáng sản và những vấn đề được phát hiện từ kiểm toán

THỨ NĂM, 02/05/2019 08:35:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Sau khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, quản lý công tác quy hoạch, thăm dò, khai thác khoáng sản, góp phần thúc đẩy ngành khai thác khoáng sản phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn cho NSNN.

Đây cũng là công cụ quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ ở từng địa phương mà trong phạm vi quốc gia. Tuy nhiên, qua kết quả kiểm toán công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, KTNN đã phát hiện không ít bất cập trong lĩnh vực này. 

Những phát hiện từ Kiểm toán Nhà nước

Trong công tác quy hoạch, một số địa phương chưa khoanh định khu vực cấm và khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản theo quy định tại khoản 5, Điều 28 Luật Khoáng sản năm 2010; công tác điều chỉnh quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nguyên liệu xi măng và quy hoạch khoáng sản ngoài khoáng sản làm vật liệu xây dựng và nguyên liệu xi măng theo Luật Khoáng sản còn chậm. 
Một số mỏ có hiện tượng trữ lượng khoáng sản đã được thăm dò bởi các cơ quan có thẩm quyền còn chưa chính xác, dẫn đến nhiều mỏ, nhiều khu vực đầu tư với chi phí lớn nhưng không có khoảng sản.

 

ThS. NGÔ MINH KIỂM
 
Công tác quản lý khai thác khoáng sản tại một số địa phương chưa chặt chẽ, còn tình trạng cấp giấy phép khai thác không đúng quy hoạch được phê duyệt, vượt quy hoạch, chồng chéo; khai thác vượt quá quy hoạch, cấp phép quá 12 tháng nhưng chưa thực hiện khai thác chưa được xử lý theo quy định; DN được cấp giấy phép và đi vào khai thác nhưng chưa ký hợp đồng thuê đất; sử dụng đất làm xưởng chế biến khi chưa lập hồ sơ thuê đất, chưa được cấp có thẩm quyền cho thuê đất; giấy phép đã thông báo chấm dứt hiệu lực nhưng đơn vị chưa tiến hành lập đề án đóng cửa mỏ.

Trong việc chấp hành quy định về xây dựng cơ bản mỏ, an toàn, vật liệu nổ, có giấy phép đã quá hạn 12 tháng chưa xây dựng cơ bản mỏ; không có thiết kế mỏ; khai thác chưa đúng với thiết kế, gây mất an toàn lao động và tác động xấu đến môi trường (đặc biệt là mỏ đá); bổ nhiệm giám đốc mỏ chưa đủ tiêu chuẩn; thiếu hồ sơ nghiệm thu kho vật liệu nổ công nghiệp, thiếu biên bản đo trị số tiếp địa.

Tình trạng thất thu ngân sách lớn thông qua nhiều hình thức: DN khai thác lập bảng kê khối lượng khai thác chưa đầy đủ, cùng với công tác kiểm tra giám sát của cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên đối với sản lượng khai thác tại các mỏ còn chưa chặt chẽ, thường xuyên dẫn đến kê khai chưa đầy đủ nghĩa vụ gây thất thu cho NSNN; có trường hợp kiểm toán đã phát hiện sản lượng kê khai nộp thuế tài nguyên thấp hơn rất nhiều so với khai thác tại hiện trường khi so sánh giữa hiện tại với thời điểm giao mỏ; một số trường hợp xuất khẩu qua Trung Quốc có dấu hiệu chuyển giá (qua hình thức kê khai tăng chi phí vận chuyển quốc tế, giảm giá bán); việc quy định chính sách thuế xuất khẩu đối với quặng đã qua chế biến và chưa qua chế biến cũng còn nhiều kẽ hở gây thất thu NSNN. 

Có địa phương do thu hút đầu tư nên còn thực hiện ưu đãi, miễn giảm thuế đối với các DN khai thác khoáng sản trên địa bàn trái quy định Luật Quản lý thuế.

DN khai thác ồ ạt, trái phép, vận chuyển tài nguyên khoáng sản nhưng chưa chú ý đến các yếu tố tác động môi trường làm ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh, trong khi địa phương chưa có chính sách đặc thù để quản lý tái tạo môi trường, đường xá.

Việc quản lý, theo dõi tiền ký quỹ phục hồi môi trường chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, còn để một số DN nợ tiền ký quỹ; nhiều giấy phép còn hiệu lực không có hồ sơ dự án cải tạo, phục hồi môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường; chưa thực hiện quan trắc môi trường định kỳ; chưa đầy đủ theo nội dung báo cáo tác động môi trường.

Các giải pháp khắc phục

Để khắc phục tình trạng trên, việc quản lý tài nguyên khoáng sản cần thực hiện các giải pháp sau:
Một là, việc thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đồng bộ cần gắn liền với quy hoạch sử dụng đất, giữa quy hoạch khai thác khoáng sản vật liệu thông thường với ngoài vật liệu thông thường; cần sớm khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản thuộc lĩnh vực quân sự, làm cơ sở để các tỉnh xây dựng quy hoạch phù hợp, tránh chồng chéo. 

Hai là, tăng cường rà soát và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản lập và nộp hồ sơ thủ tục về đất đối với diện tích đất khai thác và đất cơ sở chế biến theo quy định của Luật Đất đai. 

Ba là, thường xuyên kiểm tra các DN khai thác mỏ thực hiện đúng quy định của Luật Khoáng sản: tiêu chuẩn trình độ, năng lực của giám đốc điều hành mỏ; chấp hành quy trình khai thác; khai thác theo đúng thiết kế đã được phê duyệt; quản lý chặt chẽ sản lượng khai thác; lập đề án và thực hiện quy trình đóng cửa mỏ. Đề án cải tạo, phục hồi môi trường phải nêu cam kết về các chỉ tiêu chất lượng môi trường, hệ sinh thái sau khi cải tạo, phục hồi và có cả ý kiến tham vấn cộng đồng về phương án cải tạo, phục hồi. 

Bốn là, cần quy định tất cả các điểm mỏ phải xây dựng báo cáo về công tác bảo vệ môi trường trong khai thác và chế biến khoáng sản nhằm giảm thiểu, hạn chế tác động xấu đến môi trường. 

Năm là, các địa phương đôn đốc các tổ chức, cá nhân được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản nộp đầy đủ tiền ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định; xử lý giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp quá 12 tháng chưa thực hiện; tháo gỡ vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Sáu là, cơ quan thuế chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý đất đai xác định tiền thuê đất, thuê mặt nước, thông báo số tiền thuê đất phải nộp hằng năm cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản biết và thực hiện theo đúng quy định; xây dựng cơ sở dữ liệu so sánh để đảm bảo chống hoạt động chuyển giá liên quan đến mua, bán, xuất khẩu khoáng sản. 

Bảy là, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá lại trữ lượng khoáng sản thực của Việt Nam hiện nay. 

Tám là, địa phương cần nghiêm túc rà soát các DN có dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn để áp dụng chính sách thuế theo quy định, tránh việc miễn giảm thuế không đúng quy định làm thất thu NSNN. 

Chín là, cần quy định thêm các chính sách dành một phần phí phụ thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để đầu tư cơ sở hạ tầng, đường xá bị hư hỏng, môi trường bị ảnh hưởng trong khai thác tài nguyên.

Mười là, KTNN cần tăng cường kiểm toán việc quản lý, khai thác khoáng sản thông qua việc áp dụng các công nghệ kiểm toán mới: phân tích rủi ro, áp dụng phương pháp thuê tư vấn trắc đạc tại hiện trường, so sánh với hiện trạng khi giao mỏ để đối chiếu với kê khai nộp thuế của đơn vị (cách làm này đã phát huy hiệu quả tại một số cuộc kiểm toán).

ThS. NGÔ MINH KIỂM
Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, KTNN 
Theo Báo Kiểm toán số 17+18 ra ngày 25-4-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201