Thứ Tư, 24/4/2024 - 00:12:34 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Nhức nhối vấn nạn vi phạm bản quyền thương hiệu trong lĩnh vực bất động sản

THỨ NĂM, 06/09/2018 08:45:00 | BẤT ĐỘNG SẢN
(BKTO) - Bảo vệ thương hiệu cho DN bất động sản (BĐS) đang là vấn đề khá nhức nhối khi nhiều DN rơi vào tình cảnh bị nhái tên DN, thương hiệu dự án, hình ảnh, logo, tên miền..., thậm chí bị đặt trùng tên.

Quy định chưa rõ ràng

Theo nhiều chuyên gia, thương hiệu là một vấn đề rất rộng và hiện nay chưa có một văn bản pháp lý nào về sở hữu trí tuệ đề cập đến việc Nhà nước bảo vệ thương hiệu, mà chỉ có các đối tượng được quyền sở hữu trí tuệ từ sáng chế, giải pháp hữu ích, thương mại, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bí quyết thương mại... Điều này dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền thương hiệu trong lĩnh vực BĐS khiến nhiều DN “đau đầu”. Việc nhái thương hiệu đang là chướng ngại cản bước phát triển của thị trường BĐS, khiến khách hàng hoang mang, gây nhiễu loạn thị trường.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam - cho biết: “Gần đây, một dự án của Công ty bị trùng lặp với dự án khác và một công ty môi giới đã lấy hình ảnh của Công ty để quảng cáo tại dự án đó, nhưng hiện nay chưa có cơ quan nào xử lý vấn đề này, nên chúng tôi cũng chỉ có thể yêu cầu họ gỡ bỏ từ các trang online”.

Cũng theo ông Hiệp, không chỉ logo mà hình ảnh của các dự án cũng đang bị vi phạm nghiêm trọng. Bởi tên tiếng Việt dài và thường khác nhau ở phần đuôi của tên nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn chấp thuận nên mới có sự trùng lặp. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý xử lý còn rất nhẹ, thậm chí là vẫn chưa đưa ra được các quy định rõ ràng nên khó xử lý.

Việc xây dựng được một thương hiệu nói chung và trong lĩnh vực BĐS nói riêng đòi hỏi cả một quá trình và tốn rất nhiều công sức, đặc biệt, đó có thể là trí tuệ của cả một tập thể. Giá trị của nhãn hiệu được thể hiện ở chỗ, cùng một loại sản phẩm dịch vụ nhưng nếu sản phẩm đó là của một công ty lớn có thương hiệu lâu năm, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi thì chi phí phải trả thường lớn hơn từ 3 - 4 lần. Tuy nhiên, một số DN hiện nay sau khi tiến hành cổ phần hóa còn không lấy được tên cũ của mình do công ty chưa đăng ký thương hiệu. 

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam - cho rằng, một hạn chế hiện nay trong việc đăng ký kinh doanh là mới chỉ đăng ký bằng tên và địa chỉ. Còn những yếu tố khác như: hình ảnh, logo, slogan của DN thì chưa được chú trọng. Do đó, cần bổ sung các yếu tố này thêm vào trong thủ tục đăng ký thành lập DN.

DN chân chính cần tự bảo vệ mình

Theo các chuyên gia, việc bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu trong các luật, văn bản pháp lý hiện nay mới dừng lại ở việc bảo hộ. Thêm nữa, việc thực thi các chế tài xử lý sự nhầm lẫn thương hiệu thường chậm trễ, khó đưa ra toà án để giải quyết, thường thì các bên sẽ tự thoả thuận với nhau.

Đưa ra các giải pháp để DN BĐS bảo vệ thương hiệu của mình, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corp - cho rằng: Thương hiệu có 2 phần là hữu hình và vô hình. Nhãn hiệu là phần hữu hình, vấn đề bảo hộ nhà nước có thể bảo hộ hữu hình; còn giá trị vô hình tự DN phải bảo vệ. Về bảo hộ nhãn hiệu, DN có thể đến đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; nhưng bảo hộ thiết kế hình ảnh, công trình thì phải tìm đến cơ quan về bản quyền tác giả. Riêng với phần vô hình, DN cần chủ động bảo hộ bằng hoạt động truyền thông, xây dựng nhãn hiệu, hình ảnh; từ đó tránh sự trùng lặp và hạn chế những thiệt hại sau này.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty Reeco Sông Hồng - nhận định: Quan trọng là các DN BĐS đang hoạt động phải tự bảo vệ thương hiệu của mình một cách kiên quyết. Có thể nhận thấy, DN BĐS đang lơ đãng với quyền chính đáng của mình, điều này dẫn đến việc DN không tự bảo vệ được thương hiệu. Chỉ riêng trong Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, tính ra mới chỉ có khoảng 20% DN đăng ký nhãn hiệu cho dự án của DN.

Cũng theo nhiều chuyên gia, hiện nay, chi phí để đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam trong thời gian 10 năm chưa đến 100 USD. Vì vậy, DN nên tự bảo vệ mình bằng việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu. Điều này còn thể hiện trách nhiệm bảo vệ khách hàng của DN.

LONG HOÀNG
Theo Báo Kiểm toán số 35 ra ngày 30-8-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Hanoi Melody Residences thỏa mãn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cư dân

Hanoi Melody Residences thỏa mãn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cư dân

(BKTO) - Bên cạnh các yếu tố về vị trí, chủ đầu tư, chất lượng xây dựng…, người mua nhà ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các tiêu chí về sức khỏe và tinh thần trong việc lựa chọn tổ ấm.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201