Thứ Ba, 16/4/2024 - 18:48:49 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Ngăn chặn trục lợi Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

THỨ BA, 26/12/2017 11:25:00 | BẠN ĐỌC QUAN TÂM
(BKTO) - Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chính sách mang ý nghĩa hỗ trợ người lao động trong trường hợp bị mất việc làm, góp phần giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định cuộc sống và sớm quay lại thị trường lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách nhân văn này đang bị lạm dụng, làm mất đi bản chất của BHTN, khiến nguồn Quỹ BHTN bị thất thoát.

Hiện nay, các chế độ BHTN được thực hiện theo quy định của Luật Việc làm, gồm: trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề; tư vấn giới thiệu việc làm; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, được cấp thẻ Bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Để được hưởng các chế độ BHTN, người lao động nộp hồ sơ cho Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) để được phê duyệt.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Phạm Lương Sơn: Từ khi chính sách BHTN có hiệu lực đến nay, người lao động mới chủ yếu quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, số người có nhu cầu hỗ trợ học nghề còn thấp (chiếm 5,38% so với số người hưởng trợ cấp thất nghiệp. Riêng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, từ năm 2015 đến nay, các đơn vị sử dụng lao động chưa đăng ký hưởng. Số tiền chi trợ cấp thất nghiệp cho người lao động chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi Quỹ BHTN hằng năm. Năm 2015, chi trợ cấp thất nghiệp chiếm 95,07% tổng chi Quỹ BHTN; năm 2016 là 93,69% và 9 tháng năm 2017 là 94,6%.

Đặc  biệt, một thách thức lớn trong thực hiện chính sách BHTN là tình trạng lạm dụng, trục lợi chính sách ngày càng phức tạp, dưới nhiều hình thức. Điển hình là việc người lao động khai báo tình trạng việc làm không trung thực hoặc không khai báo với cơ quan lao động (trực tiếp là Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH), dẫn đến tình trạng vừa đóng, vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhiều trường hợp chỉ bị cơ quan BHXH phát hiện khi giải quyết chi trả trợ cấp thất nghiệp lần sau hoặc thông qua rà soát dữ liệu thu BHXH khi họ có việc làm mới. Ngoài ra, còn có tình trạng người lao động chủ động xin nghỉ việc để đăng ký hưởng BHTN; DN cấu kết với người lao động chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng BHTN sau đó lại ký hợp đồng nhận vào làm việc…

Trong năm 2015 và 2016, BHXH các tỉnh, thành phố đã phát hiện và đề nghị Sở LĐ-TB&XH ban hành quyết định thu hồi đối với 15.156 người hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định, với tổng số tiền 70,96 tỷ đồng. Trong đó, việc thu hồi này tập trung tại một số địa phương như: TP.HCM (4.940 người), Bình Dương (2.806 người), Đồng Nai (986 người), Bắc Ninh (611 người)… Tuy nhiên, tính đến hết năm 2016, vẫn còn tới 32,58 tỷ đồng chưa thu hồi được, do cơ quan BHXH không liên lạc được với người lao động hoặc người lao động chưa có khả năng truy nộp. 

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý BHTN; phòng, chống hiệu quả việc lạm dụng, trục lợi Quỹ BHTN, BHXH Việt Nam đang phối hợp với Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) xây dựng bộ công cụ tập trung dữ liệu quản lý chính sách BHXH và kết nối liên thông về BHTN chia sẻ qua trục tích hợp quốc gia. Bộ công cụ có tính năng kết nối với cơ sở dữ liệu thu, sổ thẻ để khai thác khi xét duyệt các chế độ; kết nối, cung cấp dữ liệu cho hệ thống tài chính, kế toán kiểm soát thông tin xét duyệt các chế độ. Việc quản lý người hưởng chế độ hằng tháng, kiểm soát thông tin người hưởng ngắn hạn cũng sẽ được hiển thị đầy đủ trên ứng dụng này. Đây sẽ là cơ sở để tiến tới quản lý chế độ BHTN một cách chặt chẽ, hiệu quả, đảm bảo an toàn Quỹ BHTN.
 
Năm 2014, qua kiểm toán 33 đầu mối tại 32 địa phương về tình hình thực hiện chính sách BHTN, KTNN đã chỉ ra tình trạng người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Nhiều DN lợi dụng quy định đóng BHTN 12 tháng sẽ được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó lại tiếp tục ký hợp đồng lao động. Thậm chí một số DN cuối năm còn cho lao động nghỉ việc hàng loạt và xem như khoản trợ cấp thất nghiệp là phần thu nhập tăng thêm cho người lao động… Nhiều Trung tâm giới thiệu việc làm giải quyết chế độ BHTN cho người lao động không đúng quy định. Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị thu hồi, giảm chi 18,8 tỷ đồng. Đồng thời, KTNN cũng chỉ ra những bất cập, “kẽ hở” của chính sách BHTN, từ đó kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các quy định cho phù hợp. 

Trong Kế hoạch kiểm toán năm 2018, KTNN sẽ tiếp tục thực hiện kiểm toán việc thực hiện chính sách BHTN tại BHXH các tỉnh, thành phố (TP.Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương).
 

N.HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 51 ra ngày 21-12-2017

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

(BKTO) - Từ ngày 01/11, khi nhận các cuộc gọi rác có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể gọi hoặc nhắn tin miễn phí tới số 156 để thông báo.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201