Thứ Tư, 24/4/2024 - 04:30:50 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Bài 3: Trừng phạt nghiêm khắc không phải là giải pháp hữu hiệu

CHỦ NHẬT, 18/07/2021 09:41:20 | BẠN ĐỌC
(BKTO) - Để phòng ngừa, ngăn chặn trẻ hóa tội phạm, điều quan trọng nhất là sự phối hợp của gia đình và nhà trường trong việc quản lý chặt chẽ con em mình. Trong đó, nhà trường ngoài việc giáo dục văn hóa còn phải là nơi trang bị cho giới trẻ những kiến thức pháp luật, những kỹ năng mềm để thích nghi với môi trường xã hội.

Ảnh minh họa - Ảnh: NGUYỄN ĐÀO


Giáo dục pháp luật phải là một môn học
Theo TS. Đoàn Văn Báu - chuyên gia tâm lý tội phạm, tội phạm trẻ hóa ngày càng phổ biến hơn, trước đây tội cố ý gây thương tích... chiếm đa số nhưng bây giờ, tội phạm công nghệ cao, xâm phạm an ninh quốc gia có rất nhiều người dưới 18 tuổi. Đây thực sự là điều đáng báo động. Tuy nhiên, một thực tế là cho dù 100 năm sau thì tâm lý lứa tuổi vẫn như vậy. Chính vì vậy, giải pháp quan trọng vẫn là nâng cao nhận thức để trẻ nhận diện và phân biệt được hành vi mà pháp luật không cho phép.

“Hiện nay, chương trình đào tạo quá nặng nề về lý thuyết, kỹ năng học ở trường hạn chế. Bộ Giáo dục cần có bộ sách riêng về tâm lý sống để đưa vào chương trình giảng dạy chính thức trong nhà trường. Đào tạo kỹ năng phải rõ ràng, có chương trình rõ ràng thì mới trang bị cho các em kỹ năng tốt được”- TS. Báu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm PGS,TS. Trần Kiều - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam - trong một lần đến Đồng Nai tham gia Hội thảo về phòng chống bạo lực học đường cho rằng: “Việc phổ biến, giáo dục, tuyên truyền pháp luật cho học sinh là cần thiết ngang với những môn học khác. Người “mù” luật cũng giống như người dọ dẫm đi trong đêm tối, rất dễ sa xuống hố. Cho nên, hiểu biết pháp luật sẽ giúp các em biết dừng lại trước những hành vi nguy cơ dẫn đến tội phạm”.

Chia sẻ về việc cần thiết phải dạy kiến thức pháp luật cho học sinh, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - cho biết, đã có rất nhiều vụ việc đau lòng gây bức xúc trong xã hội xảy ra, nguyên nhân là do học sinh thiếu kiến thức về pháp luật.

Ông Đặng Hoa Nam dẫn chứng một số học sinh có hành vi bạo lực học đường, bêu xấu bạn trên mạng xã hội, vi phạm an toàn giao thông, sử dụng ma túy, gây rối trật tự công cộng... không chỉ do tuổi trẻ nông nổi mà còn vì chưa được giáo dục pháp luật đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó, không ít giáo viên cũng bị “hổng” kiến thức pháp luật trầm trọng, hậu quả là đã bị động, thậm chí “làm ngơ” trước những hành vi sai trái của học sinh.

"Vì vậy, bổ sung kiến thức về bảo vệ trẻ em trong trường học cần phải mạnh mẽ hơn nữa và bắt đầu từ giáo viên để giáo viên truyền đạt hoặc tác động biện pháp đối tượng học sinh" - Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh.

Cần cuộc “cách mạng” trong giáo dục pháp luật
Thực tế, vấn đề giáo dục, trang bị kiến thức pháp luật cho học sinh nói chung và trẻ em nói riêng là rất cần thiết. Bởi nó không chỉ giúp các em nhận biết được hành vi hợp pháp và hành vi vi phạm pháp luật, qua đó hình thành ý thức xa lánh những hành vi phạm tội, xây dựng thói quen và nhân cách sống chuẩn mực ngay từ khi chưa thành niên.

Nhận thức tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức pháp luật cho học sinh trong thời gian qua, ngành giáo dục đã triển khai Đề án tăng cường phổ biến công tác pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật trực tuyến cho thanh thiếu niên là sinh viên, học sinh của các cơ sở giáo dục, xây dựng các chương trình thông tin, giải đáp pháp luật.

Bên cạnh đó, các nội dung giáo dục pháp luật đã được lồng ghép vào các tiết học chính khóa và ngoại khóa để từ đó nâng cao nhận thức về kiến thức pháp luật cho học sinh. Tuy nhiên thực tế cho thấy, cách phổ biến, tuyên truyền giáo dục cho học sinh tại một số trường học hiện nay được đánh giá là còn khô cứng, kém hấp dẫn.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm về phổ biến pháp luật cho người dân, trong đó có đối tượng học sinh tại một số trường THCS, THPT, Luật sư Ngô Hoàng Trang - Đoàn Luật sư Hà Nội - cho rằng, khi phổ biến pháp luật cho học sinh, cần đưa ra những câu chuyện giả định cụ thể, những tình huống thực tế để các em dễ hình dung sự việc, cho các em tranh luận và tự đưa ra nhận định, đánh giá, qua đó giúp các em nhận diện được những hành vi nào mà pháp luật nghiêm cấm để từ đó điều chỉnh hành vi của mình ở những trường hợp cụ thể.

Rõ ràng, để giảm tình trạng trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, cần sự vào cuộc của toàn xã hội với những giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giải pháp căn bản vẫn là cần một cuộc cách mạng thực sự trong giáo dục thế hệ trẻ hiện nay.

Trong đó, những môn học lý thuyết thiếu thực tế cần giảm thiểu, thay vào đó chú trọng bồi dưỡng thêm đạo đức, lối sống tích cực, kỹ năng sống, xây dựng môi trường học thân thiện, trang bị cho các em ý thức bảo vệ mình và những người xung quanh để mỗi ngày các em đến trường thực sự là niềm vui. Đồng thời, nhà trường, gia đình và học sinh cần đảm bảo phối hợp chặt chẽ để có thể nắm bắt tình hình cũng như tâm sinh lý của các em, từ đó áp dụng biện pháp phù hợp./.
NGUYỄN ĐÀO

 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201