Thứ Năm, 25/4/2024 - 14:11:55 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Sửa Luật Giao thông đường bộ: Cần phù hợp với điều kiện Việt Nam

THỨ HAI, 18/05/2020 08:30:00 | BẠN ĐỌC QUAN TÂM
(BKTO) - Cấm vượt đèn xanh khi nút giao ùn tắc; xe máy phải bật đèn vào ban ngày… là những đề xuất đang gây tranh cãi, sau khi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa những quy định này vào Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi. Bản Dự thảo này đang trong giai đoạn lấy ý kiến nhân dân, dự kiến kéo dài đến ngày 21/6 tới.


Nhiều quy định của Dự thảo Luật GTĐB khi đưa ra đã nhận nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Ảnh: Hoàng Ngân

Nhiều quy định không phù hợp

Bộ GTVT nhận định, sau 12 năm thực hiện, Luật GTĐB 2008 đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động GTVT đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc; thúc đẩy phát triển GTVT và kinh tế đất nước. Tuy nhiên, nhiều hạn chế cũng đã phát sinh, yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình giao thông Việt Nam hiện nay.

Mặc dù vậy, tại nhiều quy định của Dự thảo Luật GTĐB khi đưa ra đã ngay lập tức nhận nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Điểm đáng chú ý là việc bắt buộc phương tiện xe máy, xe đạp điện... phải bật đèn khi tham gia giao thông. Cụ thể, khoản 3, Điều 27 Dự thảo Luật quy định: “Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau”. Đại diện Bộ GTVT lý giải, các quy định trên được tham khảo từ Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ (Công ước 1968). Trong đó, quy định bật đèn xe máy cả ngày nhằm tăng nhận diện, giúp người lái dễ dàng nhận diện các xe đang chạy.

Ngoài ra, Bộ GTVT đề nghị, trường hợp nút giao ùn tắc, kể cả có đèn xanh các phương tiện vẫn phải dừng lại, nếu cố vượt có thể bị xử phạt. Cụ thể, Điều 13 của Dự thảo Luật đưa ra quy định mới về tín hiệu đèn giao thông. Tín hiệu đèn đỏ và đèn vàng vẫn giữ nguyên như trong Luật GTĐB 2008; tín hiệu đèn xanh thay vì nghiễm nhiên được di chuyển, các phương tiện sẽ phải dừng lại trong trường hợp hướng đi tới đang bị ùn tắc. Nếu tiến vào nút giao sẽ không thoát ra được trước khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang báo hiệu cho hướng khác tiến vào nút giao. 

Máy móc và không cần thiết

Trao đổi với báo chí về đề xuất người tham gia giao thông không được đi đến khu vực có ùn tắc kể cả khi có tín hiệu đèn xanh, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT Nguyễn Văn Thụ cho rằng, về mặt lý thuyết thì đây là điều đúng nhưng thực tế rất khó áp dụng tại Việt Nam. Bởi, hạ tầng giao thông của nước ta chưa đáp ứng được việc thực hiện quy định này. “Các nước trên thế giới có nhiều con đường kết nối với nhau, không đi đường này thì đi đường khác. Như thế, khi có ùn tắc tự động người tham gia giao thông sẽ rẽ sang một hướng khác. Còn ở Việt Nam, hạ tầng giao thông đang hạn chế, nếu không đi hướng đó thì chẳng biết đi hướng nào. Hơn nữa, vào giờ cao điểm thì cung đường nào cũng đặt trong tình trạng báo động ùn tắc, nếu áp dụng quy định như trong Dự thảo Luật thì người tham gia giao thông phải di chuyển đi đâu?” - ông Thụ đặt vấn đề.

Trong khi đó, Chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức nhận định, đề xuất này của Bộ GTVT cũng có cơ sở pháp lý, đúng với lý thuyết giảm, tránh ùn tắc giao thông. Nhưng đây không phải luật mà nó thuộc về "tục" nhiều hơn. Ở nước ngoài họ áp dụng thành công là do ý thức tham gia giao thông rất cao, trong khi ở Việt Nam thì văn hóa giao thông luôn bị đánh giá kém, mạnh ai người ấy đi. Do đó, đề xuất người tham gia giao thông không được đi đến khu vực có ùn tắc kể cả khi có tín hiệu đèn xanh sẽ khó áp dụng vào thực tế.

Bình luận về đề xuất bắt buộc phương tiện xe máy, xe đạp điện... phải bật đèn khi tham gia giao thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, Công ước 1968 có quy định về bật đèn chiếu sáng cả ngày đối với phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, quy định này chỉ phù hợp với các nước châu Âu do ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều, cần bật đèn để nhận diện. Còn ở Việt Nam - một đất nước nhiệt đới với thời tiết vào mùa hè nhiệt độ luôn ở mức cao - nếu bật đèn sẽ gây chói mắt với người điều khiển phương tiện giao thông đi ngược chiều; đồng thời, tiêu tốn một lượng điện ở bình ắc quy, từ đó tăng tiêu thụ nhiên liệu, tăng lượng phát thải khí gây ô nhiễm môi trường. “Tôi cho rằng quy định này áp dụng với nước ta là không cần thiết. Việc bật đèn không giảm thiểu được tai nạn giao thông mà còn tác dụng ngược” - ông Quyền khẳng định. 

Chia sẻ về các đề xuất nói trên, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc học hỏi kinh nghiệm, mô hình ở nước ngoài trong quá trình xây dựng văn bản luật là rất cần thiết, không chỉ ở nước ta mà tại bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên, nếu bê nguyên mô hình của nước ngoài một cách máy móc mà chưa có sự lựa chọn, nghiên cứu, đánh giá về tính phù hợp với điều kiện thực tế trong nước thì sẽ gây ra những hệ lụy rất khó lường.

HÒA LÊ

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

(BKTO) - Từ ngày 01/11, khi nhận các cuộc gọi rác có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể gọi hoặc nhắn tin miễn phí tới số 156 để thông báo.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201