Thứ Sáu, 29/3/2024 - 14:07:52 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Kết nối tình đoàn kết, hữu nghị thông qua công tác đào tạo

THỨ HAI, 22/08/2022 17:40:41 | GIÁO DỤC
(BKTO) – Ngày 19/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác tiếp nhận, đào tạo, quản lý lưu học sinh (LHS) nước ngoài giai đoạn 2016-2021 và phương hướng thực hiện giai đoạn 2022-2030.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội nghị.
Ảnh: moet.gov.vn


Đào tạo hơn 45.000 lưu học sinh từ 102 quốc gia
 
Theo báo cáo của Cục Hợp tác quốc tế, giai đoạn 2016-2021, Việt Nam có 155 cơ sở giáo dục tiếp nhận, đào tạo hơn 45.000 LHS nước ngoài đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 26,6% LHS Hiệp định và 73,4% LHS ngoài Hiệp định. 

Trung bình hàng năm có từ 4.000 đến trên 6.000 LHS được tiếp nhận mới vào Việt Nam (năm 2019 đông nhất với trên 6.300 LHS). Do ảnh hưởng của Covid-19, trong hai năm 2020, 2021, chỉ tiếp nhận khoảng 3.000 LHS mỗi năm.

LHS nước ngoài học tập tại Việt Nam chủ yếu là trình độ đại học và các khóa ngắn hạn. Số LHS học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ khá khiêm tốn; LHS học tiến sĩ chủ yếu là LHS Lào, Campuchia, một số LHS Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản học ngành Việt Nam học.

Ngoài Lào và Campuchia có số lượng LHS chiếm tỷ lệ lớn với gần 80%, một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản... có số LHS học tập tại Việt Nam đông do mối quan hệ kinh tế trong những năm gần đây phát triển tốt. Đây là điều kiện thuận lợi để các trường tiếp tục khai thác thế mạnh, thu hút sinh viên các nước có mối quan hệ tốt với Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, ngài Chay Navuth, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc và nhấn mạnh: “Việt Nam đã dành sự quan tâm và ưu tiên đặc biệt trong lĩnh vực GD&ĐT cho hai nước láng giềng Campuchia và Lào. Hiện hai nước đang có một đội ngũ cán bộ dồi dào được đào tạo từ Việt Nam đang xây dựng và phát triển đất nước mình”.

Khẳng định ngành GD&ĐT Việt Nam không chỉ đào tạo về chuyên môn mà còn kết nối tình đoàn kết, hữu nghị thông qua công tác đào tạo, ngài Chay Navuth bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục đề ra những phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng LHS nói chung và LHS Campuchia nói riêng tại Việt Nam.

Hội nghị đã lắng nghe nhiều ý kiến tham luận cụ thể từ các cơ sở giáo dục đại học, trong đó nêu nổi bật những kết quả trong đào tạo; đề xuất giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo…

Nỗ lực hội nhập quốc tế trong công tác đào tạo

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc ghi nhận, công tác tiếp nhận, đào tạo, quản lý LHS nước ngoài giai đoạn 2016-2021 đã được đa dạng hóa và có nhiều thay đổi cơ bản về chất và lượng so với giai đoạn trước. Các cơ sở giáo dục đại học rất nỗ lực hội nhập quốc tế, trong đó có hợp tác đào tạo LHS nước ngoài.

LHS trong Hiệp định và ngoài Hiệp định đều tăng, các quốc gia có LHS tại Việt Nam cũng tăng, là tín hiệu đáng mừng, cho thấy các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam nếu quyết tâm chắc chắn sẽ làm được.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, giai đoạn 2022-2030, cần đẩy mạnh công tác thu hút sinh viên quốc tế, nâng cao số lượng và chất lượng chương trình đào tạo quốc tế. Đặc biệt, Thứ trưởng lưu ý, các cơ sở giáo dục đại học phải lấy chất lượng làm đầu; tăng cường thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế, nâng cao tình đoàn kết, hữu nghị.

“Ngoài học tập, LHS nước ngoài còn trở thành đại sứ văn hóa, cầu nối tình hữu nghị, điều này đặc biệt quan trọng. Do đó, công tác đào tạo không chạy theo số lượng, không du di chất lượng, phải tuân thủ các thỏa thuận, đảm bảo các yêu cầu chất lượng đầu vào, trình độ Tiếng Việt và chuẩn đầu ra” - Thứ trưởng nói.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan sẽ rà soát và hoàn thiện các cơ chế chính sách thu hút, đào tạo, quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý.

Bộ GD&ĐT và các cơ sở giáo dục đại học tăng cường ký kết các văn bản thỏa thuận, điều ước quốc tế liên quan đến việc trao đổi học sinh, sinh viên tạo khung pháp lý thúc đẩy việc thu hút LHS nước ngoài đến học tập tại Việt Nam.

Thứ trưởng mong muốn lãnh đạo các cơ sở đào tạo quan tâm đến công tác LHS, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, phát triển thêm nhiều chương trình chất lượng cao và chương trình đào tạo liên kết, phù hợp với nhu cầu người học, đa dạng ngôn ngữ giảng dạy, trong đó ưu tiên các chương trình bằng tiếng Anh. Nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, tạo điều kiện học tập và sinh hoạt tốt nhất cho LHS nước ngoài.

Đặc biệt, cần tạo điều kiện để LHS hiểu hơn về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam. Tuỳ điều kiện và đặc điểm của trường và LHS, các trường có cách tổ chức phù hợp, qua đó tăng cường vị thế, hướng đến mục tiêu hội nhập quốc tế.
N.LỘC

 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201