Thứ Sáu, 19/4/2024 - 06:35:43 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Những bất cập trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản từ góc nhìn kiểm toán

THỨ NĂM, 02/05/2019 08:50:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - TS. MAI VINH Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II

Nhiều bất cập trong công tác quản lý về tài nguyên khoáng sản

Kết quả kiểm toán công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản (TNKS) trong thời gian qua nổi lên một số bất cập, hạn chế sau:
Thứ nhất, một số quy định của pháp luật về khoáng sản chậm được triển khai, có tính khả thi chưa cao, cần sửa đổi. Chẳng hạn, Luật Khoáng sản ban hành năm 2010 nhưng đến năm 2013 mới ban hành Nghị định số 203/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phương pháp, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, dẫn đến các đơn vị khai thác khoáng sản còn nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong giai đoạn 2010-2013 số tiền 2.835,7 tỷ đồng; một số văn bản quản lý nhà nước về khoáng sản chưa đúng quy định (Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bình Thuận, Yên Bái)… 

 

TS. MAI VINH
 
Thứ hai, công tác quy hoạch còn chậm trong rà soát, điều chỉnh, phê duyệt mới quy hoạch khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010; tại một số địa phương, quy hoạch khoáng sản chưa gắn với quy hoạch của cả nước, chưa mang tính liên kết vùng; một số địa phương có sự chồng lấn giữa quy hoạch khoáng sản với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (Bình Thuận); quy hoạch chung và quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng chưa phù hợp về thời kỳ quy hoạch theo quy định (Khánh Hòa); các khu công nghiệp ven biển chồng lấn lên quy hoạch khu dự trữ khoáng sản quốc gia (Quảng Nam);…

Thứ ba, một số địa phương có tình trạng cấp phép khai thác không có quy hoạch; cấp phép khai thác khi chưa có trữ lượng khoáng sản được phê duyệt. Cụ thể về trình tự, thủ tục cấp phép thực hiện không đúng quy định: Cấp giấy phép khai thác cho đơn vị khi đơn vị chưa thực hiện nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác lần đầu (Kon Tum, Nghệ An); thời gian tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, ký cấp phép chậm (Quảng Trị). Cấp phép khai thác vàng sa khoáng không đúng Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09/01/2012 và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ (Quảng Nam). Các mỏ đã được địa phương cấp phép nhưng không thực hiện khai thác (Quảng Nam, Bình Thuận);…

Thứ tư, công tác thanh tra, kiểm tra đã được thực hiện nhưng chưa đi sâu nội dung kỹ thuật chuyên ngành; chưa kiểm soát chặt chẽ sản lượng khai thác thực tế. Khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, đến nay chưa chấm dứt. Hiệu quả công tác thanh tra chưa cao, chưa phát hiện nhiều sai sót, còn một số đơn vị khai thác khoáng sản trái phép, vượt công suất, khai thác vượt ra ngoài khu vực cấp phép. Chính quyền địa phương chưa thực hiện hết chức năng trong kiểm tra, ngăn chặn, còn để xảy ra tình trạng khai thác không phép, trái phép trên địa bàn. Nhiều vi phạm phát hiện qua thanh tra không được xử phạt theo quy định, chưa có biện pháp xử lý khi đơn vị tái vi phạm (Hải Phòng, Quảng Nam). 

Thứ năm, việc triển khai công tác xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản tại các địa phương theo quy định tại Quyết định số 04/2018/QĐ-TTg chưa được triển khai. Một số tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản chấp hành nghĩa vụ nộp tiền hoàn trả chi phí đánh giá, thăm dò của Nhà nước chậm so với quy định. Nguyên nhân là do chế tài trong các văn bản pháp luật chưa đủ mạnh, mặt khác, các giấy phép được cấp trước khi tổ chức, cá nhân nộp tiền hoàn trả. Một số quy định tại Nghị định số 203/2013/NĐ-CP chưa phù hợp với thực tế quản lý nhà nước tại các địa phương và khai thác khoáng sản tại các DN; đồng thời, khung giá tính thuế tài nguyên đối với một số loại khoáng sản được ban hành tại Thông tư số 44/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính còn quá cao so với thực tế, vướng mắc trong việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng đã khai thác từ ngày 01/7/2011 đến 31/12/2013. Chưa có phương án phê duyệt chính thức đối với các trường hợp được tạm thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cũng như xử lý về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với trường hợp trả lại một phần diện tích cấp phép khai thác hoặc trả lại toàn bộ diện tích khai thác. 

Thứ sáu, từ khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, công tác đấu giá cấp T.Ư còn chậm, do đối tượng đấu giá là các mỏ chưa thăm dò chứa đựng nhiều rủi ro. Mặt khác, sự không đồng bộ trong quy hoạch các khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản về địa danh, tọa độ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác này. 

Một số giải pháp cần thực hiện

Để giải quyết những bất cập, hạn chế trên, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước bao gồm Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thực hiện các giải pháp như: Triển khai tổng kết, đánh giá tác động của các chính sách, quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 sau 5 năm thực hiện. Trên cơ sở đó, đề xuất xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản năm 2010 và các nghị định, thông tư hướng dẫn có liên quan;

Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Nâng cao năng lực hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản, trong đó có hệ thống cơ quan thanh tra chuyên ngành khoáng sản từ T.Ư đến địa phương;

Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chi tiêu thống kê ngành tài nguyên và môi trường, trong đó có hệ thống chi tiêu thống kê lĩnh vực địa chất - khoáng sản. Theo đó, nghiên cứu thiết lập mã số tài khoản quản lý tài sản công là khoáng sản nhằm hạch toán chung nguồn lực khoáng sản vào nền kinh tế;

Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tuyên truyền phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản. Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra;

Chỉ đạo triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với một số mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ; tổ chức rút kinh nghiệm để tổng kết, đề xuất giải pháp thực hiện có hiệu quả trong các năm tiếp theo;

Tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách tài chính trong hoạt động khoáng sản nhằm thu một phần tiền cho công tác đánh giá, thăm dò khoáng sản do Nhà nước đã đầu tư, trong đó chú trọng đối với các giấy phép khai thác khoáng sản do T.Ư và địa phương cấp. Xây dựng và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về miễn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản giai đoạn từ ngày 01/7/2011 đến 31/12/2013…

Về công tác kiểm toán đối với lĩnh vực TNKS, KTNN cần thực hiện các yêu cầu sau: 

Một là, KTNN cần tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề về TNKS mang tính chất toàn Ngành, thường xuyên liên tục, giao cho một đơn vị chủ trì, triển khai, kiểm toán và tổng hợp kết quả trên toàn quốc. 

Hai là, để công tác quản lý TNKS được đảm bảo đúng Luật Khoáng sản, KTNN cần xây dựng đề cương kiểm toán chuyên đề trong đó xác định trọng tâm, nội dung và phương pháp kiểm toán, thảo luận toàn Ngành nhằm thống nhất thực hiện.

Ba là, các trưởng đoàn kiểm toán cần bám sát đề cương nhằm thực hiện tốt mục tiêu, nội dung kiểm toán đã đề ra. 
Bốn là, thực hiện tốt chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất, phát hiện các nhân tố mới, báo cáo lãnh đạo để chỉ đạo thực hiện thống nhất trong toàn Ngành. 

Năm là, tổng kết rút kinh nghiệm, đánh giá, nhận xét các công việc đã làm được cũng như các việc chưa làm được, làm chưa tốt nhằm thực hiện tốt các cuộc kiểm toán kỳ sau.

Theo Báo Kiểm toán số 17+18 ra ngày 25-4-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201