Thứ Bảy, 20/4/2024 - 23:38:36 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Ngân sách cho giáo dục đại học cần được phân bổ theo đơn đặt hàng của Nhà nước

THỨ HAI, 24/12/2018 09:25:00 | GIÁO DỤC
(BKTO) - Cơ chế phân bổ NSNN cho giáo dục đại học (GDĐH) đang rất phức tạp, manh mún, mang tính bình quân, chưa gắn với chất lượng và kết quả đầu ra. Việc thay đổi từ phương thức phân bổ NSNN theo dự toán sang phương thức Nhà nước đặt hàng đào tạo, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học là những biện pháp hàng đầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả chi NSNN cho GDĐH hiện nay.

Nguồn lực bị phân tán vì quá nhiều cơ quan chủ quản 

Tại Hội thảo “Cơ sở khoa học và thực tiễn đánh giá hiệu lực, hiệu quả chi NSNN cho giáo dục” do Học viện Tài chính tổ chức mới đây, PGS,TS. Hoàng Thị Thuý Nguyệt - Học viện Tài chính - cho biết: Năm 2016, Nhà nước dành cho GDĐH khoảng 10% tổng chi ngân sách giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), tuy nhiên, nếu không tính học phí, GDĐH chỉ nhận được 4%. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đây là mức chi cực thấp đối với một quốc gia có tham vọng trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035 như Việt Nam.

Có một nghịch lý là, trong khi nguồn lực đang rất ít ỏi thì cơ chế phân bổ chi trực tiếp cho các trường đại học lại bị phân tán do có quá nhiều bộ và địa phương chủ quản. Năm 2016, cả nước có 213 trường đại học, trong đó 153 trường đại học công lập, Bộ GD&ĐT quản lý trực tiếp 48 trường, các bộ khác 80 trường, chính quyền địa phương 23 trường và 2 Đại học Quốc gia trực thuộc Chính phủ. Mặc dù Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về số lượng nhập học, chương trình và chất lượng đào tạo của tất cả các trường trong cả nước nhưng về tài chính thì lại được quản lý bởi các bộ liên quan như: Bộ Công thương, Bộ Y tế,… Điều này dẫn đến khó khăn trong việc gắn kết giữa kết quả phân bổ và ưu tiên chiến lược quốc gia.

Từ năm 2002 đến nay, có hai căn cứ để phân bổ ngân sách thường xuyên cho các trường đại học, đó là: định mức phân bổ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với các trường có khả năng tăng nguồn thu sự nghiệp, các bộ chủ quản thường cố định mức ngân sách cấp trong thời gian tự chủ 3 năm và giảm dần khi chuyển sang chu kỳ tự chủ mới.

Còn với các trường khó khăn hơn, cơ chế đàm phán sẽ được áp dụng để xin bộ chủ quản tăng khoảng 10 - 15% ngân sách cấp cho năm sau. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chi thường xuyên từ NSNN/1 sinh viên có sự chênh lệch lớn giữa các bộ, dẫn đến tình trạng thiếu công bằng ngay trong cùng một nguồn tài chính - PGS,TS. Hoàng Thị Thuý Nguyệt đánh giá.

Lý giải về những bất cập trên, PGS,TS. Nguyễn Trường Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) - cho rằng, cách phân bổ hiện nay không tạo động lực cho các trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo các ngành cần nhiều chi phí, mặc dù xã hội có nhu cầu cao. Từ năm 2008 đến nay, NSNN phân bổ cho GDĐH thường ổn định trong khoảng 3 năm và có điều chỉnh nhỏ hằng năm. Mặc dù Bộ GD&ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm tổng thể để giám sát sự phát triển của GDĐH nhưng hiện nước ta không có cơ chế nào cho phép Bộ này biết và giám sát việc phân bổ ngân sách thực tế đối với các trường ở các tỉnh cũng như ở các bộ khác.

PGS,TS. Nguyễn Trường Giang nhận định: Việc có quá nhiều bên liên quan tham gia vào quá trình phân bổ ngân sách cho các trường đại học đã khiến vấn đề này trở nên phức tạp, đồng thời, công tác quản lý tài chính trong GDĐH cũng bị manh mún, tăng sự trì trệ đối với chính sách ngành khi giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh, phân bổ ngân sách và xác định các mức học phí cũng như học bổng. Mặc dù Luật GDĐH gần đây nhất đã đưa ra một số biện pháp nhằm “loại bỏ sự kiểm soát của các bộ chủ quản” song điều này vẫn chưa được thực hiện.  

Cần phân bổ ngân sách theo hướng đặt hàng đào tạo

Theo PGS,TS. Nguyễn Trường Giang, nếu các nhà quản lý vẫn giữ tư duy NSNN là nguồn tài trợ chủ yếu thì với khả năng hạn hẹp của NSNN hiện nay, GDĐH sẽ không phát triển, nhu cầu đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước và nhu cầu học tập của người dân sẽ không được đáp ứng. 

Vì vậy, cơ quan quản lý cần nghiên cứu thay đổi phương thức phân bổ NSNN để vận hành các cơ sở GDĐH công lập theo hướng Nhà nước đặt hàng đào tạo dựa trên nhu cầu. Theo đó, yêu cầu cần thiết đối với tất cả các cơ sở GDĐH là đảm bảo chất lượng. Để thực hiện yêu cầu này, các cơ quan nhà nước cần ban hành những chuẩn mực về tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, tiếp cận với chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế trên tinh thần hội nhập. Các cơ sở đại học cần cam kết và thực hiện theo chuẩn chất lượng đã được quy định. Bên cạnh các tổ chức kiểm định của Nhà nước, cần có những tổ chức kiểm định độc lập nhằm tiến hành đánh giá một cách khách quan, minh bạch về chất lượng đào tạo.

Đồng quan điểm nêu trên, PGS,TS. Hoàng Thị Thuý Nguyệt đề xuất thêm hai giải pháp đối với việc đổi mới cơ chế phân bổ NSNN cho GDĐH: 
Một là, tái cơ cấu các kênh tài trợ thông qua việc thiết lập một tổ chức tài trợ hợp nhất. Các trường đại học sẽ phải phấn đấu để nâng cao mức độ tự chủ tài chính, tiến tới tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên. Học phí cần được điều chỉnh tăng dần để phản ánh đầy đủ các yếu tố cấu thành chi phí. Cùng với đó, Nhà nước sẽ chuyển dần sang cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các trường đại học để đào tạo những ngành nghề mà xã hội có nhu cầu, nhưng ít có khả năng thu hút người học. Nói cách khác, các trường đại học sẽ phải cạnh tranh để có thể có được “hợp đồng đặt hàng, giao nhiệm vụ” từ các cơ quan nhà nước. 

Hai là, gắn cấp ngân sách chi thường xuyên với kết quả hoạt động, đồng thời đảm bảo tính ổn định về tài chính cho các cơ sở GDĐH. Nhà nước vẫn nên dành một phần ngân sách chi thường xuyên để tài trợ theo công thức dựa trên đầu vào hoặc đầu ra, nhằm đảm bảo tính ổn định về tài chính cho các cơ sở GDĐH. Tất nhiên, tiêu chí để cấp tài trợ cần được xác định rõ ràng với các tiêu chuẩn tối thiểu. Bên cạnh đó, phần lớn chi ngân sách thường xuyên của Nhà nước sẽ chuyển sang phân bổ theo kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Phát biểu tại Hội thảo, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng thể hiện sự đồng tình với các giải pháp trên. Theo ông Phong, một mặt Nhà nước cần giảm dần kinh phí từ NSNN cho GDĐH nhưng vẫn phải tiếp tục duy trì kiểm soát về mục tiêu, chất lượng đào tạo, trần học phí cũng như trách nhiệm giải trình… Mặt khác, các trường cần được chủ động về bộ máy, tuyển sinh, chuyên môn, học phí, các nguồn thu theo chương trình đào tạo; liên kết với các DN, cơ quan, T.Ư và địa phương; minh bạch và công khai quy chế chi tiêu và kiểm soát nội bộ. Đặc biệt, cơ chế phân bổ NSNN phải gắn với mục tiêu và chất lượng đào tạo đặt hàng, kiểm định chất lượng đào tạo độc lập; thực hiện công bằng việc hỗ trợ tài chính cho người học thuộc đối tượng chính sách, sinh viên xuất sắc giữa trường công và tư, giữa tự chủ và không tự chủ.

THÙY LÊ
Theo Báo Kiểm toán số 51 ra ngày 20-12-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201