Thứ Bảy, 11/5/2024 - 23:33:23 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Nỗ lực góp phần phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới

THỨ HAI, 21/02/2022 22:30:00 | HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
(BKTO) - Với chủ đề “Phục hồi kinh tế và Phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”, Diễn đàn DN Việt Nam thường niên (VBF) năm 2021 đã diễn ra tại Hà Nội vào ngày 21/02 dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) Carolyn Turk, quyền Giám đốc Quốc gia cấp cao Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) Amy N. Luinstra.

 

Quang cảnh Diễn đàn VBF năm 2021. Ảnh: MPI


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn. Tham dự Diễn đàn VBF năm 2021 còn có đông đảo đại diện các cơ quan Chính phủ, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, Hiệp hội DN trong nước và nước ngoài…

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2021 đánh dấu cột mốc quan trọng khi là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, là năm đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp khiến kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề và tăng trưởng thiếu vững chắc. Trong nước, đợt bùng phát dịch Covid-19 với sự xuất hiện của các biến chủng mới lây lan nhanh và nguy hiểm đã xảy ra tại nhiều địa phương. Một số trung tâm kinh tế, đô thị lớn, vùng kinh tế trọng điểm đã bị ảnh hưởng nặng; tác động nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân.

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh nhiệm vụ ưu tiên số một là phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển hướng chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Theo đó, Chính phủ đã ban hành và triển khai kịp thời nhiều giải pháp phù hợp, như quy định việc duy trì sản xuất, kết hợp phòng, chống dịch của các DN, lưu thông hàng hóa, thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, hỗ trợ người lao động… nhằm duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, chống đứt gãy chuỗi cung ứng và lao động.
 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI


Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách về gia hạn, miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, hỗ trợ an sinh xã hội; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, DN, duy trì, phục hồi và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động, tạo điều kiện cho DN giảm thiểu thiệt hại, vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kết quả đáng khích lệ của năm 2021 có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng DN, các nhà đầu tư trong và ngoài nước - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Diễn đàn sẽ là cơ hội để cộng đồng DN đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp nhằm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP; đồng thời, xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng DN trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam; thể hiện sự đồng hành của Chính phủ cùng cộng đồng DN vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Quyền Giám đốc Quốc gia cấp cao Tổ chức Tài chính Quốc tế Amy N. Luinstra cho rằng, Việt Nam cần đổi mới hướng tới những thách thức cần giải quyết, thúc đẩy số hóa liên ngành, nâng cao năng suất lao động, thu hẹp khoảng cách lao động có tay nghề thấp để nâng cao kỹ năng cho người lao động; thay đổi để hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững; giải quyết những thách thức liên quan đến đại dịch Covid-19.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia quốc tế, đại diện cộng đồng DN trong nước và ngoài nước đã có những trao đổi, thảo luận xoay quanh 03 nội dung chính: Đóng góp của cộng đồng DN vào sự phục hồi của nền kinh tế; Vai trò, trách nhiệm của DN trong phát triển chuỗi giá trị toàn cầu ổn định và bền vững; Định vị DN trong và ngoài nước trong chuỗi cung ứng nâng cao năng lực ngành sản xuất, công nghiệp hỗ trợ trong nước để phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, tăng liên kết giữa DN đầu tư nước ngoài và DN Việt Nam.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, diễn giả đối với Việt Nam và trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của bạn bè, đối tác quốc tế, các DN, nhà đầu tư trong thời gian qua; đồng thời chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc, mất mát của các DN, hiệp hội DN, tổ chức quốc tế do đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, cũng như tại Việt Nam.
 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn. Ảnh: VGP


Năm 2022, Việt Nam tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong bối cảnh “bình thường mới” với yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững, Thủ tướng cho biết Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng (khoảng trên 4% GDP) sẽ tập trung cho các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính như: mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội, việc làm; hỗ trợ phục hồi DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vào các dự án quan trọng, cấp thiết, có tính lan toả lớn; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các DN, hiệp hội DN tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam trong quá trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững trên tinh thần “đồng cam cộng khổ, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Trước những ý kiến, kiến nghị của các DN, hiệp hội DN, Thủ tướng đã giao các Bộ, ngành… nghiên cứu, tiếp thu, phản hồi và xử lý, cũng như tập trung giải quyết những tồn tại, hạn chế trong khâu thực thi, tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật, hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động của cộng đồng DN.
 QUỲNH ANH

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

42% doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

42% doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

(BKTO) - Dù trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và niềm tin bị giảm sút, song vẫn có 42% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết sẽ tăng vốn đầu tư trong những tháng cuối năm 2022.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201