Thứ Sáu, 29/3/2024 - 13:24:39 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Doanh nghiệp kế toán - kiểm toán sẽ phải cạnh tranh với các công ty công nghệ

THỨ HAI, 05/03/2018 14:45:00 | GÓC NHÌN CHUYÊN GIA
(BKTO) - Ông TRẦN HỒNG KIÊN - Phó Tổng giám đốc PwC Việt Nam trả lời phỏng vấn của Đặc san Kiểm toán.

Xin chào ông! Năm 2017 vừa khép lại với nhiều đánh giá tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đó, ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của ngành kế toán - kiểm toán đối với nền kinh tế cũng như những khó khăn mà ngành sẽ phải đối mặt trong thời gian sắp tới?

Năm 2017, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng như: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong 10 năm gần đây (6,81%), nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cả về tiêu chí vốn đăng ký và vốn giải ngân, kim ngạch xuất khẩu cao, thành công của các thương vụ mua bán sáp nhập lớn… Đây là thành công chung của toàn bộ nền kinh tế, trong đó có những đóng góp tích cực của ngành kế toán - kiểm toán. 

 

 Ông TRẦN HỒNG KIÊN - Phó Tổng giám đốc PwC Việt Nam
 
Năm 2017, nhiều sự kiện quan trọng của ngành kế toán - kiểm toán đã diễn ra, giúp cho các hoạt động này đi sâu hơn về bản chất, hướng tới chất lượng và sự minh bạch. Định hướng phát triển ngành kế toán - kiểm toán đã được thể hiện rõ ràng hơn theo hướng hội nhập với sự tham gia tích cực từ các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức phát triển quốc tế và các công ty kiểm toán.

Điểm nổi bật nhất là sự kiện Bộ Tài chính đã cùng Ngân hàng Thế giới phối hợp công bố Báo cáo Đánh giá sự tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc lĩnh vực kế toán - kiểm toán (ROSC), trong đó nêu rõ thực trạng công tác kiểm toán, kế toán tại Việt Nam hiện nay. Sự kiện này đi kèm với việc Bộ Tài chính phát hành Dự thảo Đề án về áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) tại Việt Nam, giúp ngành kế toán - kiểm toán xác định được mục tiêu và phương hướng trong các năm tiếp theo. 

Thị trường kế toán - kiểm toán đã có đóng góp tích cực trong việc đưa ra các thông tin tài chính minh bạch, kịp thời cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài sẽ có yêu cầu ngày càng cao về tính minh bạch thông tin theo chuẩn quốc tế.

Cùng với đó, chất lượng dịch vụ kiểm toán cũng là thách thức đặt ra cho Việt Nam, khi chúng ta đang có các công ty kiểm toán với số lượng lớn và quy mô khác nhau. Phải có giải pháp để các công ty kiểm toán này có động lực đầu tư vào chất lượng kiểm toán chứ không phải là cuộc cạnh tranh về giá, phí. Tình trạng đó cần sớm được điều chỉnh trong thời gian tới. 

Giữa bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán Việt Nam sẽ có những cơ hội và những thách thức nào, thưa ông?

Khi Việt Nam càng hội nhập sâu rộng, các cơ hội mới sẽ luôn đi kèm với thách thức mới. Cơ hội lớn nhất đối với dịch vụ kế toán - kiểm toán là việc mở rộng quy mô và loại hình dịch vụ mới, chẳng hạn một số nước đang phát triển dịch vụ đảm bảo về an toàn chất lượng thực phẩm.

Thách thức sẽ là cạnh tranh. Sự cạnh tranh không chỉ giữa các công ty đang cung cấp dịch vụ kế toán - kiểm toán truyền thống, mà còn với cả các DN phi truyền thống và các DN công nghệ. Trong một hội thảo ở khu vực mà tôi tham dự, có diễn giả còn đặt ra nguy cơ thu hẹp dịch vụ kiểm toán truyền thống, đặc biệt khi công nghệ Blockchain được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực tài chính. Ngay tại thời điểm này, các công ty công nghệ như Google và Alibaba cũng đã cung cấp các dịch vụ tư vấn tài chính và tư vấn thuế. 

Theo ông, ngành kế toán - kiểm toán Việt Nam cần trang bị những gì để có thể vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội một cách tốt nhất?
Tôi cho rằng, điều đầu tiên, Việt Nam nên nghiên cứu và áp dụng các chuẩn mực kế toán - kiểm toán quốc tế hiện đang được các quốc gia trên thế giới sử dụng. Việc giảm thiểu sự khác biệt không cần thiết giữa các quy định của Việt Nam và các thông lệ quốc tế cần được xem xét một cách toàn diện và cần được triển khai sớm hơn. Khi chúng ta dùng chung một “ngôn ngữ” với quốc tế, việc hội nhập sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn nhiều. 

Cùng với đó, các hiệp hội nghề nghiệp kế toán - kiểm toán Việt Nam cũng cần được trao quyền nhiều hơn trong những vấn đề liên quan đến việc phát triển và đưa ra hướng dẫn đối với các chuẩn mực kế toán - kiểm toán. Các cơ quan quản lý nhà nước nên tập trung nhiều hơn vào khía cạnh giám sát và quản lý đối với các hiệp hội nghề nghiệp cũng như các công ty kiểm toán. 

Là lãnh đạo một công ty đã sử dụng nhiều lao động có các chứng chỉ hành nghề kế toán - kiểm toán quốc tế, ông đánh giá như thế nào về chất lượng và khả năng đáp ứng công việc của nguồn nhân lực này? 

Hàng năm, chúng tôi đều tuyển dụng một số lượng lớn nhân viên, bao gồm người mới ra trường và người đã có kinh nghiệm, trong đó, nhiều nhân viên đã có chứng chỉ hành nghề quốc tế cũng như chứng chỉ hành nghề của Việt Nam. Những năm gần đây, chất lượng đào tạo của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Nhiều sinh viên học tại Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực qua các kỳ tuyển dụng và quá trình công tác, không thua kém với các sinh viên được đào tạo ở nước ngoài. 

Mặc dù vậy, vai trò định hướng chất lượng dịch vụ từ các lao động có chứng chỉ quốc tế là không thể phủ nhận. Bởi lẽ, chương trình đào tạo chứng chỉ quốc tế thường do các hội nghề nghiệp nổi tiếng thực hiện, nội dung đào tạo tập trung theo chuẩn mực quốc tế - là các chuẩn mực mà Việt Nam đang hướng tới. 

Công ty PwC không đặt cao tiêu chí tuyển dụng dựa vào chứng chỉ quốc tế. Tuy nhiên, toàn bộ nhân viên kiểm toán của chúng tôi sẽ được yêu cầu học và đạt được chứng chỉ trong nước hay quốc tế như: VACPA, ACCA, CPA Australia, ICAEW. Đây là yêu cầu tiên quyết gắn với việc thăng tiến trong nghề nghiệp của chúng tôi. 

Ông dự đoán như thế nào về xu hướng phát triển của thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán trong năm 2018?

Theo tôi, năm 2018 sẽ tiếp tục là một năm sôi động đối với thị trường kế toán - kiểm toán của Việt Nam, bởi những dự báo khả quan về tăng trưởng đầu tư nước ngoài, các thương vụ mua bán sáp nhập, cổ phần hóa các DNNN, kế hoạch tái cấu trúc của các DN, đặc biệt là những thay đổi trong các quy định pháp luật có liên quan đến lĩnh vực kế toán và kiểm toán.

Thời gian qua, các DN kiểm toán Việt Nam đã trải qua quá trình phát triển về số lượng. Năm 2018 và các năm kế tiếp, các DN kiểm toán này phải tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ. Các cổ đông sẽ có tiếng nói cao hơn trong việc lựa chọn công ty kiểm toán theo tiêu chí chất lượng để bảo vệ quyền lợi của mình, thay vì chỉ quan tâm đến giá, phí.

Năm 2018, tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ ra quyết định liên quan đến việc áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) tại Việt Nam. Đây sẽ là tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ lĩnh vực kế toán - kiểm toán của Việt Nam trong các năm tiếp theo, tạo động lực hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

XUÂN HỒNG (thực hiện)
Theo Đặc san Kiểm toán số 68 ra tháng 02/2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân

Kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân

(BKTO) - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc phòng, chống chủ nghĩa cá nhân.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201