Chủ Nhật, 19/5/2024 - 14:31:27 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tăng chi ngân sách, gắn với thu hút nguồn lực xã hội hóa để thúc đẩy đổi mới, phát triển giáo dục đại học

THỨ HAI, 30/05/2022 09:50:34 | GIÁO DỤC
(BKTO) - Kiến nghị Chính phủ xem xét lộ trình tăng tỷ trọng chi NSNN cho giáo dục đại học (GDĐH) tương đương với mức chi của các nước trong khu vực, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng đề nghị cần đẩy mạnh xã hội hóa GDĐH nhằm tận dụng, phát huy hiệu quả các nguồn lực, góp phần thúc đẩy việc đầu tư, đổi mới và nâng cao chất lượng GDĐH.

Tăng chi ngân sách, gắn với thu hút nguồn lực xã hội hóa để thúc đẩy đổi mới, phát triển giáo dục đại học. Ảnh tư liệu


Tăng chi ngân sách cho giáo dục đại học...

Theo số liệu kế hoạch ngân sách do Bộ Tài chính cung cấp thì tỷ trọng chi NSNN cho GDĐH của Việt Nam chỉ chiếm 0,25% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực châu Á, cũng như Đông Nam Á.

Trong khi đó, tỷ trọng chi NSNN cho GDĐH trong GDP của Indonesia chiếm 0,57%, Thái Lan 0,64%, Trung Quốc 0,87%, Singapore 1,00%, Malaysia 1,13%,…

Trước thực trạng này, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã kiến nghị cần tăng nguồn chi ngân sách cho GDĐH để các trường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo.

Phản hồi về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết, mức chi ngân sách cho GDĐH hiện nay là thấp và Bộ đã đề nghị Chính phủ xem xét có lộ trình tăng tỷ trọng chi NSNN cho GDĐH bằng mức trung bình trong khu vực để đảm bảo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, hiện nội dung này cũng đã được Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đánh giá và đưa vào dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong thời gian tới.
 
Dự thảo Khung Chiến lược phát triển GDĐH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được Bộ GD&ĐT xây dựng cũng đặt ra một trong các mục tiêu cụ thể là “Tổng kinh phí chi toàn quốc cho GDĐH tăng bình quân hàng năm gấp 2 lần mức tăng GDP, đạt tỷ trọng 1,5% GDP vào năm 2030”.

Nhấn mạnh nguồn chi ngân sách cho giáo dục nói chung, GDĐH nói riêng hiện quá thấp, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần tăng tỷ trọng này khi cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội), tỷ lệ đầu tư giáo dục rất thấp trong tổng số vốn kế hoạch ngân sách Trung ương đầu tư giai đoạn 2021-2025, chỉ chiếm 3,8%. Ông Cường cho rằng mức chi này là “không thỏa đáng”, không tương xứng với vai trò của giáo dục trong phát triển nguồn nhân lực được xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, đó là “ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo”.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) đề nghị dành nguồn đầu tư công thỏa đáng cho giáo dục. Khi được đầu tư, cải thiện điều kiện dạy và học, các cơ sở đào tạo sẽ chuẩn bị nguồn nhân lực và lực lượng sản xuất trong xu thế phát triển mới, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Điều này đảm bảo nền kinh tế có thể thích ứng và phục hồi nhanh nhất sau đại dịch, tận dụng thời cơ dân số vàng.

... đi đôi với đẩy mạnh xã hội hóa

Cùng với đề nghị tăng tỷ lệ chi NSNN cho GDĐH, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ tăng cường các giải pháp để đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội.

 

Tạo sự thông suốt trong triển khai thu hút nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường đại học. Ảnh: N.LỘC
 


Vừa qua, Luật Giáo dục, Luật GDĐH năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) và các văn bản hướng dẫn có liên quan đã quy định cụ thể về việc thành lập và hoạt động của các cơ sở GDĐH tư thục, cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Đây chính là những cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai hoạt động xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư ngoài NSNN cho GDĐH.

Bên cạnh những quy định mới nhằm thúc đẩy xã hội hóa nguồn lực đầu tư trong luật, Bộ GD&ĐT cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao cho Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách về thuế, tài chính, đất đai nhằm thu hút đầu tư, tạo hành lang pháp lý về xã hội hóa đầu tư phát triển giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng, tạo thuận lợi, ưu đãi khuyến khích đầu tư cho phát triển giáo dục.

Theo PGS,TS. Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, việc ban hành các văn bản, quy định với vai trò là khung khổ pháp lý cho hoạt động thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội vào GDĐH đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với GDĐH. Song điều được các trường mong chờ nhất, đó là cần có những hướng dẫn và đảm bảo để các quy định được triển khai trong thực tiễn.

Đơn cử như thời gian vừa qua, nhiều cơ sở GDĐH vẫn phản ánh về tình trạng quy định ưu đãi thuế, ưu đãi thuê đất cho cơ sở giáo dục đã được ban hành, song việc áp dụng tại mỗi địa phương một kiểu, gây khó khăn cho các trường. Để tạo sự thông suốt trong thực hiện, đòi hỏi trách nhiệm, sự phối hợp nhịp nhàng của các bên, trong đó Nhà nước đóng vai trò quản lý, điều tiết và giám sát tối cao.

“Việc huy động, quản lý các nguồn lực, kể cả từ NSNN hay xã hội hóa của các trường trước tiên phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc là đúng quy định của pháp luật” - PGS,TS. Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh và lưu ý với các trường, việc có được các nguồn lực là quan trọng, song việc tạo dựng, giữ vững niềm tin của nhà trường với người dân, xã hội càng quan trọng hơn và đây chính là tiền đề để nâng cao khả năng thu hút các nguồn lực đầu tư.

Do đó, PGS,TS. Trần Xuân Nhĩ đề nghị, trong bối cảnh Chính phủ, Bộ GD&ĐT đang nỗ lực thực hiện các giải pháp, cho phép các trường huy động nguồn lực đầu tư hợp pháp đầu tư, thì bản thân các trường cần khai thác, sử dụng hiệu quả, có trách nhiệm đối với nguồn lực được đầu tư; đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo để nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
NGUYỄN LỘC

 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201