Thứ Năm, 25/4/2024 - 11:39:43 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

"Xanh hóa" dòng vốn ngân hàng cho phát triển bền vững

THỨ BẢY, 23/10/2021 20:06:41 | ĐẶC SAN CUỐI THÁNG
(BKTO) - Là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, ngành ngân hàng đóng vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững.


NHNN đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ảnh:sbv.gov.vn


Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường tăng đều qua các năm

Tại Tọa đàm trực tuyến tham vấn ý kiến ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tổ chức mới đây, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, ngành ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững.

Từ năm 2015, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của IFC, NHNN đã định hướng hoạt động ngân hàng vào lĩnh vực xanh, hạn chế dòng vốn vào những dự án có nguy cơ tác động xấu tới môi trường thông qua việc ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Sổ tay hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường và xã hội đối với 15 ngành kinh tế. NHNN cũng đã tham gia Mạng lưới ngân hàng bền vững để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về các chính sách phát triển bền vững trong hoạt động ngân hàng.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ, qua tổng kết, đánh giá giai đoạn 2014-2020, đa số các TCTD đã nhận thức được nguy cơ rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động ngân hàng. Nhiều TCTD đã chủ động hợp tác, tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó có IFC để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng, ban hành các chính sách về môi trường, cấp tín dụng xanh của TCTD.

Đặc biệt, "dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường của hệ thống TCTD tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đã chiếm hơn 17% trên tổng dư nợ của nền kinh tế" - Phó Thống đốc cho biết.

Ngân hàng cần thiết lập hệ thống quản lý rủi ro môi trường, xã hội

Theo Phó Thống đốc, vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường. Đây là cơ sở pháp lý để NHNN xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn các TCTD quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Thông tư của NHNN dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, cùng với thời điểm hiệu lực của Luật Bảo vệ môi trường.

“Việc xây dựng Thông tư tiếp tục thể hiện thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm của ngành ngân hàng đối với công tác bảo vệ môi trường, đồng thời sẽ giúp các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng và khả năng chống chịu rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng” - Phó Thống đốc khẳng định.

Nội dung Thông tư là lĩnh vực mới, liên quan nhiều đến các yếu tố kỹ thuật về môi trường và có tác động lớn đến hoạt động của các TCTD. Vì vậy, với vai trò là cơ quan ban hành chính sách, NHNN mong muốn nhận được ý kiến tham gia, góp ý của các Bộ, ngành, các TCTD và các chuyên gia trong và ngoài nước về lĩnh vực môi trường để hoàn thiện Dự thảo Thông tư, tạo thuận lợi cho các TCTD trong quá trình triển khai, thực hiện.

Nhân dịp này, thay mặt Ban Lãnh đạo NHNN, Phó Thống đốc cũng bày tỏ mong muốn ngành ngân hàng tiếp tục hợp tác, nhận được sự hỗ trợ từ phía IFC và SECO về tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường trong hoạt động cấp tín dụng nói riêng và các hợp tác tăng cường phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung thời gian tới.
 

Tài chính bền vững cũng là cơ hội tốt giúp ngân hàng tăng trưởng và phát triển các sản phẩm tài chính mới, mở rộng sang các phân khúc thị trường. Ảnh:sbv.gov.vn


Ông Kyle Kelhofer - Giám đốc IFC Khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia - chia sẻ kinh nghiệm của IFC trong việc xây dựng các tiêu chuẩn về hoạt động để quản lý bền vững về môi trường và xã hội trong các khoản đầu tư của IFC vào các thị trường mới nổi.

Đồng thời, ông Kyle Kelhofer khuyến nghị tất cả các khách hàng, đặc biệt khách hàng là ngân hàng cần thiết lập được hệ thống quản lý môi trường và xã hội bao gồm các thủ tục cam kết quản lý, phân định vai trò và trách nhiệm cũng như các hướng dẫn mà một tổ chức sẽ cần tuân thủ để rà soát và quản lý các vấn đề về môi trường - xã hội cũng như các rủi ro liên quan đến các khoản đầu tư đó.

“Một hệ thống như vậy sẽ giúp các ngân hàng quản lý sớm các rủi ro về môi trường - xã hội tiềm ẩn, ra quyết định chiến lược nhằm cải thiện được tính bền vững của các dự án được tài trợ trong nước và quốc tế. Các ngân hàng cũng sẽ bảo vệ được danh mục tài sản của mình bằng cách giảm các khoản cho vay kém hiệu quả hoặc nợ xấu, từ đó tăng cường sự ổn định về tài chính, bảo vệ danh tiếng cũng như vị trí của mình trên thị trường. Mặt khác, tài chính bền vững cũng là cơ hội tốt giúp ngân hàng tăng trưởng và phát triển các sản phẩm tài chính mới, mở rộng sang các phân khúc thị trường mới” - Giám đốc IFC nhấn mạnh./.
ĐỨC THÀNH

 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Bình Dương hướng đến phát triển hành lang logistics thông minh, thân thiện với môi trường

Bình Dương hướng đến phát triển hành lang logistics thông minh, thân thiện với môi trường

(BKTO) – Đây là thông tin được cho biết tại Hội nghị giao thương xúc tiến thương mại Hoa Kỳ ngành logistics năm 2022 do Sở Công thương tỉnh Bình Dương và Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) Tacoma đồng tổ chức mới đây.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201