Thứ Sáu, 19/4/2024 - 15:50:31 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Cơ chế đầu tư BT: ‘Bình mới, nhưng rượu cũ’?

THỨ SÁU, 20/10/2017 10:05:00 | CÔNG LUẬN VÀ KIỂM TOÁN
(BKTO) - Trong bối cảnh nhu cầu vốn cho phát triển rất lớn, nên hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) được coi là một “sáng tạo”, đóng vai trò quan trọng trong phát triển hạ tầng. Tuy nhiên trên thực tế, các dự án BT còn hàng loạt tồn tại, biến tướng, làm thất thoát tài sản Nhà nước.

Những con số “biết nói”

Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Cơ chế đầu tư BT - Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện”, do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức ngày 19/10, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, dự án BT cũng được sử dụng với tên gọi là dự án “đổi đất lấy hạ tầng”. Sau một thời gian tạm lắng xuống của hình thức đầu tư này, đặc biệt là khi thị trường bất động sản hết cơn "sốt nóng", hàng loạt doanh nghiệp, nhà đầu tư (NĐT) đã bộc lộ sự hạn chế về nguồn lực, dẫn đến không ít dự án trong tình trạng triển khai dở dang, kém hiệu quả.

Hình thức hợp đồng BT đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng và là một công cụ hữu hiệu để huy động nguồn vốn; tuy nhiên, hình thức này cũng rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất “đắc địa”, hoặc những diện tích rộng lớn của địa phương.

Theo Tổng KTNN, khởi nguồn cho những bất cập tại nhiều dự án BT đã thực hiện là do việc không xây dựng và công bố kế hoạch dự án, hoặc có nhưng chậm và công tác lựa chọn NĐT không cạnh tranh, hầu hết chỉ định thầu. Hệ quả là không phát huy tốt nhất được nguồn lực xã hội, nhiều NĐT tại thời điểm được thẩm định, đánh giá và lựa chọn để thực hiện dự án có năng lực tài chính hạn chế, không đảm bảo năng lực và thiếu kinh nghiệm quản lý. NĐT yếu kém không đảm bảo tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, phải gia hạn hợp đồng, làm phát sinh tăng chi phí đầu tư và không hoàn thành đúng tiến độ để đảm bảo phục vụ các mục tiêu cấp bách, kịp thời như chủ trương đề ra ban đầu.
 

Toàn cảnh Hội thảo

Cũng tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã cung cấp những con số “biết nói” liên quan tới những hạn chế của dự án BT.

TS. Phạm Quang Tú, Chuyên gia của Tổ chức Oxfam Việt Nam cho rằng, nhìn chung BT và “đổi đất lấy hạ tầng” đã có thay đổi, nhưng vẫn “bình mới rượu cũ”. Qua 15 dự án BT mà Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra – kiểm tra, thì có tới 14 dự án là chỉ định thầu. Các dự án thường được giao đất khi chưa có hạ tầng nên giá đất rất thấp, nhưng sau khi có hạ tầng, đất trở thành “đất vàng”, giá chênh lệch rất cao. Do đó, Nhà nước bán đất với giá trị địa tô rất thấp.

Theo PGS. TS. Nguyễn Đình Hòa, Phó giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm toán, hiện chưa có một báo cáo đầy đủ nào về toàn cảnh các dự án BT tại Việt Nam. Ở cấp Bộ Giao thông vận tải quản lý, chỉ có 4 dự án BT với tổng mức đầu tư 16.035 tỷ đồng đã và đang triển khai, trong đó có 2 dự án BT thuộc lĩnh vực hàng hải. Các dự án BT hầu hết nằm ở các địa phương. Chưa có một thống kê nào cho thấy tại 63 tỉnh, thành trên cả nước hiện nay có bao nhiêu dự án BT và hiệu quả “đổi đất lấy hạ tầng” đến nay ra sao.

Song theo ông Nguyễn Đình Hòa, chỉ lấy ví dụ ở Hà Nội cũng đủ thấy quy mô và tầm vóc của các dự án BT tại địa phương lớn biết chừng nào khi so với quy mô của tất cả các dự án BOT trên cả nước đã đi vào khai thác.

Một báo cáo của UBND TP. Hà Nội về các dự án BT (tháng 6/2017) cho thấy, với 16 dự án đã và đang triển khai từ năm 2015 về trước, tổng mức đầu tư đã lên tới 28.874 tỉ đồng. Trên địa bàn Hà Nội, từ năm 2012 trở về trước có đến 63 dự án hợp tác công tư (PPP) và đều là BT. Theo kết luận mới được công bố của Thanh tra Chính phủ về các dự án BOT - BT tại Hà Nội (tháng 6/2017), con số này giảm xuống còn 24 dự án từ năm 2014.

TS. Tú còn cho hay, tác dụng của dự án BT là có, giúp thay đổi bộ mặt hạ tầng nhiều địa phương, nhưng nguy cơ thất thoát tài sản Nhà nước là rất lớn bởi có thể tồn tại cơ chế “xin - cho”, thiếu minh bạch.

“Cải tổ” để tránh thất thoát kép

Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS. Lê Huy Trọng, Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành V đặt câu hỏi: “Có thực sự cần thiết phải áp dụng hình thức hợp đồng BT hay không? Tại sao lựa chọn hợp đồng BT thay cho hình thức quản lý dự án như truyền thống? Tại sao khi các hình thức như PPP và BT được áp dụng đã làm thay đổi bộ mặt về cơ sở hạ tầng và kêu gọi được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển tại nhiều quốc gia, ngay cả tại các nước ASEAN như: Malaysia, Thái Lan…, nhưng khi được triển khai tại Việt Nam lại có nhiều hạn chế? ”.

Qua thực tế kiểm toán tại các dự án BT, ông Lê Huy Trọng cũng đã chỉ ra hàng loạt khuyết điểm, hạn chế khiến do việc triển khai dự án BT tại Việt Nam chưa thành công. Cụ thể như: Hành lang pháp lý không đủ mạnh; thiếu kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước; trách nhiệm không rõ ràng, không thông qua đấu thầu công khai; quyền sử dụng đất không được xác định đúng giá trị...

PGS. TS Nguyễn Đình Hòa khẳng định rằng, một hệ lụy tất yếu thất thoát trong dự án BT là thất thoát kép. Thất thoát thứ nhất, hàng hóa “cơ sở hạ tầng” mà dự án BT đưa ra chào do không có cạnh tranh cho nên không phản ánh theo giá thị trường. Thất thoát thứ hai là thất thoát từ đất đai.

“Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Xóa bỏ ngay tình trạng quan hệ thân hữu đang bóp chết việc làm ăn chân chính, xóa bỏ tư tưởng quan hệ tốt với chính quyền sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn các tài nguyên, đất đai, thể chế và các ưu đãi ngầm”. Thông điệp này là cần thiết với mọi lĩnh vực kinh tế nói chung, và dự án BT nói riêng khi mà lợi ích và thất thoát nếu có từ những dự án này là rất lớn”, ông Hòa dẫn lời Thủ tướng và nói.

Trước những bất cập trên thực tế, TS. Phạm Quang Tú đề xuất cần hoàn thiện chính sách pháp luật về hình thức BT, chẳng hạn như có thể xây dựng một nghị định riêng để hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn về hình thức này. Bên cạnh việc cần tăng cường các giải pháp kiểm tra, kiểm soát hơn nữa, ông Tú còn cho rằng, chỉ nên áp dụng hình thức hợp đồng BT tại các địa phương khó khăn, phải nhờ ngân sách hỗ trợ, còn các địa phương phát triển thì cần nghiên cứu chọn phương án khác.

Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN, Trương Hải Yến cũng đề nghị, các dự án theo hình thức BT ngoài đảm bảo các điều kiện khác theo quy định hiện hành, thì phải nằm trong kế hoạch đầu tư công và được HĐND thông qua.

Theo bà Yến, Nhà nước cần quy định chặt chẽ một số yếu tố trong phương án tài chính, trong đó, quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của NĐT, chi phí lãi vay nhằm đảm bảo quyền lợi cho Nhà nước cũng như NĐT; ban hành hướng dẫn cụ thể về thời điểm NĐT phải góp đủ số vốn tối thiểu theo cam kết của hợp đồng. Ngoài ra, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về xác định tỷ suất lợi nhuận của NĐT, phù hợp với từng khu vực, đặc điểm dự án; đồng thời, quy định cụ thể về chi phí biến động tỷ giá trong thời gian xây dựng trên cơ sở ràng buộc trách nhiệm của Nhà nước, NĐT liên quan đến tiến độ thực hiện dự án.

Theo Duy Thái
http://thoibaotaichinhvietnam.vn

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Nâng cao năng lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán

Nâng cao năng lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2021, tạo tiền đề thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đến năm 2030, KTNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung nâng cao năng lực, đổi mới tổ chức hoạt động kiểm toán, với các giải pháp khắc phục tác động của dịch Covid-19. Đồng thời tiếp tục đổi mới phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT)... Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Trần Sỹ Thanh, Tổng KTNN về các nội dung này.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201