Thứ Bảy, 20/4/2024 - 09:32:46 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Dự kiến các kịch bản, sẵn sàng tăng tốc để hoàn thành nhiệm vụ

THỨ BẢY, 14/08/2021 20:49:08 | AN SINH XÃ HỘI
(BKTO) - Xác định những tháng còn lại của năm 2021 sẽ là giai đoạn khó khăn đối với ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH), khi dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tại Hội nghị giao ban công tác tháng 8/2021 của Ngành diễn ra mới đây, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, toàn Ngành cần dự kiến các kịch bản, giải pháp để sẵn sàng tăng tốc và bứt phá hoàn thành nhiệm vụ trong những tháng cuối năm, khi dịch bệnh được kiểm soát.

Chủ động, sáng tạo để mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, dịch Covid-19 với diễn biến phức tạp sẽ tác động mạnh đến nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao của Ngành. Đáng lo ngại nhất là những tác động tiêu cực đến công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Minh chứng là hiện nay, số người tham gia BHXH, BHYT trên cả nước đều giảm so với tháng 6/2021 và thời điểm cuối năm 2020.

Theo ông Dương Văn Hào - Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp, cùng với việc giảm số người tham gia BHYT khi triển khai Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (khoảng 3,9 triệu người), nếu như không có đề xuất, giải pháp kịp thời tháo gỡ về cơ chế chính sách, không có những giải pháp thực sự sáng tạo, đột phá cùng sự tập trung, quyết liệt, nỗ lực lớn của toàn Ngành, thì việc hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và kế hoạch của Ngành đề ra năm 2021 là hết sức khó khăn.

Phân tích rõ hơn, ông Dương Văn Hào cho biết, mặc dù trong tháng 7 có 26 địa phương phát triển được người tham gia BHXH tăng so với tháng 6, nhưng do đa số là các tỉnh nhỏ, nên không thể bù lại được các tỉnh, thành phố lớn. Trong khi đó, tốc độ phát triển BHXH tự nguyện tăng thấp. “Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động trực tiếp người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình gặp nhiều khó khăn. Nếu muốn hoàn thành chỉ tiêu, từ nay đến hết năm, chúng ta phải tổ chức được khoảng 66.000 cuộc họp tuyên truyền trên cả nước...”- ông Hào nhấn mạnh.

Trong bối cảnh dịch bệnh, các địa phương cần linh hoạt, sáng tạo trong công tác tuyên truyền để phát triển người tham gia BHXH, BHYT - Ảnh: BHXH Việt Nam


Trong bối cảnh dịch bệnh, vừa qua, một số địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo để mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT. Điển hình như BHXH tỉnh Thái Bình và tỉnh Nghệ An đã sáng tạo chuyển đổi mô hình truyền thông trực tiếp sang truyền thông trực tuyến và truyền thông nhóm nhỏ, từ đó đạt được những kết quả đột phá giữa đại dịch. Theo ông Hào, đây sẽ là mô hình để các địa phương có thể triển khai hiệu quả trong thời gian tới, nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp.
 
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2021, toàn quốc có khoảng 16 triệu người tham gia BHXH, chiếm 32,08% lực lượng lao động; trong đó, hơn 14,7 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, gần 1,2 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Có hơn 13 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); hơn 85 triệu người tham gia BHYT- đạt tỷ lệ bao phủ 87,17% dân số. Tổng số thu của toàn Ngành là 224.529 tỷ đồng, đạt 56,18% kế hoạch; tổng số nợ là 21.358 tỷ đồng, chiếm 5,34% so với số phải thu...

Để hoàn thành các chỉ tiêu thu và phát triển đối tượng tham gia, đại diện Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ, đề nghị BHXH các địa phương tập trung tuyên truyền hiệu quả, phù hợp với thực tế; tiếp tục tham mưu cho các cấp chính quyền hỗ trợ kinh phí để người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình… Ngoài ra, thời điểm này sắp bước vào năm học mới 2021-2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các trường học trực tuyến nên công tác tuyên truyền chính sách BHYT học sinh, sinh viên sẽ khó khăn. Để có thể làm tốt công tác này, BHXH các địa phương cần tăng cường phối hợp cùng các cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền chính sách BHYT thông qua hình thức trực tuyến.

Sẵn sàng tăng tốc

Nhận định tình hình dịch bệnh có thể kéo dài và phức tạp, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu yêu cầu, các đơn vị phải xác định rõ tâm lý đối diện với khó khăn một cách thường xuyên; nâng cao hơn nữa việc dự báo trước những biến động ở từng quý, từng năm…; xác định chi tiết các nhóm đối tượng tiềm năng để có kế hoạch và cách tiếp cận, cách làm hợp lý, hiệu quả. “Mỗi địa phương cần thành lập Ban Chỉ đạo để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách như phòng, chống dịch, cũng như đưa ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ như: thu, phát triển đối tượng… cho 5 tháng cuối năm”- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đề xuất.

Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn thì đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong thời điểm khó khăn hiện nay, tránh tình trạng đứt gãy thị trường lao động gây tác động rất lớn tới kết quả thực hiện các chỉ tiêu của Ngành. Bên cạnh đó, các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu nghiệp vụ, trong đó nhanh chóng hoàn thiện ứng dụng VssID để hỗ trợ người dân và người lao động...

Trên cơ sở các ý kiến, đề xuất tại Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, hiện nay, đại dịch Covid-19 gây ra rất nhiều khó khăn, thiệt hại đối với kinh tế - xã hội đất nước, trong đó có ngành BHXH Việt Nam. Lúc này, phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên số một, song việc dự kiến các kịch bản, giải pháp để có thể sẵn sàng tăng tốc và bứt phá hoàn thành nhiệm vụ sau khi dịch bệnh được khống chế cũng rất cần thiết. Do đó, các đơn vị, BHXH các địa phương cần luôn trong tư thế sẵn sàng, chuẩn bị mọi phương án.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhận định, để hoàn thành được tất cả các chỉ tiêu của cả năm 2021 là rất thách thức, nhưng cơ hội của 5 tháng cuối năm chưa hẳn là không có, nếu biết nắm bắt cơ hội. Chẳng hạn,  đại dịch Covid-19 đã gây ra hậu quả vô cùng lớn, nhưng nó cũng cho thấy được sự quan trọng của hệ thống an sinh xã hội trong việc đồng hành và chăm sóc người dân. “Thực tế đã có, nếu chúng ta đẩy mạnh tuyên truyền, khéo léo giúp người dân nhận ra việc tham gia chính sách BHXH tự nguyện sẽ có những lợi ích như thế nào đối với họ, nhất là những lúc khó khăn như dịch bệnh thì chắc chắn người dân sẽ tự nguyện tham gia”- ông Mạnh gợi ý.

Đối với nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành cần kiên định các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra; tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT; sử dụng ứng dụng VssID một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ. Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch.../.
Đ. KHOA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201