Thứ Năm, 18/4/2024 - 19:31:50 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Không để cơ chế độc quyền khi thực hiện dự án BT

THỨ SÁU, 20/10/2017 10:10:00 | CÔNG LUẬN VÀ KIỂM TOÁN
(BKTO) - Dự án đầu tư theo hình thức BT là một giải pháp vốn hóa đất công và tài sản công. Tuy nhiên, BT đang trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho tham nhũng do cơ chế xin - cho, thiếu minh bạch; là một giao dịch đầu tư - thương mại điển hình phi thị trường và lợi ích nhóm... Đó là khẳng định của nhiều đại biểu tại Hội thảo khoa học Cơ chế đầu tư BT - Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện do Kiểm toán Nhà nước tổ chức hôm qua, 19.10.

Cơ hội thâu tóm đất “vàng”

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, với nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu, rộng khiến cho nhu cầu về cơ sở hạ tầng ở hầu hết các lĩnh vực trọng yếu của quốc gia cũng như ở các địa phương tăng mạnh. Cùng với đó là áp lực giảm bội chi ngân sách và nợ công khiến cho việc thu hút đầu tư theo hình thức BT có sự tăng cường trở lại. Bên cạnh hợp đồng BOT, hình thức hợp đồng BT đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng và là một công cụ hữu hiệu để huy động nguồn vốn từ đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. So với BOT, BT hiện ít vấp phải phản ứng dư luận hơn do người dân không phải trực tiếp bỏ tiền thanh toán và thông tin về các dự án cũng ít hơn.
 

Toàn cảnh Hội thảo

Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, hình thức BT cũng rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc những diện tích rộng lớn của địa phương. Khởi nguồn cho những bất cập tại nhiều dự án BT đã thực hiện là do việc không xây dựng và công bố kế hoạch dự án hoặc có nhưng chậm và công tác lựa chọn nhà đầu tư không cạnh tranh, hầu hết chỉ định thầu. Hệ quả là không phát huy tốt nhất được nguồn lực xã hội, nhiều nhà đầu tư tại thời điểm được thẩm định, đánh giá và lựa chọn để thực hiện dự án có năng lực tài chính hạn chế, không bảo đảm năng lực và thiếu kinh nghiệm quản lý. Nhà đầu tư yếu kém không bảo đảm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, phải gia hạn hợp đồng, làm phát sinh chi phí đầu tư và không hoàn thành đúng tiến độ để bảo đảm phục vụ các mục tiêu cấp bách, kịp thời như chủ trương đề ra ban đầu.

Đồng quan điểm, chuyên gia Oxfam Phạm Quang Tú cho rằng, vấn đề trung tâm ở các dự án BT là giá trị đem ra đánh đổi như thế nào. Cụ thể, giá trị con đường hay công trình hạ tầng nói chung được xây dựng do ai định giá, quyết toán, kiểm toán ra sao, kể cả kiểm toán kỹ thuật để xác định chất lượng hay chỉ lấy theo giá trị khái toán trong dự án? Đất đai hai bên đường được tính theo giá đất nông nghiệp hay đất ở, đất ở đã có đường hay chưa có đường. Tương tự như vậy, đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị cũng được định giá ra sao? Tất cả phần giá trị của hạ tầng và giá trị đất đai đem ra đổi hoàn toàn mù mờ, chưa hề có quy định của pháp luật nào bảo đảm tính mạch lạc tới mức tạo được tính nhất quán trong thực thi...

Dẫn chứng từ bài học từ kinh nghiệm đổi đất lấy hạ tầng ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều địa phương khác đã áp dụng như Quảng Ninh, Hà Tây (cũ)... ông Phạm Quang Tú cho biết, hệ quả tham nhũng đã làm cho nhiều lãnh đạo tỉnh bị thi hành kỷ luật sau khi thanh tra việc thực hiện “đổi đất lấy hạ tầng”.

Giới hạn phạm vi áp dụng đầu tư theo hình thức BT

Ông Phạm Quang Tú cho rằng, hành lang pháp lý cho đầu tư theo hình thức BT đã được nâng cấp, mặc dù vẫn đang tồn tại những khoảng trống và chồng chéo, cần tiếp tục hoàn thiện. Điều cần làm hiện nay là hoàn thiện các quy định pháp luật về đầu tư theo hình thức BT dưới dạng một nghị định của Chính phủ. Mặt khác, việc thực thi pháp luật cũng cần được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nhất là quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT.
 

Bảo tàng Hà Nội được đầu tư theo hình thức BT.  Nguồn: ITN

Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Nguyễn Đình Hòa nhận định, BT là một giao dịch đầu tư - thương mại điển hình phi thị thường và lợi ích nhóm. Như một hệ lụy tất yếu, thất thoát trong dự án BT sẽ là thất thoát kép. Thất thoát thứ nhất, cơ sở hạ tầng mà dự án BT đưa ra chào do không có cạnh tranh nên không phản ánh theo giá thị trường. Lợi ích của nhà đầu tư ở chỗ các dự án BT đến nay đều được chỉ định thầu, việc xác định tổng mức đầu tư, quyết toán, thực hiện “hàng đổi hàng” đều do cơ quan quản lý và doanh nghiệp tự thương thảo với nhau, người dân không tham gia trực tiếp nên không biết, không phản ứng hay ủng hộ. Thất thoát thứ hai là từ đất đai. Nhiều ý kiến cho rằng ở thời điểm ký hợp đồng BT, hầu hết chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất nên việc xác định giá trị không có căn cứ pháp lý

Do đó, theo ông Phạm Quang Tú, cần giới hạn lại phạm vi áp dụng dự án đầu tư theo hình thức BT là chỉ được áp dụng tại những địa phương kém phát triển, nguồn thu ngân sách yếu kém, ngân sách trung ương vẫn phải trợ giúp, hạ tầng chưa đủ để thu hút đầu tư. Tại những địa phương có hạ tầng phát triển tốt thì không thực hiện dự án BT mà phải thực hiện cơ chế Nhà nước đấu giá đất để lấy tiền phát triển hạ tầng. Tại các địa phương này, không cho phép thực hiện các dự án BT mà khuyến khích đầu tư theo các hình thức khác dựa trên thu phí dịch vụ sử dụng hạ tầng, dịch vụ công cộng.

Nếu đã triển khai dự án BT thì không cho phép giao đất để trả cho nhà đầu tư hạ tầng trước khi nghiệm thu, hoàn thành đánh giá chất lượng, định giá giá trị; công khai, minh bạch toàn bộ thông tin về dự án, tạo cơ chế để người dân địa phương tham gia giám sát…
 

Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành V LÊ HUY TRỌNG: Nhiều hạn chế khi kiểm toán các dự án BT

Một là, việc lựa chọn và công bố danh mục đầu tư chưa được lấy ý kiến nhân dân, chưa được Hội đồng Nhân dân phê chuẩn dẫn đến nhiều công trình sau khi đầu tư không thực sự hiệu quả, chủ trương đầu tư không đúng, lựa chọn vị trí đầu tư không phù hợp. Bên cạnh đó, việc cho phép trao đổi đất đai song song trong quá trình triển khai đầu tư dự án dẫn đến nhiều nhà đầu tư chậm bỏ chi phí để đầu tư dự án nhưng nhanh chóng triển khai việc sử dụng hoặc phân lô bán nền trên số đất được giao để kiếm lời. Đây chính là kẽ hở rất lớn dẫn đến thất thoát tài sản đất đai và nguồn lực của Nhà nước.

Hai là, lập và phê duyệt tổng mức đầu tư không chính xác, nhiều sai sót trong tính toán và điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, một số dự án có tình trạng tính sai khối lượng, tính tăng các khoản mục chi phí, áp dụng sai định mức và đơn giá hoặc cố tình sử dụng vật liệu đặc thù; phê duyệt biện pháp thi công không cần thiết và gây lãng phí với mục tiêu làm tăng chi phí dự án nhằm nâng giá thành công trình.

Ba là, theo quy định của Điều 29 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14.2.2015 quy định “Việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu”. Đây thực sự là kẽ hở dẫn đến các cơ quan nhà nước áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với dự án BT. Công tác thẩm định, đánh giá năng lực đối với một số nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ dẫn đến lựa chọn ký hợp đồng để thực hiện dự án đối với một số nhà đầu tư không bảo đảm năng lực theo quy định.

Bốn là, công tác quản lý chi phí đầu tư thực hiện các dự án còn nhiều sai sót như tính toán sai khối lượng nghiệm thu thanh toán, áp dụng sai đơn giá, tính toán bù giá sai… Đơn cử kết quả kiểm toán Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Hà Nội đã phát hiện và kiến nghị giảm trừ 18.047 triệu đồng trên tổng số chi phí đầu tư được kiểm toán 1.664.919 triệu đồng (trong đó sai khối lượng 3.489 triệu đồng; sai đơn giá 3.127 triệu đồng; sai định mức 2.036 triệu đồng; chi phí chưa đủ điều kiện quyết toán 9.165 triệu đồng).

Năm là, chất lượng công trình chưa cao, sử dụng vật liệu không hợp lý với điều kiện và khí hậu Việt Nam, công trình hoàn thành có chi phí duy trì cao, một số dự án không hoàn thành tiến độ đề ra, chậm đưa vào sử dụng gây lãng phí vốn đầu tư. Qua kiểm toán, phải điều chỉnh giá trị báo cáo quyết toán hoàn thành với giá trị lớn.

Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam ĐẶNG VĂN THANH: Công khai và minh bạch đối với phương thức BT

BT là hoạt động mua - bán bởi bên mua (Nhà nước) không có sản phẩm cùng loại để được lựa chọn và bên bán không có ai để phải cạnh tranh trực tiếp. Việc xác định dự toán, quyết toán một dự án hoàn toàn không đơn giản. Hơn nữa, số liệu dự toán rất dễ bị thay đổi theo hướng tăng lên bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Chính vì vậy, con số cuối cùng về dự toán, quyết toán dự án phụ thuộc khá nhiều vào các quyết định chủ quan của cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án.

 Vì vậy, phương thức huy động tài chính từ đất để phát triển hạ tầng là phương thức kém minh bạch, vì cơ sở đổi đất lấy hạ tầng kém cơ sở chắc chắn. Do đó, theo cơ chế cạnh tranh thị trường, dự án hạ tầng cần được tiến hành qua đấu thầu để chọn nhà thầu đưa ra giá thích hợp nhất, còn đất phải qua đấu giá mới chọn được người trả giá cao nhất. Trong kinh tế thị trường, giá của sản phẩm, hàng hóa dịch vụ được quyết định không chỉ bởi cơ chế giá cả mà phải xét đến tác động của quan hệ cung - cầu và quan hệ cạnh tranh. Hiện nay, giá dự toán của công trình BT, BOT chủ yếu do tư vấn thiết kế tính toán và giá đất do các chuyên gia về giá đề xuất chủ yếu dựa trên cơ chế giá cả. Đây là biểu hiện của sự kém minh bạch trong các hợp đồng BT, BOT. Như vậy rất dễ bị các nhóm lợi ích lợi dụng và chi phối không chỉ về giá cả mà có thể cả về đất, cả về hạ tầng bên ngoài kết nối với dự án và sự phát triển bất động sản của các nhà đầu tư.

Có thể khẳng định, để công khai và minh bạch, khi triển khai các dự án BT, BOT cần thực hiện phương thức đấu thầu dự án, kết hợp đấu giá các lô đất vừa đủ để thực hiện dự án. Cần hạn chế tối đa việc chỉ định nhà thầu, chỉ định nhà đầu tư và chỉ thực hiện việc chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư trong các trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật Đấu thầu, để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh.
Minh Hương ghi

Theo Lâm Hiển
http://daibieunhandan.vn
 

 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Nâng cao năng lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán

Nâng cao năng lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2021, tạo tiền đề thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đến năm 2030, KTNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung nâng cao năng lực, đổi mới tổ chức hoạt động kiểm toán, với các giải pháp khắc phục tác động của dịch Covid-19. Đồng thời tiếp tục đổi mới phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT)... Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Trần Sỹ Thanh, Tổng KTNN về các nội dung này.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201