Thứ Sáu, 02/5/2025 - 15:49:51 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

KTNN tập huấn quy định giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán

THỨ NĂM, 29/09/2016 18:00:00 | CHUYỂN ĐỘNG KIỂM TOÁN
(BKTO) - Ngày 27/9, KTNN đã tổ chức lớp tập huấn trực tuyến về quy định giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán. Lớp tập huấn lần này được tổ chức dành cho các công chức, viên chức thuộc các đơn vị tham mưu, KTNN khu vực, Văn phòng Đảng - Đoàn thể và các đơn vị sự nghiệp của KTNN. Trong những ngày tiếp theo, một số lớp tập huấn tương tự sẽ được tổ chức dành cho công chức, Kiểm toán viên của các đơn vị còn lại.


Ảnh: PHỐ HIẾN

Giải quyết khiếu nại kiểm toán theo quy định mới

Nhằm cụ thể hóa một trong những quy định của Luật KTNN 2015 đã được Quốc hội thông qua ngày 24/6/2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã ký ban hành Quyết định số 03/2016/QĐ-KTNN ngày 28/7/2016 quy định giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán.

Theo đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với những đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán trong Báo cáo kiểm toán của KTNN thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng Kiểm toán Nhà nước (sau đây gọi tắt là khiếu nại kiểm toán); quy định xử lý các trường hợp kiến nghị về Báo cáo kiểm toán; xử lý theo pháp luật các trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của KTNN. Theo quy định, có 3 nhóm đối tượng áp dụng quy định khiếu nại kiểm toán gồm đơn vị được kiểm toán thực hiện việc khiếu nại; KTNN; các tổ chức, đơn vị, cá nhân khác có liên quan. Nguyên tắc giải quyết khiếu nại phải bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, kịp thời, đúng nội dung, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền, cũng như phải tuân thủ các quy định của pháp luật về khiếu nại, pháp luật về KTNN và các quy định pháp luật liên quan.

Bà Đỗ Thị Lan Hương - Trưởng phòng Xây dựng và phổ biến pháp luật của Vụ Pháp chế (KTNN), nhấn mạnh cần phải lưu ý sự khác nhau của 2 khái niệm “khiếu nại kiểm toán” và “kiến nghị kiểm toán”. Trong đó, “khiếu nại kiểm toán” là việc đơn vị được kiểm toán thực hiện thủ tục do pháp luật quy định đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét lại những đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán trong Báo cáo kiểm toán của KTNN khi có căn cứ cho rằng các đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị đó là trái pháp luật gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đơn vị mình. Còn “kiến nghị kiểm toán” là việc đơn vị được kiểm toán, đơn vị có liên quan đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét lại những đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán trong Báo cáo kiểm toán của KTNN đã phát hành.

Về trình tự giải quyết khiếu nại kiểm toán, theo Quyết định số 03/2016/QĐ-KTNN gồm 5 bước. Bước 1, tiếp nhận văn bản của đơn vị được kiểm toán. Bước 2, đơn vị chủ trì kiểm toán tổ chức phân loại, xử lý văn bản, tổ chức nghiên cứu, giải quyết theo hướng ban hành ngay văn bản trả lời đơn vị được kiểm toán theo phân cấp (nếu giữ nguyên kết quả kiểm toán) hoặc dự thảo quyết định giải quyết khiếu nại kiểm toán. Bước 3, tùy từng trường hợp theo phân cấp, đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán chuyển dự thảo quyết định giải quyết cho Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (CĐ&KSCLKT) tham mưu phương án giải quyết đối với khiếu nại lần đầu, hoặc chuyển cho Vụ Tổng hợp, Vụ CĐ&KSCLKT và Vụ Pháp chế tham mưu giải quyết đối với khiếu nại lần hai. Bước 4, Vụ Tổng hợp tổ chức tổng hợp các phương án giải quyết trình Tổng Kiểm toán Nhà nước hoặc người được Tổng Kiểm toán Nhà nước ủy quyền giải quyết xem xét, cho ý kiến. Bước 5, ký văn bản giải quyết theo phân cấp. 

Giải quyết khiếu nại không quá 90 ngày

Tại lớp tập huấn, đại diện của Vụ Pháp chế cũng đã trình bày những quy định cụ thể về căn cứ khiếu nại kiểm toán, hình thức, thời hiệu, thời hạn, rút khiếu nại kiểm toán, các khiếu nại không thụ lý giải quyết; đồng thời phân tích rõ về quyền và nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán và của KTNN trong hoạt động khiếu nại kiểm toán; thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết khiếu nại kiểm toán. Những nội dung về trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, xác minh, quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai… cũng được thông tin rõ ràng, cụ thể đến các công chức, viên chức KTNN tham gia lớp tập huấn.

Đề cập đến thời hiệu khiếu nại kiểm toán và văn bản khiếu nại kiểm toán, bà Đỗ Thị Lan Hương cho biết, thời hiệu khiếu nại kiểm toán là 30 ngày, kể từ ngày nhận được Báo cáo kiểm toán. Khi cơ quan KTNN thấy không đủ điều kiện thụ lý, thì sẽ tự chuyển sang nội dung kiến nghị và có văn bản trả lời kiến nghị tới đơn vị được kiểm toán. 

Còn về thời hạn giải quyết khiếu nại kiểm toán, bà Hương nêu rõ, thời hạn giải quyết khiếu nại kiểm toán của lần đầu và lần hai đều không quá 65 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài nhưng không quá 90 ngày, kể từ ngày thụ lý. Về hiệu lực pháp luật của quyết định giải quyết khiếu nại kiểm toán, quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành mà đơn vị được kiểm toán không khiếu nại lần hai; quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành. Các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật lập tức sẽ có hiệu lực thi hành ngay.

Trao đổi tại lớp tập huấn, ông Lê Huy Trọng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, nhấn mạnh trong Luật KTNN 2015 quy định Báo cáo kiểm toán có giá trị bắt buộc thì phải có quy định về khiếu nại. Trong Quyết định số 03/2016/QĐ-KTNN chỉ quy định về khiếu nại liên quan đến kết luận, kiến nghị kiểm toán sai, ảnh hưởng đến đơn vị được kiểm toán.

Ông Đào Văn Dũng - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, nhận định rằng quy định về khiếu nại rất phức tạp. Thời gian qua, việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị của đơn vị được kiểm toán được thực hiện theo Công văn số 621 của KTNN về hướng dẫn bổ sung giải quyết kiến nghị, khiếu nại của đơn vị được kiểm toán. Tuy nhiên, với Quyết định số 03/2016/QĐ-KTNN về việc Quy định giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán có hiệu lực, các đơn vị cần phải thay đổi cho phù hợp.

NG.LỘC - H.THOAN

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Chú trọng xây dựng tiêu chí đánh giá trong kiểm toán hoạt động

Chú trọng xây dựng tiêu chí đánh giá trong kiểm toán hoạt động

(BKTO) - Trước khi tiến hành kiểm toán, việc xây dựng tiêu chí kiểm toán luôn đóng vai trò quan trọng. Với kiểm toán hoạt động (KTHĐ) - một loại hình kiểm toán mới và khó đang được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chú trọng thực hiện, việc thiết lập các tiêu chí kiểm toán càng quan trọng hơn nhằm giúp định hướng cuộc kiểm toán, xác định những nội dung cần tập trung kiểm toán.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     2 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201