Thứ Sáu, 29/3/2024 - 01:11:37 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Bài 2: Vì sao trẻ hóa tội phạm ngày càng gia tăng?

THỨ TƯ, 14/07/2021 14:32:04 | BẠN ĐỌC
(BKTO) - Theo đánh giá của ngành chức năng và các chuyên gia, tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội chủ yếu do lối sống buông thả, lười lao động, thích ăn chơi đua đòi; một số khác do trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết pháp luật. Bên cạnh đó, không ít trường hợp phạm tội vì thiếu sự quan tâm từ gia đình.

Ảnh minh họa - Ảnh: Nguyễn Đào


Từ tâm lý “chủ quan” của gia đình
Vì sao tình trạng trẻ hóa tội phạm ngày càng nhiều với tính chất, mức độ, hành vi tội phạm ngày càng nguy hiểm, hung hãn? Trả lời câu hỏi này tại Tọa đàm “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội” do báo Thanh niên tổ chức mới đây, đại diện Bộ Công an cho biết, tình hình tội phạm do thanh, thiếu niên gây ra có diễn biến rất phức tạp, số trẻ em phạm tội đang “gia tăng và trẻ hóa”. Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng này không còn đơn giản do bồng bột, thiếu suy nghĩ mà đã có sự tính toán, chuẩn bị kỹ càng và khá tinh vi, để lại những hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc xã hội. Các vụ án có bị cáo là thanh, thiếu niên gia tăng. Thanh, thiếu niên phạm tội không chỉ tăng về số lượng mà tuổi đời phạm tội của các bị cáo là người chưa thành niên cũng trẻ hóa.

Qua điều tra và xét xử các vụ án, cơ quan chức năng cho biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ hóa tội phạm. Đó là xuất phát từ hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi lên thành phố kiếm sống, nhiều em bị các đối tượng xấu lôi kéo, tụ họp thành những nhóm trộm, cướp để có tiền tiêu xài. Đó là từ việc gia đình tan vỡ, các em bị khủng hoảng tâm lý, ít được quan tâm, dạy bảo nên rơi vào con đường tội lỗi.

Thực tế, gia đình là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành nhân cách của mỗi cá nhân trong thời thơ ấu. Bởi, kể từ khi mới sinh ra, gia đình là môi trường đầu tiên mà những đứa trẻ sinh sống, nhận thức của trẻ bước đầu hình thành từ những hành vi của những người xung quanh, bao gồm cả những hành vi tốt hay xấu.

Phần lớn các đối tượng vi phạm pháp luật rơi vào hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế; bố mẹ ly hôn, ly thân hoặc là đối tượng hình sự, rượu chè, cờ bạc; gia đình thường xảy ra bạo lực, thiếu quan tâm đến trẻ, để trẻ em lang thang kiếm sống hoặc nuông chiều quá mức, để trẻ tiếp xúc với những thành phần xấu của xã hội, bị kẻ xấu lôi kéo vào con đường phạm pháp.... Khi những bậc làm cha, làm mẹ nhận ra sự quá thờ ơ trong việc chăm sóc, giáo dục con em mình thì hậu quả đau lòng cũng đã xảy ra, con em họ còn quá nhỏ để gánh chịu những bi kịch ấy.

Đến “lỗ hổng” trong giáo dục
Cùng với sự thiếu quan tâm, giám sát từ gia đình, nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên phạm tội gia tăng, theo các chuyên gia, việc giáo dục kiến thức pháp luật cũng như giáo dục trẻ về các kỹ năng nhận diện hành vi sống chuẩn mực theo pháp luật tại nhà trường chưa được coi trọng. Điều này dẫn tới thực trạng đáng buồn học sinh học quá tải các môn học, kỹ năng nhưng lại bị “đói” kiến thức pháp luật, không nhận biết được hành vi nào là sai trái.

Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Thủy - Giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, so với dạy chữ, việc “dạy người” tại các trường đang có phần bị xem nhẹ. Hiện nay, các trường học mới chú trọng vào việc cung cấp kiến thức mà chưa quan tâm đúng mức đến việc dạy cho học sinh kỹ năng sống. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để định hướng cho xử sự và hành vi của các em còn quá ít và thiếu thuyết phục.

Một nguyên nhân khác là vai trò định hướng của xã hội đối với trẻ vị thành niên vẫn còn mờ nhạt và chưa hiệu quả. Trong khi đó, quá trình hội nhập, các yếu tố văn hóa nước ngoài du nhập vào nước ta phong phú và phức tạp nhưng xã hội lại thiếu một “bộ lọc” hiệu quả đối với các yếu tố văn hoá đó. Kết quả là bên cạnh những yếu tố văn hóa tích cực, tiến bộ, không ít yếu tố tiêu cực xuất hiện. Sự bùng nổ thông tin với sự xâm nhập của các băng, đĩa có nội dung bạo lực, khiêu dâm, đồi trụy khiến một bộ phận không nhỏ trẻ em vùi đầu vào các quán internet để chát, chơi game online (chủ yếu là game bạo lực). Trong môi trường xã hội nhiều biến động đó, đạo đức của một bộ phận không nhỏ trẻ em đi xuống với biểu hiện là đề cao lối sống hưởng thụ, ăn chơi lêu lổng, đua đòi, thích thể hiện mình, dẫn đến phạm tội nghiêm trọng./.
 
Tình trạng học sinh nói riêng và trẻ em nói chung vi phạm pháp luật về bạo lực học đường, an toàn giao thông, gây rối trật tự công cộng, sử dụng và vận chuyển ma túy, cướp giật... có xu hướng gia tăng. Nhiều em vi phạm khi bị bắt và xử lý nhưng không biết hành vi đó của mình là vi phạm pháp luật, không lường được hậu quả cũng như mức án phải nhận khi phạm tội hình sự.

NGUYỄN ĐÀO 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201