Thứ Sáu, 19/4/2024 - 09:35:13 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến - cơ hội mới cho đào tạo từ xa

THỨ NĂM, 16/12/2021 20:35:00 | GIÁO DỤC
(BKTO) - Trong 2 năm đại dịch, nhiều hoạt động giao lưu kết nối chuyển sang hình thức trực tuyến, việc dạy và học cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Không chỉ nhằm thích ứng với tình hình, việc tổ chức dạy và học trực tuyến cũng tạo động lực thúc đẩy thực hiện chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ, trong đó có chuyển đổi số giáo dục đại học (GDĐH).

Đây là vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận tại Hội thảo: “Đào tạo trực tuyến cho giáo dục đại học Việt Nam” do Trường Đại học Mở Hà Nội kết hợp với Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức ngày 15/12 theo hình thức trực tuyến.

Xây dựng quy chuẩn đầu ra đảm bảo chất lượng dạy học

Phát biểu tại Hội thảo, PGS,TS. Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh, thời gian qua, hệ thống các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã tổ chức đào tạo trực tuyến bảo đảm tiến độ học tập của sinh viên. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 ở Việt Nam và tiếp tục có diễn biến phức tạp, đào tạo trực tuyến có vai trò quan trọng và trở thành phương thức đào tạo chủ lực.
 

Các đại biểu dự Hội thảo trực tuyến. Ảnh chụp màn hình: N.LỘC


TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - khẳng định, đào tạo trực tuyến đang là xu thế tất yếu trong GDĐH hiện đại. Hình thức đào tạo này không chỉ phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh như đại dịch Covid-19, mà còn phù hợp trong điều kiện bình thường, nhất là khi công nghệ đang hỗ trợ tích cực đổi mới cách dạy - học, nhu cầu người học đang có sự thay đổi mạnh mẽ theo xu hướng cá thể hóa. Do đó, nếu được triển khai đúng cách, đào tạo trực tuyến sẽ giúp người học có một lộ trình học tập phù hợp với quỹ thời gian và các điều kiện cá nhân. Đây chính là cơ sở cho việc thực hiện cách tiếp cận cá thể hóa trong giáo dục.

Còn theo TS. Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng (Trường Đại học Giáo dục), đối với GDĐH, đã đến lúc đào tạo trực tuyến cần được xác định rõ vai trò và xây dựng kế hoạch tổ chức bài bản, lâu dài, thay vì chỉ coi đây là phương thức kết nối tạm thời. Do đó, cần sớm xây dựng chuẩn đầu ra, bởi đây là tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng trong đào tạo trực tuyến. 

Ngoài ra, cần tránh trường hợp áp dụng quy chuẩn đầu ra của việc học trực tiếp giống như học trực tuyến. “Hiện nay chúng ta tổ chức đào tạo trực tuyến vẫn dùng nguyên đề cương học phần của trực tiếp để áp dụng, điều này khó có thể hiệu quả. Do đó, cần có sự thay đổi chương trình đào tạo khi có sự thay đổi phương thức truyền tải, thực tế hiện nay vấn đề này chưa được chú trọng” - ông Huy nêu thực trạng.

Cần kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến

Đề cao vai trò của đào tạo trực tuyến, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một số chính sách liên quan đến đào tạo trực tuyến, nổi bật là Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ban hành quy chế đào tạo trình độ đại học. Thông tư này cho phép các cơ sở đào tạo được tổ chức học theo phương thức trực tuyến khi đáp ứng các quy định hiện hành về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng. 

Nhấn mạnh đào tạo tực tuyến là nhu cầu tất yếu, TS. Dương Thăng Long – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội cho rằng, đây còn là nhu cầu tự thân đối với các cơ sở GDĐH Việt Nam nói chung và với những trường có đào tạo từ xa nói riêng. Công nghệ đã giúp xóa nhòa khoảng cách về chất lượng đào tạo, dù là từ xa hay trực tiếp.
 

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội Dương Thăng Long phát biểu. Ảnh chụp màn hình: N.LỘC


Từ thực tế triển khai đào tạo trực tuyến của đơn vị thời gian qua, TS. Dương Thăng Long - cho rằng, để triển khai đào tạo trực tuyến hiệu quả, nên chia thành 2 cấp độ. Thứ nhất là, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy – học và quản lý, có thể là khảo thí, đánh giá. Ở mức cao hơn là có được một hệ thống đào tạo trực tuyến đầy đủ, mà ở đó có cả chính sách, hành lang pháp lý để phát triển.

Thứ hai là, yếu tố con người bao gồm người dạy và người học, nhà quản lý. Vấn đề là, tổ chức như thế nào, giải quyết bài toán ra sao để tạo nên hệ thống đào tạo trực tuyến tổng thể.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh đến những khó khăn trong quá trình chuyển đổi từ học trực tiếp sang trực tuyến. Việc đào tạo phẩm chất, kỹ năng cho người học đang bị thiếu hụt nếu học sinh và thầy cô chỉ nói chuyện với nhau qua màn hình. Để giải quyết vấn đề trên, nhiều ý kiến cho rằng, về lâu dài trong xu hướng chuyển đổi số giáo dục cần có phương thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Trong đó, cần quan tâm đến việc chuẩn bị các điều kiện dạy và học, yếu tố tâm lý và lộ trình phù hợp để tránh rủi ro cho người học khi tiếp xúc quá lâu với các thiết bị điện tử. “Dạy học trực tuyến không phải phiên bản online của buổi học trực tiếp. Đó là kết quả quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, phương pháp giảng dạy, cách thức đánh giá và ứng dụng công nghệ phù hợp” - TS. Phạm Như Nghệ lưu ý.
 
Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam là quốc gia tiên phong và trở thành một trong những nước đi đầu trong chuyển đổi số về giáo dục và đào tạo. Nhiều chính sách chuyển đổi số đã được ban hành và tác động tích cực tới quá trình chuyển đối số trong giáo dục, đào tạo. Đáng kể nhất là việc chuyển đổi quản lý, tổ chức đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến, phát triển hệ thống khóa học mở trực tuyến và bài giảng điện tử trong các trường đại học, công nhận kết quả dạy học qua mạng. 
 
N.LỘC

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201