Thứ Năm, 25/4/2024 - 23:40:21 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng - thách thức và kinh nghiệm

THỨ BA, 03/04/2018 14:30:00 | CHUYÊN ĐỀ
(BKTO) - ROSS CAMPBELL - Giám đốc lĩnh vực công, Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales

Tại Vương quốc Anh, cơ quan Kiểm toán quốc gia có vai trò tương đương như KTNN Việt Nam. Nền tảng tài chính và pháp lý cho hoạt động kiểm toán ở Anh rất tốt và rất mạnh. 
 
Theo Luật Kiểm toán năm 1982, cơ quan Kiểm toán quốc gia được phép xem xét tất cả những vấn đề có liên quan tới chi tiêu của Chính phủ. Thẩm quyền kiểm toán của cơ quan Kiểm toán quốc gia là các cơ quan bộ, ngành thuộc chính quyền trung ương. Khi được yêu cầu, tất cả các cơ quan này phải cung cấp những bằng chứng giấy tờ cho cơ quan Kiểm toán quốc gia. Nếu không cung cấp, những cơ quan này có thể bị kiện theo luật định. Ở chính quyền địa phương, các tổ chức như: Quỹ tín thác bệnh viện (cơ quan quản lý hành chính của các bệnh viện), các phòng khám và cơ quan y tế khác trực thuộc Bộ Y tế, Quỹ tín thác trường học… được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán tư nhân dưới sự giám sát của cơ quan Kiểm toán quốc gia. Bên cạnh nền tảng pháp lý, cơ quan Kiểm toán quốc gia còn được bảo vệ về mặt ngân sách. Cơ quan này hoạt động trên cơ sở nguồn ngân sách riêng, Bộ Tài chính không can thiệp. 
 
KTHĐ trong lĩnh vực quốc phòng gặp nhiều thách thức
 
Dưới đây, tôi sẽ giới thiệu về một loại hình kiểm toán tại Vương quốc Anh, đó là kiểm toán hoạt động (KTHĐ) trong lĩnh vực quốc phòng - một lĩnh vực kiểm toán đang gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt là trong nội dung kiểm toán. 
 
Chúng tôi phải xem xét các tổ chức trong lĩnh vực này hoạt động có hiệu quả không? Những hoạt động đó diễn ra như thế nào? Có đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định của lĩnh vực quốc phòng? Mỗi khía cạnh có những cách thức đánh giá khác nhau. Đối với quản lý tài chính, các tiêu chuẩn cơ bản để so sánh và đánh giá đã được xây dựng nên việc kiểm toán sẽ dễ thực hiện. Đối với các hoạt động liên quan đến mua sắm, đấu thầu, việc kiểm toán sẽ khó hơn bởi đặc thù của ngành quốc phòng là mua những sản phẩm cá biệt, không được mua bán rộng rãi, đồng thời  việc mua sắm, đấu thầu đó cũng tuân theo những quy định, thủ tục khác nhau.
 
Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là KTHĐ liên quan đến các sản phẩm đầu ra, bởi lẽ kiểm toán viên không dễ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy định đã đặt ra. Mỗi năm, cơ quan Kiểm toán quốc gia sẽ lựa chọn một lĩnh vực để kiểm toán. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực kiểm toán cũng có thể được lặp lại hằng năm, chẳng hạn đối với một số dự án mua sắm đấu thầu chính thì có thể kiểm toán từ 12 đến 15 dự án. Chúng tôi sẽ xây dựng và đánh giá các dự án này dựa trên tiêu chí: sự tuân thủ pháp luật về khung thời gian, ngân sách đã được duyệt, các tiêu chuẩn KPI (hệ thống đo lường và đánh giá hiệu quả công việc), hệ thống công nghệ thông tin… Bên cạnh đó, các hoạt động hậu cần cũng được đánh giá chặt chẽ, bởi ngành quốc phòng thường mua sắm theo tiêu chí “phòng khi xảy ra trường hợp” hơn là thời điểm được ấn định. 
 
Để đánh giá tính hiệu quả, cơ quan Kiểm toán quốc gia sẽ xem xét những dịch vụ hay hoạt động mà ngành quốc phòng đưa ra có phù hợp và kịp thời so với nhu cầu hay không? Chẳng hạn, trong thời gian binh sĩ được nghỉ ngơi, những dịch vụ chăm sóc sức khỏe liệu có còn cần thiết? 
 
Một số kinh nghiệm khi xây dựng chương trình kiểm toán
 
Thông thường, khi xây dựng chương trình KTHĐ trong lĩnh vực quốc phòng, cơ quan Kiểm toán quốc gia sẽ trao đổi với đại diện của các nhóm khác nhau.
 
Thứ nhất là Quốc hội, cụ thể là các ủy ban liên quan, trong đó có sự tham gia của các thành viên là đại biểu Quốc hội nhưng không tham gia Chính phủ, thực hiện giám sát hoạt động chi của Chính phủ. Liên quan đến hoạt động quốc phòng có 2 ủy ban chính: Ủy ban về kế toán công (theo dõi các hoạt động chi của Chính phủ) và Ủy ban về quốc phòng (đánh giá các hoạt động chi tiêu của quốc phòng). Cơ quan Kiểm toán quốc gia sẽ trao đổi và xin ý kiến của họ về nội dung kiểm toán.
 
Thứ hai là tham mưu với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các cá nhân có liên quan để lắng nghe ý kiến của họ về lĩnh vực “có vấn đề” mà cơ quan Kiểm toán quốc gia nên kiểm toán.
 
Thứ ba là trao đổi trong nội bộ cơ quan kiểm toán, đặc biệt là ý kiến của các kiểm toán viên tài chính.
 
Trên cơ sở các cuộc tham vấn này, cơ quan Kiểm toán quốc gia sẽ xây dựng danh sách ưu tiên cũng như xem xét nguồn lực để thực hiện kiểm toán. Chúng tôi có 25 kiểm toán viên trong lĩnh vực này, bao gồm nhiều kế toán viên có trình độ cao. 
 
Khi xây dựng báo cáo kiểm tra, các kiểm toán viên phải xác định rõ tiêu chí đánh giá cho cuộc KTHĐ. Thông thường, tùy theo bối cảnh và đặc thù của đơn vị được kiểm toán, tiêu chí đánh giá mỗi cuộc KTHĐ sẽ khác nhau. Chẳng hạn, khi đánh giá về mặt quản lý hành chính nhà nước, chi thường xuyên (chi sử dụng tòa nhà của Chính phủ, chi sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin…), nội dung kiểm toán thường không phức tạp, kiểm toán viên dễ tiếp cận thông tin để có sự so sánh và đánh giá. Cùng với đó, cơ quan Kiểm toán quốc gia còn tiến hành tham vấn ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực này. Trường hợp không có chuyên gia, chúng tôi sẽ sử dụng dịch vụ thuê ngoài.
 
Trong KTHĐ, quan trọng nhất là xây dựng những ý niệm, ý tưởng ban đầu, tức là việc xây dựng một số điều kiện giả định để có thể thu thập bằng chứng kiểm toán. Thông thường, chúng tôi gọi đây là bài tập nghiên cứu về “giá trị tiền tệ”. 
 
Vậy, “giá trị tiền tệ” là gì? Tính kinh tế - giải pháp được lựa chọn có hiệu quả kinh tế nhất không? Hiệu suất - hoạt động được thực hiện có theo thông lệ tốt và ít lãng phí nhất không? Hiệu quả - hoạt động có đạt được các mục tiêu chính sách không?
 
Với những điều kiện đó, nếu câu trả lời là có thì chúng tôi tiếp tục thực hiện KTHĐ. Trường hợp không thể trả lời hết câu hỏi, chúng tôi phải xem xét lại và có thể áp dụng những phương pháp, biện pháp khác để thực hiện. Bởi vậy, xây dựng ý tưởng là rất khó. Chẳng hạn, để đánh giá hiệu quả thực sự từ các chính sách tạo việc làm của Chính phủ ở một khu vực nào đó là việc không dễ vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có thể áp dụng những phương pháp luận riêng biệt rồi kết hợp chúng với nhau. Tuy nhiên, kiểm toán viên không chỉ xem xét mỗi yếu tố các chỉ số việc làm tăng lên hay giảm xuống mà phải kết hợp nhiều khía cạnh khác mới có thể đánh giá được hiệu quả của chính sách.
 
Một ví dụ khác, khi Chính phủ có chính sách hỗ trợ tài chính trong việc khuyến khích các công ty sử dụng thêm nhiều nhân viên tập sự, tiêu chí đánh giá lúc này không chỉ là việc những nhân viên tập sự đó có được tuyển dụng vào công ty mà còn phải xem xét khả năng duy trì những nhân viên này sau 6 đến 18 tháng. Điều quan trọng, khi thời gian hỗ trợ tài chính của Chính phủ kết thúc, chương trình tuyển dụng này liệu có tiếp tục được duy trì? Ví dụ này đã cho thấy, kiểm toán viên không dễ đưa ra những phương pháp tiếp cận mang tính tiêu chuẩn mà nó phụ thuộc rất nhiều vào sự khác nhau của bối cảnh…
 
HỒNG ANH (ghi)
Theo Đặc san Kiểm toán số 69 ra tháng 3/2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động kiểm toán

Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Tổng Kiểm toán nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 1346/CT-KTNN về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201