Thứ Sáu, 29/3/2024 - 20:47:34 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Doanh nghiệp Việt vẫn lơ là cảnh báo sai phạm và kiểm soát rủi ro

THỨ HAI, 15/10/2018 10:05:00 | BẠN ĐỌC QUAN TÂM
(BKTO) - Sự thiếu chủ động kiểm soát dẫn đến chậm trễ trong xử lý sai phạm, khủng hoảng là nguyên nhân chính khiến cho DN phát triển không bền vững. Do đó, việc xây dựng hệ thống báo cáo sai phạm, đi đôi với tăng cường năng lực quản trị sẽ giúp cho DN ngày càng minh bạch hơn trong mắt đối tác nước ngoài, đồng thời hạn chế tối đa nguy cơ khủng hoảng lan rộng.


Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: Bùi Thảo

Doanh nghệp Việt coi thường cảnh báo sớm sai phạm

Những lưu ý trên được nhiều chuyên gia trong giới tài chính, kế toán, kiểm toán đề cập tại Hội thảo “Hệ thống báo cáo sai phạm và Bộ Quy tắc quản trị công ty Vương quốc Anh hỗ trợ cho DN Việt Nam như thế nào” do Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) phối hợp tổ chức mới đây.

Dẫn câu chuyện DN Việt Nam thường lúng túng trong việc đối phó với sai phạm phát sinh, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng đã làm “nóng” Hội thảo, khi cho rằng đây là những hạn chế phổ biến mà bất cứ DN nào cũng từng gặp phải.  

Theo ông Bằng, vừa qua, hàng loạt các DN lớn đã bị phát giác sai phạm, các cơ quan chức năng, báo chí vào cuộc đã đưa đến nhiều cuộc khủng hoảng bộ phận, hoặc toàn diện trong DN. “Điều này đặt ra câu hỏi cho những người chủ DN làm sao phát hiện và xử lý sớm sai phạm, không để tạo ra hậu quả lớn cho DN” - ông Bằng đặt câu hỏi, đồng thời nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính các ông chủ DN khi không chú ý đến lợi ích chung mà quan tâm nhiều đến lợi ích cá nhân. 

Giải đáp vướng mắc này, ông Mark Billington - Giám đốc khu vực Đông Nam Á, ICAEW - cho rằng, để DN có thể gia tăng cạnh tranh, tạo dựng niềm tin với nhà đầu tư, hệ thống báo cáo sai phạm và quản trị công ty tốt được nhận định là những mắt xích quan trọng. Hai yếu tố này sẽ giúp các DN giải quyết tranh chấp hiệu quả trong nội bộ, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của DN, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế. 

Đồng quan điểm, bà Elizabeth Richards - Giám đốc chuyên môn về Quản trị DN của ICAEW - nhận định, hệ thống báo cáo sai phạm được đánh giá là nhân tố thành công quan trọng giúp các DN phòng ngừa và phát hiện gian lận, đặc biệt trong các công ty tài chính. “Ở một số lĩnh vực như hàng không, tố cáo trở thành một yêu cầu bắt buộc và nhân viên thường có nhiệm vụ báo cáo lẫn nhau” - bà Elizabeth Richards nói. 

Nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của hệ thống báo cáo sai phạm, ông Nguyễn Viết Thịnh - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần DN xã hội Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) - công ty chuyên tư vấn về quản trị DN - cho rằng, tại Việt Nam, hiện mới chỉ có một vài DN ứng dụng hệ thống này. Đặc biệt, hệ thống này được các DN có vốn đầu tư nước ngoài áp dụng khá tốt theo mô hình công ty mẹ, trong khi các DN nội lại chỉ có một số ít áp dụng và hoạt động hệ thống một cách cầm chừng, sơ sài. 

Tạo dựng niềm tin, sự minh bạch trong hoạt động
 
Theo các chuyên gia, áp dụng hệ thống báo cáo sai phạm là một giải pháp tăng tính minh bạch trong DN, giúp gia tăng sức cạnh tranh và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, tâm lý e ngại, sự thiếu trách nhiệm xã hội là nguyên nhân dẫn đến hệ thống báo cáo sai phạm của DN Việt chưa phát triển và chưa được áp dụng hiệu quả. Điều này gián tiếp đẩy DN vào tình trạng khủng hoảng khi sai phạm xảy ra.

Giám đốc điều hành VIOD Nguyễn Viết Thịnh cho rằng, trong bối cảnh các DN Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, quản trị công ty, đảm bảo tính minh bạch và cải thiện niềm tin của nhà đầu tư là vấn đề cấp thiết. Để làm được điều này, trước tiên, các DN cần đảm bảo tốt trách nhiệm xã hội của mình, tiếp đó là nâng cao nhận thức, ý thức phòng ngừa rủi ro bằng hệ thống cảnh báo sớm sai phạm. 

Trong khi đó, ông Hoàng Đức Hùng - Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam - cho biết, trên thực tế, các DN vừa và nhỏ phải cân đối giữa chi phí và lợi ích trong việc hình thành các phòng, ban. Chúng ta có thể không tổ chức một bộ máy cồng kềnh nhưng vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc - ông Hùng lưu ý, đồng thời kiến nghị các DN không nên đưa ra một kênh báo cáo sai phạm riêng mà nên lồng ghép thêm cơ chế đóng góp ý kiến xây dựng. 

Dẫn kinh nghiệm quản trị và tư vấn của DN Anh, bà Elizabeth Richards cho rằng, các DN phải làm quen với việc chấp nhận các thông tin tố cáo, phản ánh ngay từ nội tại DN. “DN cần nghĩ về yếu tố tích cực mà người tố giác mang lại. Điều quan trọng hơn là mọi người trong DN cần cam kết thực hiện theo đúng quy trình và thủ tục cho dù họ là ai và ở vị trí nào” - bà Elizabeth Richards nhấn mạnh. 

Tại Hội thảo, ông Ed Vaizey MP - Đặc phái viên thương mại của Thủ tướng Anh tại Việt Nam, Campuchia và Lào - cũng cho rằng, việc các DN nâng cao khả năng quản trị sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài thông qua đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp. “Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ Bộ Quy tắc quản trị công ty của Anh mới ban hành để hỗ trợ các DN cùng thay đổi nhận thức và hành động vì sự phát triển bền vững” - ông Ed Vaizey MP nói.

PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 41 ra ngày 11-10-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

(BKTO) - Từ ngày 01/11, khi nhận các cuộc gọi rác có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể gọi hoặc nhắn tin miễn phí tới số 156 để thông báo.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201