Chủ Nhật, 28/4/2024 - 05:49:17 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công

THỨ HAI, 11/12/2017 09:10:00 | HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
(BKTO) - Theo số liệu của nhiều quốc gia, tài sản công bằng khoảng 1 lần GDP. Ở Việt Nam, tính đến cuối năm 2015, cơ quan hữu quan mới chỉ thống kê, báo cáo chi tiết được khối lượng tài sản công khoảng 1 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 46 tỷ USD và bằng khoảng 25% GDP. Tuy nhiên, tổng giá trị tài sản công ở Việt Nam trên thực tế còn lớn hơn rất nhiều, do phạm vi của báo cáo nói trên mới chỉ bao gồm tài sản trong khu vực hành chính và sự nghiệp công, chưa tổng hợp đến các tài sản là đất đai, tài nguyên, hạ tầng...

Quản lý tốt sẽ tránh thất thoát, lãng phí

Tài sản công là một bộ phận quan trọng trong tổng nguồn của cải của mỗi quốc gia. “Quản lý và khai thác tài sản công tốt sẽ góp phần chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng, phát huy nguồn lực nhằm tái tạo tài sản và phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu rủi ro tài khóa, đặc biệt trong bối cảnh tình hình tài khóa gặp nhiều khó khăn, quá trình chuyển đổi mục đích và quyền sử dụng tài sản đang diễn ra nhanh chóng” - Báo cáo Đánh giá chi tiêu công Việt Nam, do Chính phủ Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới vừa phát hành, nêu rõ.

Thông lệ quốc tế cho thấy, khai thác tốt hơn một đồng từ tài sản công sẽ giúp giảm vay nợ, tăng chi hay hạn chế đánh thuế một đồng tương ứng. Đây cũng là giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi nền kinh tế theo hướng thị trường, khuyến khích đầu tư, đồng thời tăng niềm tin của người dân và cộng đồng quốc tế vào khả năng quản lý của quốc gia.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2008, có hiệu lực thi hành từ năm 2009 là một bước thay đổi quan trọng sau nhiều thập kỷ tài sản công của Việt Nam chưa được đánh giá và quản lý tốt. Luật đã tạo cơ sở để củng cố và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đúng mục đích, tiêu chuẩn, chế độ, đồng thời góp phần chống lãng phí, thất thoát. Kể từ đó đến nay, Nhà nước đã rà soát, đánh giá lại và tổng hợp được số thực về tài sản đối với 3 loại: nhà đất, ô tô và tài sản khác có giá trị 500 triệu đồng trở lên.

Nhà nước cũng đã xác định và giao quyền quản lý, sử dụng tài sản cho các cơ quan, đơn vị, gắn với quyền tự chủ về tài chính ngày càng được mở rộng theo lộ trình. Đồng thời, Nhà nước áp dụng các cơ chế quản lý tài sản mới theo hướng minh bạch và thị trường nhiều hơn như định giá nhà, đất theo thị trường, thí điểm mua sắm tài sản theo phương thức tập trung, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, tăng tự chủ cho các đơn vị để đổi mới và tạo nguồn phát triển tài sản…

Phân loại tài sản công để thiết kế chính sách phù hợp

Tuy nhiên, Báo cáo Đánh giá chi tiêu công Việt Nam nhận định: các thay đổi nói trên chưa đủ mạnh và chưa toàn diện. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, các đơn vị sử dụng tài sản chưa thực sự nhịp nhàng, hiệu quả. Tình trạng lãng phí tài sản, thất thoát nguồn lực chưa được ngăn chặn kịp thời. Khả năng khai thác giá trị tài sản chưa được phát huy tối đa. Bên cạnh đó. Hiến phát năm 2013 đã xác định phạm vi tài sản công toàn diện hơn, bao gồm 3 bộ phận chủ yếu là đất đai, tài nguyên, nguồn lợi vùng trời, vùng biển; tài sản trong khu vực nhà nước và vốn nhà nước tại các tổ chức, DN; hạ tầng kinh tế - xã hội do Nhà nước đầu tư và quản lý.

Để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 với các mục tiêu quản lý đầy đủ và toàn diện tài sản công, tăng hiệu quả sử dụng tài sản thông qua các phương pháp quản lý chuyên nghiệp và theo nguyên tắc thị trường. Đồng thời nâng cao quyền tự chủ của các cơ quan, đơn vị tài sản gắn với thực hiện công khai, minh bạch, giám sát cộng đồng về quản lý, sử dụng tài sản công.

Các chuyên gia cho rằng, để có thể thực hiện tốt các mục tiêu trên, Chính phủ cần phân loại tài sản công làm cơ sở cho việc thiết kế chính sách quản lý phù hợp, từ đó cải thiện, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý. Hiện nay, nhiều quốc gia phát triển chia tài sản công thành 2 loại dựa trên chức năng chính là tài sản chính sách và tài sản thương mại.

Theo đó, tài sản chính sách chủ yếu là phục vụ quản lý nhà nước và các dịch vụ công ích. Tài sản thương mại chủ yếu là phục vụ sản xuất kinh doanh và các dịch vụ thương mại. Mặc dù Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, có nhiều tài sản mang tính hỗn hợp hoặc sẽ chuyển từ loại này sang loại kia, song Chính phủ cần nghiên cứu để áp dụng. Trong đó, cần chuyên nghiệp hóa công tác quản lý đặc biệt với tài sản mang tính thương mại.

Song song với đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị Chính phủ cần tạo một khuôn khổ pháp lý và thể chế đồng bộ làm nền tảng cho việc cải thiện, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài sản công. “Hệ sinh thái” đồng bộ này cần bao phủ các chuẩn mực kế toán, kiểm toán, định giá tốt và cơ chế quản lý, đánh giá, khen thưởng/kỷ luật trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Đến nay, Luật NSNN 2015, Luật Kế toán 2015 và Luật Đất đai 2013 đã đưa ra những nguyên tắc cơ bản theo hướng này. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 cũng đã quán triệt các nguyên tắc đó. Hiện vấn đề đặt ra là cần quy định chi tiết: tổng hợp đầy đủ các loại tài sản công và định giá theo thị trường; phân bổ các chi phí về tài sản theo phương pháp dồn tích; tổ chức bộ máy quản lý tài sản công có tính chuyên nghiệp cao. Bên cạnh đó, cần phải gắn giao quyền với việc tăng cường trách nhiệm giải trình về hiệu quả sử dụng tài sản công, cũng như tăng cường các hệ thống thông tin quản lý và báo cáo tài sản công.

H.THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 49 ra ngày 07-11-2017

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

42% doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

42% doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

(BKTO) - Dù trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và niềm tin bị giảm sút, song vẫn có 42% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết sẽ tăng vốn đầu tư trong những tháng cuối năm 2022.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201