Thứ Bảy, 20/4/2024 - 09:49:22 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tập trung giải ngân vốn trái phiếu chính phủ cho các dự án giao thông

THỨ NĂM, 09/02/2017 14:30:00 | HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
(BKTO) - Năm 2016 được xem là năm “mất mùa” giải ngân nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) đầu tư cho lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT). Nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này đã được Bộ GTVT chỉ rõ và đề ra các giải pháp khắc phục kịp thời.

Chậm giải ngân vốn TPCP

Bộ GTVT cho biết, tính đến hết tháng 12/2016, nguồn vốn TPCP ước giải ngân được 13.144 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch; đến hết tháng 01/2017, ước giải ngân được 16.532 tỷ đồng, đạt 76,8% kế hoạch. Phần vốn mới điều hòa kế hoạch cho các dự án vốn dư Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên vào cuối  tháng 10/2016 phải kéo dài giải ngân sang năm 2017 (chỉ giải ngân được 885 tỷ đồng trong tổng số 1.883 tỷ đồng được điều hòa). Như vậy, có thể thấy, giải ngân vốn TPCP năm 2016 còn thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra. 

Theo đánh giá của Bộ GTVT, có nhiều nguyên nhân khiến kết quả giải ngân kế hoạch vốn TPCP năm 2016 đạt thấp. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là các chủ đầu tư,  ban quản lý dự án (QLDA) chưa theo dõi, quản lý chặt chẽ tổng mức đầu tư, chi phí thực hiện của các dự án, dẫn tới việc lập kế hoạch giải ngân không sát với thực tế, ngoài ra còn có sự lúng túng, thiếu chủ động trong việc xác định vốn dư trong quá trình thực hiện dự án. Tại các dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, sau nhiều lần rà soát vẫn tiếp tục xác định các dự án còn dư vốn khiến việc điều hành kế hoạch của Bộ gặp rất nhiều khó khăn.

Ban QLDA mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên còn thiếu chủ động trong việc xác định vốn dư. Ảnh: TK

Một nguyên nhân nữa dẫn đến công tác giải ngân chậm là việc xử lý các thủ tục phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án (xử lý đền bù lún, nứt nhà dân trong quá trình thi công, chủ trương đầu tư các công trình hoàn trả, phê duyệt dự toán các khối lượng phát sinh, xử lý trượt giá ở các dự án Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; theo dõi, xử lý biến động về giá cả nguyên, vật liệu ở Dự án luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu; phê duyệt lại phương án tài chính dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả...) thiếu sát sao, tốn rất nhiều thời gian nhưng không xử lý được dứt điểm.

Công tác phê duyệt kết quả thanh toán cuối cùng, quyết toán các dự án cũng còn chậm trễ. Tới nay, nhiều dự án sử dụng nguồn vốn TPCP giai đoạn 2012-2015 cũng chưa phê duyệt được quyết toán để làm cơ sở xác định chính xác chi phí vốn đầu tư thực hiện, xác định kinh phí còn dư hoặc còn thiếu so với mức vốn giai đoạn được bố trí.

Giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Theo Bộ GTVT, do tỷ lệ giải ngân nguồn vốn TPCP trong năm 2016 không đạt so với kế hoạch được giao nên để phù hợp với thực tế, Bộ đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh giảm kế hoạch vốn TPCP năm 2016. Đồng thời, Bộ GTVT cũng đã nghiêm túc kiểm điểm, yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA quyết liệt đẩy nhanh giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn TPCP và rút kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch cũng như phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT để nguồn vốn được giao hằng năm đảm bảo kịp thời và phù hợp với yêu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, để đẩy nhanh giải ngân vốn cho các dự án trong lĩnh vực giao thông năm 2017, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, Bộ sẽ tăng cường nâng cao chất lượng công tác thẩm định thiết kế, dự toán các công trình, dự án đảm bảo đầu tư hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát vốn đầu tư; tăng cường công tác quản lý đấu thầu, kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những tồn tại về chất lượng, sự cố công trình. Bộ cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng; chấn chỉnh nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, ban QLDA, các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát; kiên quyết không để các nhà thầu có năng lực yếu kém tham gia các dự án của ngành.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Nhật còn yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA phải bám sát các cơ quan liên quan để xử lý dứt điểm các vướng mắc trong quá trình thực hiện; đẩy nhanh các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tư vấn, phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để khẩn trương triển khai các dự án khởi công mới; sớm hoàn thiện công tác quyết toán các dự án đã hoàn thành; đảm bảo chất lượng, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục nghiệm thu, thanh toán để giải ngân kịp thời cho nhà thầu, tư vấn. Đặc biệt, các chủ đầu tư, ban QLDA phải theo dõi chặt chẽ chi phí dự án, xác định chính xác nhu cầu sử dụng vốn của dự án để xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết, đề xuất điều hòa, điều chỉnh kế hoạch kịp thời, tránh lãng phí vốn đầu tư.
 
THU HUYỀN

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

42% doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

42% doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

(BKTO) - Dù trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và niềm tin bị giảm sút, song vẫn có 42% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết sẽ tăng vốn đầu tư trong những tháng cuối năm 2022.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201