Thứ Tư, 24/4/2024 - 13:54:04 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tăng tuổi nghỉ hưu: Cần hạn chế những tác động tiêu cực cho thị trường lao động

THỨ HAI, 05/02/2018 09:45:00 | HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
(BKTO) - Tại Dự thảo Tờ trình về sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất 2 phương án về tuổi nghỉ hưu (giữ nguyên như hiện nay hoặc nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình nam lên 62, nữ lên 60). Đề xuất này thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội với những luồng ý kiến trái chiều. Song qua các khảo sát, đánh giá cho thấy việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết và phù hợp với xu thế chung.

Thích ứng với già hóa dân số

Theo các chuyên gia, tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, khi dân số bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa nhanh, tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã tăng lên (73 - 74 tuổi). Theo thống kê, năm 2008, tỷ lệ người trên 60 tuổi ở Việt Nam là 9,5%; năm 2014 tăng lên 10,5%. Dự báo đến năm 2020, tỷ lệ người trên 60 tuổi chiếm 12,4% dân số; năm 2030 là 15,8% và năm 2040 là 20,8%. 

Độ tuổi nghỉ hưu quá sớm đặc biệt là đối với phụ nữ, một nhóm lao động lại được phép nghỉ hưu sớm, cộng với dân số đang già hóa, tuổi thọ người dân ngày càng cao và tỷ suất sinh giảm khiến tỷ lệ người lao động trên số người nghỉ hưu thấp, điều này tạo áp lực nặng nề cho Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH). Trong bối cảnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo và duy trì lực lượng lao động do sự suy giảm dân số trong độ tuổi lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề; giảm thiểu ảnh hưởng của già hóa dân số đối với hệ thống BHXH, làm chậm quá trình mất cân đối Quỹ BHXH.

Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), với số người trong độ tuổi lao động giảm đi và chế độ lương hưu “hào phóng” từ năm 2021, Quỹ hưu trí và tử tuất của Việt Nam sẽ rơi vào trạng thái thu trong năm không đủ bù chi trong năm, mà phải bắt đầu trích từ phần quỹ kết dư để chi trả.

Từ năm 2034, phần quỹ kết dư được chi trả hết, dẫn đến Nhà nước phải bố trí ngân sách để bù đắp. Do đó, để bảo đảm bền vững tài chính của Quỹ, nếu không tăng tuổi nghỉ hưu, thì chỉ có 2 cách: Nâng mức đóng của người lao động và DN hoặc giảm mức hưởng lương hưu của người lao động. Tuy nhiên, nếu nâng mức đóng sẽ khó khăn, vì tăng gánh nặng tài chính của người lao động và làm giảm sức cạnh tranh của DN. Còn nếu giảm mức hưởng lại khó đảm bảo cuộc sống cho người hưởng lương hưu. Vì vậy, nâng tuổi nghỉ hưu để cân bằng giữa đóng và hưởng là giải pháp khả thi nhất.

Mặt khác, cũng theo cơ quan soạn thảo dự Luật, nếu không tăng tuổi nghỉ hưu sẽ khiến nhiều người lao động có thâm niên, kỹ năng, chuyên môn không còn đóng góp cho đất nước. Trong khi lao động trẻ mất đi cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ những người lao động có thâm niên. Đây cũng là những tổn thất lớn cho thị trường lao động trong bối cảnh tỷ lệ lao động có kỹ năng của Việt Nam ở mức thấp (chỉ khoảng 20%). "Nếu không sớm sửa đổi tuổi nghỉ hưu trong 3-5 năm tới, những thay đổi sau đó (nếu có) sẽ khắc nghiệt hơn", Bộ LĐ-TB&XH nhận định.

Cần giải pháp để giảm tác động tiêu cực

Tăng tuổi nghỉ hưu được xem làm một giải pháp đúng đắn nhằm thích ứng với xu thế già hóa dân số và nguy cơ mất cân đối Quỹ BHXH. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là vấn đề hết sức nhạy cảm và tác động sâu rộng tới tất cả các mặt của đời sống xã hội, cần phải xem xét tác động cụ thể trên tất cả các khía cạnh (cả trực tiếp và gián tiếp) do sự thay đổi này.

Với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, cơ quan đề xuất cho rằng, khu vực Nhà nước sẽ phải có nhiều thay đổi. Bởi, nếu không có một cơ chế đánh giá năng lực cán bộ tốt, tăng tuổi nghỉ hưu có thể gia tăng gánh nặng cho khu vực Nhà nước. Cụ thể, tiền lương và các khoản chi khác (BHXH, y tế, đào tạo…) sẽ tăng, trong khi năng suất lao động giảm, do một bộ phận cán bộ có năng lực thấp, sức khỏe yếu, sức ì lớn vẫn tiếp tục ở lại trong hệ thống.

Về phần DN, tăng tuổi nghỉ hưu làm cho một số DN thiếu hụt đội ngũ lao động trẻ năng động, sáng tạo. Điều này có thể tạo ra sự mất cân đối về lao động giữa các nhóm tuổi trong cơ quan, DN. Cùng đó, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ khiến số người đăng ký thất nghiệp hoặc trợ cấp ốm đau tăng, do nhiều người không thích nghi được, hoặc sức khỏe không đảm bảo sẽ phải nghỉ sớm. 

Từ các đánh giá trên, cơ quan soạn thảo cho rằng, cùng với tăng tuổi nghỉ hưu, cần một số giải pháp chính sách để giảm tác động tiêu cực. Chẳng hạn như: cần có lộ trình tăng dần để giảm tác động tới tâm lý và thị trường lao động; tăng cường truyền thông để tạo sự đồng thuận; cần có cơ chế đánh giá năng lực cán bộ khu vực Nhà nước để đảm bảo người lao động có năng lực tiếp tục làm việc và người lao động có năng lực thấp nghỉ hưu sớm, song phải có chính sách hòa hòa, hợp lý đối với nhóm này.

Ngoài ra, hệ thống hưu trí cũng cần thiết kế linh hoạt hơn, có chính sách cho phép người lao động có thể tiếp tục làm việc hoặc nghỉ hưu sớm, đặc biệt với người lao động làm việc trong lĩnh vực nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… Đồng thời, cũng có thêm chính sách khuyến khích những lao động tiếp tục làm việc.

N.HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 05 ra ngày 01-02-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

42% doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

42% doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

(BKTO) - Dù trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và niềm tin bị giảm sút, song vẫn có 42% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết sẽ tăng vốn đầu tư trong những tháng cuối năm 2022.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201