Thứ Bảy, 4/5/2024 - 00:01:26 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Xóa bỏ cơ chế quan liêu, bao cấp trong giáo dục đại học

THỨ NĂM, 06/10/2016 08:00:00 | GIÁO DỤC
(BKTO) - Đó là ý kiến của Giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam khi trao đổi với Báo Kiểm toán về kết quả thực hiện tự chủ đại học (ĐH) sau 30 năm đất nước đổi mới (từ 1986 đến nay).

Là người gắn bó và luôn theo sát quá trình đổi mới giáo dục ĐH, Giáo sư có nhận định gì về chặng đường tự chủ ĐH vừa qua?

Đã hơn ba mươi năm đổi mới nhưng các lĩnh vực văn xã nói chung và giáo dục nói riêng vẫn còn mang đậm nét của cơ chế quan liêu, bao cấp trong quản lý. Đó là lý do tự chủ ĐH chậm được xác lập. Nền giáo dục ĐH nước ta được hình thành, hoạt động trong cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp trong một thời gian rất dài với sự tồn tại độc tôn của các trường công lập, được bao cấp bằng NSNN. Xóa bỏ tư duy này không phải dễ, nhưng là cần thiết để cởi trói cho các trường khỏi tình trạng “múa gậy trong bị”, không có động lực phát triển, thông qua con đường tự chủ.

Giáo sư Trần Hồng Quân. Ảnh: P.V

Cũng xin nói thêm, câu chuyện tự chủ ĐH không lạ trên thế giới nhưng chưa quen với ta. Ở ta phải thực hiện cùng lúc nhiều việc, vừa thuyết phục, vừa phải nghiên cứu cách thức tự chủ sao cho phù hợp với hoàn cảnh và thể chế chính trị, kinh tế. Đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với việc thực hiện tự chủ giáo dục ĐH. Từ sau khi đất nước đổi mới đến nay, chỉ có một vài trường công lập nhờ các Bộ chủ quản có quan niệm đúng, trao quyền tự chủ cao nên hoạt động rất tốt, như trường ĐH Tôn Đức Thắng, trường ĐH Công nghiệp TP. HCM, Học viện Công nghệ Bưu Chính Viễn thông… Riêng hai ĐH quốc gia, do có yêu cầu đặc biệt nên cũng được nhận các quy chế đặc biệt với quyền tự chủ cao.

Hiện nay, nhận thức về vấn đề tự chủ ĐH của xã hội nói chung được cho là chưa đầy đủ, toàn diện. Giáo sư có bình luận gì về vấn đề này?

Tự chủ ĐH là một chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Đây được coi là bước đột phá cần thiết, là biện pháp chủ đạo để tháo gỡ khó khăn nhằm phát triển mạnh mẽ giáo dục ĐH Việt Nam. Tuy nhiên, trong nhận thức về vấn đề tự chủ hiện vẫn còn nhiều bất cập, gây cách hiểu chưa đúng, trong đó, tự chủ vẫn bị hiểu lệch quá nhiều về tài chính mà ít chú ý đến vấn đề chuyên môn, bộ máy… Do đó, chúng tôi cho rằng cần thống nhất một số vấn đề nhận thức trong việc giao, thực hiện quyền tự chủ. Một là, trao quyền tự chủ cho các trường ĐH không có nghĩa là mọi trường đều được hưởng mức độ tự chủ như nhau. Trên thế giới có tồn tại một “phổ” rộng về mức độ tự chủ: Những trường được trao quyền tự chủ tối đa là những trường ĐH có hàm lượng trí tuệ cao, tức là những trường ĐH nghiên cứu; còn các trường theo hướng nghề nghiệp - ứng dụng vẫn phải chịu sự kiểm soát và giám sát từ phía Nhà nước, đặc biệt về mặt học thuật.

Hai là, quyền tự chủ của trường ĐH càng lớn thì trách nhiệm xã hội càng cao. Ở đây, trách nhiệm xã hội không phải chỉ là lời hứa suông mà là trách nhiệm của nhà trường đối với người học, xã hội và với Nhà nước. Trách nhiệm này bao gồm: việc đảm bảo chất lượng đào tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thông tin minh bạch và trách nhiệm báo cáo, giải trình công khai với công chúng, đem lại sự thỏa mãn cho sinh viên và cộng đồng.

Ba là, quyền tự chủ của nhà trường không thể trao cho một cá nhân (Hiệu trưởng) mà phải trao cho một Hội đồng trường có thành viên chủ yếu là các đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội. Bốn là, phải từng bước tiến tới xóa bỏ cơ chế “Bộ chủ quản” để đảm bảo cho Hội đồng trường hoạt động hữu hiệu. Cuối cùng, trao quyền tự chủ cho trường ĐH hoàn toàn không đồng nhất với cơ chế phân quyền trách nhiệm giám sát trường ĐH cho các địa phương.

Theo Giáo sư, ngoài khắc phục hạn chế về nhận thức, những ưu tiên trong nỗ lực tháo gỡ rào cản đối với tự chủ ĐH hiện nay là gì?

Trước tiên cần tháo gỡ các quy định trong Luật Lao động, Luật NSNN và quy định về quản lý đào tạo, quản lý khoa học hiện hành. Đặc biệt là các quy chế tổ chức hoạt động các loại cơ sở đào tạo ĐH nhằm giải quyết các mối quan hệ giữa trường và cơ quan quản lý; giữa nhà trường với người học, xã hội; mối quan hệ tương quan trong nội bộ khi tiến hành tự chủ ĐH. Nhưng nói gì thì nói, muốn thực hiện tốt một chính sách mới, nguồn lực con người là quan trọng nhất và cần được đầu tư hàng đầu.  

Tiếp đến, thay vì cấp ngân sách cho các trường hoạt động như trước đây, Nhà nước cần chuyển từ cơ chế đầu tư sang hình thức khác ví dụ như đặt hàng đào tạo, đặt hàng nghiên cứu khoa học; trong trường hợp đặc biệt có thể đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm chất lượng cao... Về nguyên tắc, phải tiến tới các trường có quyền quyết định mức học phí để bù đủ chi phí đào tạo theo điều kiện bảo đảm chất lượng tương xứng của nhà trường.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
NGUYỄN LỘC (Thực hiện)

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201