Thứ Sáu, 19/4/2024 - 07:29:12 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Chống thất thoát trong cơ chế đầu tư BT bằng đấu giá đất

THỨ HAI, 30/10/2017 10:05:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Tại Hội thảo “Cơ chế đầu tư BT - Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện” do KTNN tổ chức tại Hà Nội vừa qua, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã cảnh báo nguy cơ cạn kiệt tài nguyên đất từ việc “nở rộ” các dự án BT, chỉ ra nhiều lỗ hổng pháp lý khiến Nhà nước bị thua thiệt, thất thoát lớn, cũng như đóng góp những ý kiến, giải pháp để bịt các lỗ hổng pháp lý này.

Cơ chế “tặng” tiền tỷ cho nhà đầu tư

“Chỉ với 3,5 km chiều dài của công trình đường Lê Đức Thọ kéo dài (TP. Hà Nội), chính quyền địa phương đã phải thanh toán quỹ đất khoảng 70 ha cho nhà đầu tư” - tham luận của TS. Nguyễn Hữu Hiểu (KTNN) dẫn chứng và nhấn mạnh, trong thời gian qua, tại không ít địa phương, chính quyền đã phải đổi quyền sử dụng một số lượng đất lớn để có được một công trình không lớn cả về quy mô lẫn ý nghĩa tích cực đối với nền kinh tế.

Nhiều ví dụ khác cũng được các đại biểu nêu ra để chứng minh rằng dự án BT đã mang lại tiền tỷ cho nhà đầu tư. Chẳng hạn như Công ty TNHH Âu Lạc đã đổ 80 tỷ đồng để lấp biển, làm đường từ đất liền ra đảo Tuần Châu, đổi lấy 98 ha đất trên đảo này và biến một xã đảo nghèo nàn thành một khu du lịch nổi tiếng, đồng thời đưa ông Chủ tịch công ty thành một trong những người giàu nhất Việt Nam. Hay Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường đầu tư hơn 700 tỷ đồng xây dựng tuyến đường trục phía Bắc quận Hà Đông dài hơn 5 km, tiếp nối đường Lê Văn Lương kéo dài và được TP. Hà Nội đổi bằng hơn 197 ha đất. Tại thời điểm bàn giao quỹ đất, cơ quan chức năng áp giá đất với nhà đầu tư khoảng 8,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau khi tuyến đường được hoàn thành, giá đất tại đây đã lên tới 30-40 triệu đồng/m2.

Đến nay, hàng loạt dự án BT đã được nhiều nhà đầu tư đề xuất tại TP. Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác, nhiều dự án đã được lãnh đạo địa phương chấp thuận. “Từ tháng 4/2015 đến 3/2016, UBND TP.HCM đã phê duyệt 17 dự án PPP, trong đó có tới 11 dự án BT do các nhà đầu tư đề xuất. Đến tháng 6/2016, TP.HCM cũng đã phê duyệt dự án BT phòng chống lũ giai đoạn 1 do Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Trung Nam đề xuất với tổng vốn đầu tư hơn 9,9 nghìn tỷ đồng và trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận dự án BT xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 do 3 nhà đầu tư phối hợp đề xuất với tổng vốn đầu tư hơn 5,2 nghìn tỷ đồng. Vậy bao nhiêu đất để trả cho nhà đầu tư cho vừa!” - tham luận của GS.TSKH Đặng Hùng Võ nêu vấn đề.

Phân tích và chỉ rõ nguồn lợi của nhà đầu tư, PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam - nhấn mạnh, BT về bản chất là một giao dịch mua sắm công nhưng bên mua (Nhà nước) không có sản phẩm cùng loại để được lựa chọn và bên bán không có ai để phải cạnh tranh trực tiếp. Giá cả của bên bán khó có giá thị trường bởi nó được xác định theo quy trình dự toán và quyết toán của một dự án đầu tư, mà số liệu dự toán rất dễ bị thay đổi theo hướng tăng. Trong khi đó, đất mà bên mua sử dụng để thanh toán cho việc mua các công trình hạ tầng thì giá cả lại xác định được ngay và là giá tối thiểu. Trên thực tế, nhà đầu tư có thể hưởng trọn phần tăng thêm của giá đất do giá đất tăng theo giá thị trường và cả trong trường hợp tăng giá đất do tác động của chính công trình hạ tầng được xây dựng.

Đồng quan điểm này, bà Trương Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) - cũng nêu, hầu hết các dự án BT được giao đất trước khi hoàn thành công trình với đơn giá đất thấp hơn nhiều so với đơn giá đất tại thời điểm bàn giao công trình. Việc thanh toán này không đảm bảo nguyên tắc ngang giá, làm lợi cho nhà đầu tư, gây thiệt hại cho NSNN.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã thẳng thắn nhận định, với sự “nở rộ” của các dự án BT như hiện nay, nếu công tác quản lý không được chú trọng thì chẳng bao lâu nguồn lực tài nguyên đất sẽ cạn kiệt.

Tìm giải pháp để chống thất thoát

Trong khi đất là nguồn tài nguyên hữu hạn, không tái tạo nên khuyến nghị mạnh mẽ nhất được các chuyên gia đưa ra là đã đến lúc vĩnh biệt cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng”, nhất là tại các địa phương đã phát triển tốt, thay vào đó phải thực hiện cơ chế Nhà nước đấu giá đất để lấy tiền phát triển hạ tầng. “TP. Đà Nẵng đã phát triển đô thị rất mạnh, chỉ bằng nguồn lực từ đất đai mà không hề có dự án BT nào. Từ một đô thị yếu kém, Đà Nẵng đã trở thành một thành phố đáng sống mà không cần tới BT” - GS.TSKT Đặng Hùng Võ ví dụ và cho rằng, có thể chỉ cho phép áp dụng cơ chế BT tại một số địa phương chậm phát triển, ngân sách địa phương còn yếu kém, hạ tầng còn thiếu. Muốn vậy, cần phải “lấp đầy” khoảng trống pháp luật về giá trị, trong đó có pháp luật về định giá đất đai trả cho nhà đầu tư.

Chẳng hạn, trong Luật Đất đai và Nghị định 43/2014/NĐ-CP, không có quy định cụ thể nào về đất đai, loại đất, giá trị đất đai để trả cho nhà đầu tư khi thực hiện các dự án BT; Nghị định 15/2015/NĐ-CP cũng chứa nhiều bất lợi cho Nhà nước như việc giao đất để trả cho nhà đầu tư trước khi hoàn thành công trình là không phù hợp, không có quy định chi tiết về đánh giá chất lượng, định giá giá trị công trình và định giá khu đất để trả cho nhà đầu tư… Quy định như vậy chứa đựng nguy cơ tham nhũng rất lớn và khả năng thất thoát tài sản đất đai hoàn toàn có thể xảy ra.

Do đó, thay vì trả đất đai cho nhà đầu tư dự án BT trước khi hoàn thành công trình thì nên đấu giá đất để lấy tiền xây dựng công trình hạ tầng. “Cần thực hiện cơ chế đấu giá các khu đất thuộc quỹ đất dành cho phát triển của mỗi địa phương. Yêu cầu này phải được tuân thủ đối với tất cả các dự án BT” - PGS.TS Đặng Văn Thanh đề xuất.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ kiến nghị, cách thu bền vững là thu từ dịch vụ sử dụng hạ tầng chứ không phải đổi bằng đất đai. Do đó, thay vì cho phép thực hiện các dự án BT, nên khuyến khích đầu tư PPP theo các hình thức khác dựa trên thu phí dịch vụ sử dụng hạ tầng, dịch vụ công cộng, chẳng hạn như BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh), BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ), BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao), OM (kinh doanh - quản lý)…

Đại diện của KTNN chuyên ngành II cũng nhấn mạnh, có nhiều phương thức thanh toán khác phù hợp với thực tế triển khai như quyền khai thác quảng cáo, khai thác thương mại các công trình khác. Đây là các nguồn thu có tiềm năng để khai thác, phát triển các dự án BT. Mặt khác, do các dự án BT dùng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư, mà quỹ đất chính là nguồn lực công, tài sản công nên Nhà nước cần ban hành quy trình quản lý chặt chẽ...

HỒNG THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 26-10-2017

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201