Thứ Năm, 28/3/2024 - 18:52:38 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Khắc phục khó khăn trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

THỨ HAI, 18/05/2020 08:45:00 | AN SINH XÃ HỘI
(BKTO) - Dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trong những tháng đầu năm. Số thu và số đối tượng tham gia đều giảm, trong khi số chi tăng. Trước tình hình này, BHXH Việt Nam đang xây dựng các kịch bản quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ của ngành dưới tác động của dịch Covid-19, nhằm nỗ lực đạt được các chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020.


Số người tham gia BHXH bắt buộc tại các địa phương đều giảm nhiều trong các tháng đầu năm 2020. Ảnh: Thúy Hồng

Số thu và đối tượng tham gia giảm mạnh

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong các tháng đầu năm 2020, công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình hình dịch Covid-19 và tiếp tục chịu ảnh hưởng nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài. Theo tính toán, trong điều kiện bình thường, hằng năm số lao động tham gia BHXH sẽ tăng thêm khoảng từ 5 - 6% so với năm trước liền kề. Tuy nhiên, tính đến 30/4/2020, toàn quốc có 14,419 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, giảm 421.000 người so với tháng 3/2020 và giảm 780.000 người so với năm 2019. Số người tham gia BHXH bắt buộc tại các địa phương đều giảm mạnh so với thời điểm tháng 12/2019; trong đó, một số địa phương giảm nhiều như: TP. HCM giảm 210.982 người; Bình Dương giảm 101.628 người; Hà Nội giảm 65.038 người; Đồng Nai giảm 46.924 người... Số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT cũng đều giảm so với năm 2019.

Tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các DN cũng khiến số nợ BHXH, BHYT tăng cao trong 4 tháng đầu năm (bằng 5,6% số phải thu). Đáng chú ý, việc cho phép tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12/2020 sẽ khiến số thu BHXH, BHYT giảm đáng kể. Theo báo cáo, đến ngày 30/4/2020, có 44 BHXH tỉnh, thành phố đã nhận được hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất. Theo đó, có 745 đơn vị đã được phê duyệt hồ sơ tạm dừng đóng, tương ứng với 68.359 lao động và số tiền ước khoảng 259 tỷ đồng. Con số này đã gia tăng rất nhanh so với thời điểm 15/4/2020 khi toàn quốc mới có 173 đơn vị thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 20.908 lao động với số tiền trên 91,08 tỷ đồng.

Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến số đối tượng tham gia BHXH, BHYT giảm, ông Dương Văn Hào - Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) - cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các DN không nhập được nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc nên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều người lao động lo ngại không đến ứng tuyển tại các DN có nhiều chuyên gia người nước ngoài đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan... gây khó khăn trong tuyển dụng lao động. Đặc biệt, trong tháng 3/2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên nhiều DN cắt giảm lao động, giảm giờ làm để phòng tránh dịch. Công tác tuyên truyền trực tiếp về BHXH tự nguyện tại nhiều nơi cũng chưa thực hiện đúng tiến độ do tình hình dịch bệnh…

Nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu

Trước tình hình trên, BHXH Việt Nam đang xây dựng các kịch bản quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ của ngành dưới tác động của dịch Covid-19. Dự kiến, sẽ có 2 kịch bản được xây dựng theo mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đó có việc dự báo tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành năm 2020 và giải pháp khắc phục. Tinh thần chung của ngành BHXH là phải nỗ lực đạt được các chỉ tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH tự nguyện đã đặt ra cho năm 2020. Đồng thời, ưu tiên bố trí kinh phí để đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT; tháo gỡ khó khăn cho DN cũng như thực hiện tiết kiệm, giảm chi phí hoạt động của ngành phù hợp với tình hình thực tế theo định hướng chung của Chính phủ…

Để đẩy mạnh công tác thu, lãnh đạo BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, trong đó có cơ quan bưu điện đẩy mạnh các hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp đến các cơ quan, DN và người dân. Cùng với đó, kịp thời gửi Thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT cho các đơn vị sử dụng lao động cũng như danh sách người tham gia đến hạn phải đóng BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho đại lý thu để đôn đốc, vận động người dân tiếp tục tham gia; tăng cường tổ chức hội nghị khách hàng để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, toàn ngành tiếp tục triển khai rà soát dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp, nhằm khai thác, phát triển đối tượng tham gia…

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, hiện nay đã hết giãn cách xã hội do dịch Covid-19, nhiều người lao động đã quay trở lại làm việc. Do đó, BHXH các địa phương cần có những giải pháp để phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình nhằm bù số người tham gia đã giảm. Đồng thời, xây dựng phương án cụ thể về phát triển đối tượng tham gia BHXH cũng như phương án thu để khi DN khôi phục sản xuất, lao động quay trở lại thị trường thì tiếp tục tham gia BHXH.
Song song đó, BHXH Việt Nam chỉ đạo cơ quan BHXH các địa phương tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ quy trình chi trả để đảm bảo việc chi trả được đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng; ngăn chặn việc lạm dụng, trục lợi từ chính sách.

N.HỒNG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201