Thứ Hai, 29/4/2024 - 02:49:42 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Cần thận trọng khi điều chuyển giáo viên dôi, dư

THỨ TƯ, 03/05/2017 14:16:00 | GIÁO DỤC
(BKTO) - Hướng giải quyết tình trạng dôi, dư giáo viên bằng cách cơ học như điều chuyển giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non mới đây là không phù hợp, nhiều chuyên gia giáo dục kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cần thận trọng trong việc sắp xếp lại việc làm của giáo viên cho hợp lý, đồng thời có giải pháp không để tái diễn những bất cập như vừa qua.

Điều chuyển nơi thừa sang nơi thiếu...

Theo báo cáo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên đang xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học. Cụ thể, số giáo viên phổ thông công lập dôi, dư là trên 26 nghìn người; số giáo viên công lập cấp học mầm non lại thiếu tới 32.641 giáo viên.

                Giáo viên mầm non có những yêu cầu đặc thù mà không phải giáo viên cấp học nào cũng phù hợp.  Ảnh: TS                                

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thiếu, thừa giao viên cục bộ như: Một số quy định trong tuyển dụng chưa phù hợp với thực tiễn; vấn đề phân cấp trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành giáo dục cũng tạo ra nhiều bất cập, tiêu cực; việc điều động, luân chuyển công tác của viên chức giữa các trường còn gặp nhiều khó khăn do bố trí chuyên môn đào tạo chưa phù hợp với vị trí việc làm hoặc do chênh lệch về điều kiện kinh tế - xã hội, địa lý giữa xã đặc biệt khó khăn và các xã khác; nhiều địa phương ký hợp đồng với giáo viên tràn lan, đào tạo thiếu dự báo...

Để giải quyết tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên, một số địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An,... đã bố trí giáo viên dôi, dư ở cấp học THCS, THPT xuống dạy mầm non. Tuy nhiên, cách làm trên đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận xã hội do lo ngại chất lượng giảng dạy không đảm bảo vì cách điều chuyển mang nặng tính cơ học.

Trước thực trạng này, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các địa phương dừng ngay việc điều chuyển giáo viên phổ thông dôi, dư xuống dạy bậc học mầm non khi chưa qua đào tạo. Xác định giáo dục mầm non là bậc học đặc thù, đòi hỏi giáo viên mầm non phải đáp ứng được những kiến thức, kỹ năng chuyên biệt để có thể chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non tốt nhất, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, cương quyết không tuyển sinh những đối tượng người học không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của giáo viên bậc học mầm non. Quá trình đào tạo phải được tổ chức trực tiếp theo hướng tăng thời lượng thực hành và kiểm soát chặt chẽ đầu ra...

Giải pháp tình thế?

Theo Bộ GD&ĐT, để tăng cường đội ngũ giáo viên mầm non cho các địa phương, có nhiều giải pháp, trong đó có thể đào tạo bằng 2 sư phạm mầm non cho những người đã tốt nghiệp chương trình đào tạo sư phạm bậc phổ thông. Thông tin với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định, việc điều chuyển giáo viên phổ thông dôi, dư xuống dạy mầm non chỉ là giải pháp tình thế mà Bộ bắt buộc phải đưa ra để giải quyết hậu quả của việc đào tạo và tuyển dụng giáo viên thiếu tính toán ở một số địa phương.

Dù là giải pháp tình thế, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ GD&ĐT cần phải thận trọng, vì đối tượng học sinh rất đặc thù, chuyên biệt và có tác động rất lớn tới tương lai phát triển của trẻ sau này. GS. Nguyễn Minh Thuyết thẳng thắn nêu quan điểm: Những yêu cầu đặc thù của giáo viên mầm non không phải bất cứ giáo viên nào cũng có thể đảm nhận được. “Giải quyết số giáo viên dư thừa không thể dựa trên sự đánh đồng và điều chuyển một cách cơ học, cứng nhắc” - GS. Thuyết nhấn mạnh.

Đồng ý với việc điều chuyển giáo viên phổ thông dạy mầm non là giải pháp  “bất đắc dĩ”, PGS. Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam - cho rằng, cần phải tính toán cẩn thận, có sự khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng để chỉ điều chuyển một số giáo viên có khả năng và nguyện vọng ở các cấp học trên xuống dạy mầm non. Việc đào tạo không có sắp xếp phân loại, điều chuyển vội vã có thể tiềm ẩn nguy cơ về sau, như tình trạng giáo viên bạo hành trẻ khiến dư luận xã hội bức xúc, lên án vừa qua.

GS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - đơn vị được Bộ GD&ĐT giao xây dựng khung chương trình đào tạo lại giáo viên phổ thông dôi, dư để dạy mầm non - cho rằng, dù đây là phương án tình thế nhưng việc xây dựng chương trình và trong quá trình đào tạo phải làm chặt chẽ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ. Hiện, trường cũng đang được giao nghiên cứu, đề xuất phương án khắc phục tình trạng thiếu, thừa giáo viên. Theo đó, các nội dung nghiên cứu như điều tra dân số, độ tuổi, cần bao nhiêu giáo viên ở các địa phương của từng bậc học, phương án sắp xếp lại các trường sư phạm... cũng sẽ được thực hiện. Từ đó, nghiên cứu sẽ đưa ra đề xuất về số lượng giáo viên đến năm 2025 để đào tạo đúng nhu cầu, địa chỉ.

NGUYỄN LỘC

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023: Đánh giá kỹ lưỡng, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư

(BKTO) - Xây dựng dự toán thu chưa sát thực tế; tăng thu thiếu bền vững; giải ngân chậm… là những vấn đề không mới song tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chỉ ra qua đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201