Thứ Sáu, 29/3/2024 - 20:55:07 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Cần đồng bộ, thống nhất các quy định về Kiểm toán Nhà nước trong phòng chống tham nhũng

THỨ SÁU, 01/06/2018 08:25:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Đó là quan điểm của đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khi góp ý vào Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại phiên thảo luận ở tổ chiều 31/5.

Đảm bảo toàn diện trong phòng, chống tham nhũng

Đánh giá tổng thể về Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, việc Dự thảo Luật còn nặng về khu vực công mà nhẹ khu vực tư tạo nên sự thiếu toàn diện và vẫn không ngăn ngừa được tham nhũng, thất thoát. Dự thảo Luật cũng còn nặng về tìm kiếm sai phạm thông qua kê khai tài sản mà nhẹ về phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý vấn đề tham nhũng.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng để vụ lợi. Nhưng trong Dự thảo Luật mới đề cập đến việc chứng minh vấn đề vụ lợi chứ chưa chú ý vấn đề thất thoát tiền và tài sản. Đây là một yếu tố rất quan trọng, vì từ chỗ tìm ra thất thoát tiền và tài sản rồi mới quay trở lại vấn đề về vụ lợi, phải thông qua đưa, nhận hối lộ mới chứng minh được vụ lợi. Vì vậy, Luật cần thiết kế theo hướng thông qua việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm thất thoát tài sản của Nhà nước để phát hiện, khởi tố điều tra mới truy ra vấn đề đưa, nhận hối lộ. Còn nếu từ hành vi đưa, nhận hối lộ bắt được mới xác định tham nhũng thì khó khả thi.

Cũng theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, thất thoát lớn nhất hiện nay là ở khu vực công như: ở các chương trình, dự án; vấn đề đất đai, khoáng sản, thuế, tín dụng ngân hàng... và đều bắt đầu từ cơ chế, chính sách. Vì vậy, “một yêu cầu đặt ra là Luật PCTN phải làm thế nào để ngăn ngừa và bịt được thất thoát này”- Tổng Kiểm toán Nhà nước nói.

Từ mục tiêu đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, khu vực công có quan hệ mật thiết với lĩnh vực tư. Nếu chúng ta không ngăn chặn được lĩnh vực tư thì cũng không ngăn chặn được những thất thoát từ khu vực công, không ngăn chặn được hành vi tham nhũng.


Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 31/5. Ảnh: N. Hồng

Góp ý cụ thể vào Dự thảo Luật, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, Điều 2 trong Dự thảo Luật cần đưa thêm vào 2 hành vi. Đó là hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng đối với các lĩnh vực về đất đai, tài sản, dự án đầu tư, thuế… Đây là những lĩnh vực rất quan trọng và đã được điều chỉnh bởi Bộ Luật Hình sự. Khi quy định hành vi này trong Luật PCTN tức là các vi phạm này chỉ có ở những người có chức, có quyền, người thi hành công vụ. Việc đưa quy định này vào sẽ ngăn chặn được các DN, các chủ đầu tư vi phạm quy định của Nhà nước và đảm bảo toàn diện hơn.

Thứ 2 là bổ sung hành vi giả mạo trong công tác để chiếm đoạt tiền và tài sản, chẳng hạn như lập khống các chương trình, dự án, lập khống khối lượng, lập khống hồ sơ để chiếm đoạt thuế…

Về Điều 18 Dự thảo Luật quy định cơ quan nhà nước có trách nhiệm xây dựng, ban hành các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị bổ sung thêm quy định: ...chủ động ban hành kịp thời các chế độ, tiêu chuẩn, định mức để ngăn chặn thất thoát khi được các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan nhà nước kiến nghị. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng kiến nghị nhiều lần mà không thực hiện, không hoàn thiện pháp luật hoặc vì lợi ích gì đó mà không làm, gây thất thoát kéo dài.

Về 2 phương án trong Dự thảo Luật quy định thẩm quyền kiểm soát thu nhập, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị nên quy định theo phương án 2 (cán bộ của cơ quan nào thì cơ quan đó quản lý và xác minh tài sản) nhằm đảm bảo ổn định bộ máy, không tăng thêm biên chế và cũng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan.

Đối với quy định về tài sản, thu nhập phải kê khai, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, quy định mức 50 triệu đồng trở lên trong Dự thảo Luật là không phù hợp, nên quy định là 6 tháng lương của mức lương cao nhất, tức là khoảng 200 triệu đồng trở lên.

Góp ý vào quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề xuất quy định theo phương án 1, tức là đối với loại tài sản này, cơ quan xác minh tài sản sẽ yêu cầu nộp thuế theo quy định của Luật Thuế Thu nhập cá nhân.

Làm rõ các quy định về phát hiện tham nhũng qua thanh tra, kiểm toán

Tập trung góp ý vào các điều khoản quy định trong Dự thảo Luật về phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, giám sát, Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ: Khoản 3, Điều 64 quy định một trong những căn cứ để tiến hành thanh tra, kiểm toán, giám sát là khi có thông tin, phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng mà nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể và có cơ sở để kiểm tra, xác minh, nghĩa là giao cho KTNN thực hiện điều tra, xác minh. Tuy nhiên, theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, nếu quy định điều này thì trong Luật Tố cáo cũng phải có quy định chức năng của KTNN trong việc xác minh các vụ việc tham nhũng được lãnh đạo chỉ đạo xác minh, nhằm đảm bảo tính đồng nhất và phù hợp với quy định của Luật KTNN. Còn nếu chỉ giải quyết, khiếu nại tố cáo trong nội bộ KTNN thì Dự thảo Luật cần bỏ quy định này.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng nhấn mạnh, dù xác minh là một công việc khó nhưng với vai trò là cơ quan độc lập, khách quan và có chuyên môn, KTNN sẽ đảm nhiệm được nhiệm vụ này nếu được giao.

Đối với quy định tại Khoản 1, Điều 69 Dự thảo Luật quy định, người ra quyết định thanh tra, kiểm toán có trách nhiệm ban hành và công khai kết luận kiểm toán, báo cáo kiểm toán, việc có dấu hiệu tham nhũng, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị quy định này cũng cần có giới hạn nhằm loại trừ các tài liệu mật không được công khai.

Về xử lý trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán quy định tại Điều 70 Dự thảo Luật, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị nên bổ sung thêm cả cơ quan điều tra vì có những vụ việc thanh tra làm nhưng khi KTNN vào làm sẽ trùng nhau hoặc cả công an vào thì 3 cơ quan này phải có trách nhiệm phối hợp, thống nhất với nhau để một cơ quan thực hiện.

Cũng theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, Dự thảo Luật mới nói đến trách nhiệm của DN, tổ chức kinh tế trong việc tự PCTN, còn trách nhiệm trong việc giải trình và các trách nhiệm đối với các cơ quan PCTN chưa được quy định. Vì vậy, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị, cần quy định các DN, các tổ chức kinh tế phải chịu trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật của Nhà nước và chịu trách nhiệm về những hành vi liên quan đã quy định tại Điều 2 của Dự thảo Luật; có trách nhiệm giải trình và cung cấp hồ sơ liên quan đối với các cơ quan có trách nhiệm điều tra, xác minh dấu hiệu vi phạm, để đảm bảo các tổ chức, DN đều bị điều chỉnh bởi Luật PCTN.

“Vì chúng ta không kiểm soát đầu vào nên có những tài sản chưa chắc đã là tài sản bất minh do tham nhũng mà có. Do vậy, theo tôi, nên thực hiện phương án thu thuế theo quy định của  Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ phù hợp” (Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc)


N. HỒNG

 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201