Thứ Sáu, 29/3/2024 - 00:26:36 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Phải chống tham nhũng cả ở khu vực tư và khu vực công

THỨ BA, 05/06/2018 15:00:00 | CÔNG LUẬN VÀ KIỂM TOÁN
(BKTO) - Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi đang được quan tâm và thảo luận sôi nổi. Dự thảo có nhiều nội dung mới được sửa đổi, bổ sung liên quan đến PCTN, như việc mở rộng áp dụng PCTN với khu vực tư, giao cho kiểm toán chức năng xác minh tham nhũng…


Phòng chống tham nhũng nếu chỉ tập trung vào khu vực công thì sẽ không triệt để.

Xung quanh các nội dung này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam (KTNN) Hồ Đức Phớc.

PV: Thưa ông, dự án Luật PCTN (sửa đổi) đang được các đại biểu rất quan tâm và thảo luận sôi nổi. Nhìn tổng thể, ông quan tâm điều gì trong dự án luật này?

- Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Trong Luật PCTN, điều tôi thấy quan trọng nhất là việc tập trung phòng ngừa và xử lý tham nhũng, hơn là thiên về quản lý tài sản, kê khai và xử lý tài sản. Việc kê khai, xử lý tài sản, tìm kiếm sai phạm thông qua tài sản cũng là cần thiết. Nhưng điều quan trọng là phải phòng ngừa, phát hiện, xử lý những lỗ hổng đang bị lợi dụng để tham nhũng, gây thất thoát tài sản, đặc biệt là ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng như đất đai, khoáng sản, dự án đầu tư, thuế, ngân hàng… 

Như chúng ta biết, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ quyền hạn lợi dụng vị trí quyền hạn để vụ lợi. Nhưng ở đây chúng ta mới tìm cách chứng minh vụ lợi chứ chưa bắt đầu từ yếu tố làm thất thoát tiền và tài sản. Đây là yếu tố quan trọng. Từ việc tìm tài sản thất thoát, chúng ta mới quay trở lại làm rõ được vấn đề vụ lợi, thông qua đưa nhận hối lộ… Cho nên, theo tôi cần có thiết kế, từ lợi dụng chức vụ quyền hạn làm thất thoát tài sản nhà nước, rồi mới truy ra nhận hối lộ, vụ lợi. 
 

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc
Hơn nữa, chúng ta cũng cần phải thiết kế luật toàn diện hơn, theo đó PCTN ở cả khu vực tư và khu vực công, nếu chỉ tập trung vào khu vực công thì sẽ không triệt để. Kể cả trong lĩnh vực tư nhân, doanh nghiệp cũng phải chấp hành pháp luật nghiêm túc, có trách nhiệm trong PCTN, hoạt động minh bạch, không khai khống, hối lộ, trốn thuế… Có như vậy mới ngăn ngừa được tham nhũng, thất thoát tài sản nhà nước một cách triệt để. Tất cả mọi công dân đều phải có trách nhiệm trong việc thực thi các quy định của pháp luật thì mới xây dựng được nền kinh tế phát triển, minh bạch. 

PV: Để tăng cường năng lực PCTN, theo ông dự thảo luật còn cần bổ sung điều gì? 

- Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Theo tôi, cần giao trách nhiệm cho cơ quan PCTN một cách chủ động, cụ thể, rõ ràng, có sự kiểm tra, giám sát, như vậy sẽ tăng hiệu lực hiệu quả PCTN. Chẳng hạn như các cơ quan về ban hành chính sách, ban hành định mức chế độ tiêu chuẩn thì phải chủ động ban hành các chính sách phù hợp, khi phát hiện các lỗ hổng chính sách thì phải kịp thời có phương án khắc phục lỗ hổng đó. Ví dụ như trong các vấn đề liên quan đến dự án BOT, BT,... phải có các chính sách kịp thời để khắc phục những điểm yếu, thúc đẩy những điểm mạnh để huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng. Hay nếu vấn đề giá đất còn bất cập thì cơ quan tài nguyên môi trường, cơ quan tài chính nên tham mưu cho Chính phủ để hoàn thiện phương pháp tính giá đất, sao cho sát giá thị trường, tránh thất thoát,…  

PV: Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) bổ sung một số nội dung mới, trong đó có giao cho KTNN xác minh hành vi, mức độ tham nhũng. Ông đánh giá thế nào về nội dung này?   

- Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Dự thảo luật bổ sung Điều 63 về phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán và thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Điều 64, khoản 3 của dự thảo quy định căn cứ tiến hành thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và Điều 65 quy định KTNN kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng tại các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo thẩm quyền do pháp luật về KTNN quy định. Đây là những nội dung mới, tuy chưa có trong Luật KTNN nhưng dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) đang được cho ý kiến cũng đã đưa vào quy định về chức năng của KTNN trong xác minh các vụ việc tham nhũng.

Về phía KTNN, nếu được giao thì chúng tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Có nhiều việc trước đây luật không giao, nên chúng tôi không thể làm được. Ví dụ, trong Luật Giám định tư pháp không có điều nào giao cho KTNN, nhưng cơ quan điều tra liên tục gửi yêu cầu về KTNN và chúng tôi buộc phải từ chối. Bởi Luật Giám định tư pháp không quy định, nghị định của Chính phủ cũng không quy định nên chúng tôi không có chức năng cũng như không chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực để thực hiện việc giám định tư pháp. Sau này, nếu sửa Luật KTNN, Quốc hội giao cho KTNN giám định tư pháp thì dù đây là việc khó, nhiều áp lực, nhưng chúng tôi cũng sẽ đảm nhiệm.

PV: Việc giao cho cơ quan kiểm toán các nhiệm vụ về xác minh, làm rõ mức độ tham nhũng như vậy liệu có phù hợp không, thưa ông?

- Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Tôi cho là phù hợp vì KTNN là cơ quan độc lập, khách quan, đồng thời là cơ quan kiểm tra tài chính tối cao, có năng lực chuyên môn trong xác minh kiểm tra các vấn đề liên quan đến việc sử dụng tài chính công, tài sản công.

PV: Bên cạnh quy định về thẩm quyền, dự thảo Luật PCTN cũng quy định rõ về trách nhiệm của kiểm toán, chẳng hạn như quy định kiểm toán, thanh tra sẽ bị xem xét, xử lý trước pháp luật nếu sau khi kết thúc kiểm toán, thanh tra mà cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có vụ việc tham nhũng xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tiến hành thanh tra, kiểm toán về cùng một nội dung. Theo ông, quy định như vậy có phù hợp? 

- Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Thực ra, kiểm toán là kiểm toán theo mẫu, nếu mẫu đó đã làm rồi mà người kiểm toán giấu đi, sau này người khác phát hiện ra, chứng minh được chuyện này thì người kiểm toán đó phải chịu trách nhiệm. Quy định này tôi cho là phù hợp vì mỗi người phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, quyền phải gắn liền với trách nhiệm. 

PV: Dự thảo Luật PCTN cũng có quy định về PCTN ngay trong các cơ quan như thanh tra, kiểm toán… Ông đánh giá thế nào về quy định này? 

- Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Tất nhiên đây là quy định cần thiết, chính xác. Tôi cho rằng, đối với các cơ quan có chức năng quan trọng trong PCTN như kiểm toán, thanh tra, kiểm tra… càng phải rất nghiêm túc, liêm chính trong công tác PCTN, có như vậy mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Đối với KTNN, chúng tôi luôn đề cao đạo đức nghề nghiệp, coi tính liêm chính là ưu tiên hàng đầu, luôn quan tâm tới việc nâng cao đạo đức và kỹ năng đối phó với hành vi tiêu cực cho kiểm toán viên. Chúng tôi cũng có Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp quy định toàn diện về các giá trị và các nguyên tắc hướng dẫn công việc của Kiểm toán viên nhà nước, được xây dựng phù hợp với những quy định, yêu cầu chung về đạo đức của công chức nhà nước và đặc thù nghề nghiệp kiểm toán. 

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo HOÀNG YẾN
thoibaotaichinhvietnam.vn

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Nâng cao năng lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán

Nâng cao năng lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2021, tạo tiền đề thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đến năm 2030, KTNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung nâng cao năng lực, đổi mới tổ chức hoạt động kiểm toán, với các giải pháp khắc phục tác động của dịch Covid-19. Đồng thời tiếp tục đổi mới phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT)... Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Trần Sỹ Thanh, Tổng KTNN về các nội dung này.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201